Giá Cá Tra Tăng Nhưng Người Nuôi Không Mặn Mà
Kế Sách là vùng trọng điểm nuôi cá tra xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng, nhưng diện tích treo ao đã trên 70%. Những người tâm huyết với nghề giờ cũng ngán ngẫm, đành treo ao để chờ giá đầu ra ổn định, nhưng xem ra tình hình chẳng mấy cải thiện.
Ông Nguyễn Văn Nốp - Chủ tịch Hiệp Hội nuôi cá nước ngọt, huyện Kế Sách cho biết: “Bắt đầu sau 2008 trở đi đến 2 tháng năm 2011 giá cá tăng cao được một thời gian ngắn rồi giảm xuống cho đến bây giờ. Vùng nuôi Kế Sách hiện nay bà con bỏ ao rất là nhiều và thậm chí có 1 số đã dính nợ ngân hàng. Các công ty thì không về đầu tư nữa do thấy lỗ trước mắt, các anh em trong hiệp hội bây giờ có dính nợ một phần 1 phần còn quá khó khăn nên không đầu tư được”.
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá cá tra thương phẩm đã nhích lên, hiện giá thu mua tại các nhà máy chế biến là 23.500 đồng/1 kg, tương đương với giá thành sản xuất, còn giá mua tại ao cũng chỉ ở mức 22.000 đến 22.500 đ/kg như vậy người nuôi vẫn bị lỗ.
Nghề nuôi cá tra ở Sóc Trăng bị bế tắt, người nuôi thua lỗ vì giá đầu ra không ổn định, giảm ở mức thấp, tuy vậy bà con vẫn thả giống tiếp tục với hy vọng đến khi thu hoạch giá sẽ được cải thiện, nhưng thực tế không như mong đợi, cứ nhiều đợt như vậy nên người nuôi cạn kiệt vốn, buộc phải treo ao.
Năm 2013, diện tích thả nuôi cá tra ở Sóc Trăng chỉ có 110 ha, chưa được 50% diện tích ao nuôi sẵn có, còn hiện nay dù giá cá có tăng lên thì diện tích ao còn thả nuôi chỉ hơn 20 ha, do bà con không lường trước được đầu ra.
Ông Trần Thanh Cần - Chủ tịch UBND thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú nói như sau: “Khó khăn thứ nhất là về vấn đề đầu ra, hiện nay giá rất thấp không đảm bảo cho người dân có lời. Thứ 2 là tình hình người dân sau khi nuôi cá bán cho các công ty, các công ty trả rất là chậm thậm chí là giựt luôn nên việc nuôi cá da trơn hiện nay rất khó khăn”.
Tính rủi ro trong nghề nuôi cá tra rất lớn, nếu như 1 kg cá tra thương phẩm thấp hơn giá đầu vào 1.000 đồng thì người nuôi sẽ bị lỗ từ 300 triệu đến 350 triệu đồng 1 ha. Từ năm 2008 đến nay, giá cá tra thương phẩm luôn bấp bênh, thời điểm giá cá tăng cao rất ngắn, trong khi thời gian rớt giá lại rất dài, khiến người nuôi cá tra điêu đứng.
Với gíá cá tra 22.500 đ/kg là giá chung còn chuyện mua bán thực tế lại khác. Nếu bán vài tháng sau mới lấy tiền thì giá có thể lên đến 23.000 đến 24.000 đ/kg, còn trả tiền ngay thì sẽ thấp hơn giá thực tế từ 500 đến 1.000 đ/kg. Vậy là, người nuôi phải chịu cảnh nợ ngân hàng không trả được, thời điểm nuôi có lãi rất hiếm hoi và ngay khi giá cá thương phẩm tăng như hiện nay thì giá bán tại ao cũng thấp hơn 1.000 đ/kg.
Ông Nguyễn Hoàng Nhu - Trưởng Trạm Khuyến Ngư huyện Kế Sách cho biết: “Việc nuôi cá tra thì nông dân cần nguồn vốn rất là lớn. Tuy nhiên việc trang trãi vốn bà con không thể và cần đến ngân hàng nhưng với tình hình nuôi hiện nay thì không ngân hàng nào dám cho nông dân vay vốn nuôi cá tra đó là cái khó thứ nhất.
Khó khăn thứ 2 là giá thức ăn, do giá thức ăn chiếm 80% chi phí nuôi cá tra mà giá thức ăn thì hầu như luôn luôn tăng và ở mức cao. Thứ 3 là giá đầu ra cá tra không ổn định, tuy có giá nhích lên nhưng ít nông dân không lời nhiều. Một cái khó nữa là các công ty ép giá và chiếm dụng vốn của nông dân”.
Người nuôi cá tra xuất khẩu không chỉ đối phó với tình trạng giá cả đầu vào, đầu ra mà đến khi có cá để bán cũng chẳng dễ dàng gì! Tình trạng chiếm dụng vốn đã khiến bà con lao đao, chính vì vậy người nuôi cá tra thật sự ngao ngán với nghề này do vốn đầu tư lớn, tính rủi ro quá cao.
Có thể bạn quan tâm
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, giá vật tư đầu vào cao làm tăng giá thành sản phẩm, thu nhập của người sản xuất giảm.
Hiện nay, xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng ngày càng tăng khiến ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành sản xuất quan trọng, cung cấp thực phẩm từ thủy sản cho một lượng dân số ngày càng tăng.
Sau hơn 30 năm thực hiện khá thành công chương trình “Zebu hóa”, với kết quả tỉ lệ bò lai Zebu chiếm 86% tổng đàn, từ năm 2011 huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã tiếp tục tạo hướng chăn nuôi bò chuyên thịt bằng giống mới Drought Master, là giống bò thuần siêu thịt có nguồn gốc từ Úc. Đến nay, hiệu quả của chương trình này đã được khẳng định.
Trước tình hình khó khăn chung của nghề trồng lúa, nhiều bà con nông dân có khuynh hướng tìm kiếm những giống lúa mới đạt giá trị kinh tế cao hơn để tiếp tục canh tác. Trong đó giống lúa Nhật (ĐS1) được nhiều nông dân ưa chuộng và tìm trồng.
Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương đang tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp hiệu quả nhằm phòng chống bệnh đốm trắng đang gây hại trên cây thanh long.