Khoai Lang Tím Đắt Hàng
Giá khoai lang tím đang tăng cao tạo thu nhập tốt cho nông dân. Nhằm tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thêm nhiều thị trường khác khiến cho việc xuất khẩu khoai lang tím ngày càng rộng mở.
Khống chế diện tích trồng
Ông Nguyễn Văn Tâm ngụ ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có 2 công đất (1 công = 1.000m2) trồng khoai lang tím cho biết, giá khoai lang tím mấy ngày nay tiếp tục tăng, hiện đã lên đến mức 900.000 - 950.000 đồng/tạ (60kg).
“Nguyên nhân giá khoai tăng mạnh ở thời điểm này do trong mùa lũ khoai chỉ trồng trên vùng đất cao, có đê bao, vì thế số lượng hạn chế, không đại trà như trong những mùa vụ khác nên hút hàng giá tăng” - ông Tâm giải thích.
Với mức giá này nông dân đang có lời khoảng 400.000 - 450.000 đồng/tạ. Một mức lời hấp dẫn, gần gấp đôi giá thành khiến nhiều nông dân không ngần ngại mua vải cao su ven xung quanh bờ tránh nước lũ để trồng khoai. Không ít ruộng đã xuống giống xong nhưng lũ tràn về phải đặt máy bơm nước liên tục.
Với giá bán khá hấp dẫn, chỉ cần 900.000 đồng/tạ là nông dân đã bỏ túi lời hơn 25 triệu đồng/công, cao gấp hàng chục lần trồng lúa nên đâu cần nghĩ ngợi, vừa xong vụ lúa hè thu là nhà tôi làm đất, lên liếp, gia cố đê bao, mạnh dạn đầu tư trồng ngay 3 công khoai lang tím” - ông Trần Văn Út ở xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hồn hậu nói.
Huyện Bình Tân là một trong những huyện có diện tích trồng khoai lang tím nhiều nhất các tỉnh ĐBSCL. Theo Phòng NNPTNT huyện, đến thời điểm cuối tháng 10.2013, toàn huyện đã xuống giống được 7.232ha khoai lang. Thạc sĩ Võ Văn Theo - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân cho biết, huyện luôn có chủ trương khuyến cáo bà con khống chế diện tích trồng nhằm đảm bảo đầu ra tiêu thụ ổn định, có được giá bán cao.
“Vấn đề ngành nông nghiệp băn khoăn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ khoai lang còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Nên nếu bà con thấy giá tăng trồng ồ ạt, rồi khi thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” nữa chắc chắn khoai sẽ “dội chợ”, rớt giá” - ông Theo phân tích.
Nhu cầu tăng - thị trường rộng mở
Để tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mấy năm gần đây tỉnh Vĩnh Long và các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm, mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Hiện ngoài Trung Quốc, các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan... cũng đã bắt đầu biết đến khoai lang Việt Nam và gửi đơn đặt hàng.
Để hạn chế tình trạng rớt giá, các địa phương ở ĐBSCL đã vận động nông dân trồng rải vụ và nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên thực tế khoai lang tím Nhật vẫn chiếm khoảng 80% diện tích trồng.
Ông Huỳnh Công Ký - Phó Giám đốc Công ty Khoai lang Nhật Thành ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện mỗi ngày công ty xuất 1 container khoai lang tím đi Trung Quốc, với giá bán 16.500 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng/kg so với tháng trước. “Không chỉ Trung Quốc mà hiện nhiều nước như Singapore, Malaysia cũng có nhu cầu gửi đơn đặt hàng tới công ty. Do nhu cầu tăng cao nên công ty cũng đã tăng giá thu mua của nông dân từ 13.000 đồng lên 15.000 đồng/kg” - ông Ký vui vẻ nói.
Không chỉ khoai tươi mà các sản phẩm sau chế biến như tinh bột khoai, khoai lang sấy... thị trường cũng đang có nhu cầu. Đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Phúc Lợi (TP.HCM) cho biết công ty đang cần mua tinh bột khoai lang với số lượng không hạn chế xuất khẩu đi Đài Loan, Hàn Quốc. Hiện tinh bột khoai lang có giá xuất khẩu từ 800 - 900 USD/tấn tùy thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Là vùng thuần nông, đời sống của người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nhìn chung thu nhập của người dân còn thấp. Để tìm hướng phát triển mới cho nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi, thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển mạnh đàn bò lai trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Lâu nay, “bài toán” làm đau đầu người nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là vấn đề chất thải của tôm, thức ăn thừa, phù sa tích tụ sau mỗi chu kỳ nuôi tồn lắng dưới đáy ao hồ cùng với nguồn nước thải từ ao nuôi tôm gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sinh thái.
Với phương châm: “Phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại phải gắn với bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ môi trường sinh thái”, thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có hướng đi mới trong lao động, sản xuất và ý thức rất cao trong việc tích cực thực hiện tốt giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.
Đến từ một đất nước xa xôi nhưng các chuyên gia của Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) có những hiểu biết sâu sắc về tình hình phát triển kinh tế tập thể của Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Đặc biệt, họ đã chia sẻ những kinh nghiệm rất thiết thực về phát triển kinh tế tập thể, nhất là khu vực hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
Sau khi đã tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc giống cây hoa phong lan, Trạm Khuyến nông huyện Lấp Vò vừa phối hợp UBND xã Bình Thạnh Trung tổ chức cấp phát cây giống hoa phong lan cho 20 hộ nông dân trên địa bàn xã, mỗi hộ được nhận 100 cây giống.