Khô khốc những cánh đồng
Bơm nước ngầm cứu cây
Lấy tay quệt những giọt mồ hôi rịn ra trên trán, lão nông Nguyễn Văn Nam, (thôn 3, xã Bình Dương, Thăng Bình) nói: “Gần 2 tuần ni trời chẳng mưa. Gia đình tôi phải tranh thủ dậy từ lúc gà gáy canh ba để bơm nước ngầm tưới 3 sào mè vì ban ngày điện yếu không thể tưới tiêu gì được”. Tờ mờ sáng, nhiều nông dân đã kéo ống dây từ nhà ra đồng để cứu các loại cây trồng trên cạn.
Theo người dân, mỗi sào mè sau hơn 2 tháng chăm sóc, có thể cho thu hoạch 16kg, bán khoảng 500 nghìn đồng, trong khi tiền điện cho việc bơm nước tưới cây đã tốn hết vài trăm nghìn đồng. Nếu không đưa nước vào, chắc chắn hoa màu sẽ chết.
Ông Phan Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, riêng cánh đồng thôn 1 của xã hơn 60ha nhưng vụ hè thu chỉ mới sản xuất được 10ha, còn lại hoang hóa. Toàn bộ 130ha canh tác vụ hè thu của xã hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời; việc xây ao, hồ thu gom nước nhỉ phục vụ tưới tiêu chỉ đáp ứng một phần diện tích ít ỏi. Phần lớn các thôn trong xã không có hệ thống thủy lợi kiên cố. Giai đoạn 2010 - 2015, Bình Dương chỉ đầu tư có 3 ao thu gom nước nhỉ bằng nguồn vốn Chương trình 257 của Chính phủ và mới kiên cố 1,3/7,5km kênh mương nội đồng.
Vì phụ thuộc vào nước trời nên vụ hè thu năm nay hàng chục héc ta lúa đã chuyển sang cây trồng trên cạn. Trong khi đó, diện tích trồng các loại rau màu tiếp tục giảm như cây đậu phụng từ 160ha xuống còn 134ha, khoai lang từ 220ha xuống còn dưới 180ha. “Diện tích canh tác giảm mà nguyên nhân chính là thiếu nước nghiêm trọng.
Nhiều sào ruộng có tổng chi phí tiền điện để bơm nước tưới trong quá trình sản xuất tương đương với tiền bán nông sản sau thu hoạch. Bản thân tôi canh tác vụ này chỉ vì tiếc ruộng bỏ hoang, chứ lãi lời gì về kinh tế” – ông Sơn nói. Theo chính quyền xã Bình Dương, nếu ngành thủy lợi huyện, tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống dẫn nước kênh thủy lợi Phú Ninh từ xã Bình Giang qua sông Trường Giang, thì ít nhất cánh đồng rộng 30ha ở thôn 2 sẽ không bị bỏ hoang vụ hè thu.
Lãng phí nước thủy lợi
Thời điểm này, một số xã vùng cát huyện Thăng Bình bước vào vụ gieo sạ hè thu, nhưng thiếu nước trên diện rộng. Nghịch lý ở chỗ, tình trạng thiếu nước không phải do các hồ chứa không đủ năng lực tưới tiêu mà một phần do hệ thống kênh mương nội đồng xuống cấp, dẫn đến thất thoát nguồn nước rất lớn.
Thời gian qua, các doanh nghiệp khai thác thủy lợi vừa và nhỏ vẫn thu thủy lợi phí dựa theo diện tích canh tác, nhưng nguồn vốn tái đầu tư hệ thống thủy lợi rất hạn chế. Trong khi các nơi tận dụng được thủy lợi tổ chức xuống giống rầm rộ thì nông dân xã Bình Dương vẫn chưa rục rịch gì. Những cánh đồng lúa cho năng suất hơn 55 tạ/ha vụ đông xuân, bây giờ hoàn toàn chuyển sang trồng khoai lang, mè.
Xã Bình Giang nằm cuối dòng kênh Phú Ninh, nguồn nước dẫn về đến tận nơi nhưng không phải vùng nào cũng chủ động được nước tưới. Do không có hệ thống kênh thủy lợi và đập kiên cố nên nước dẫn về Bình Giang thất thoát rất lớn. Mỗi năm, nông dân địa phương phải tự nguyện bỏ tiền ra làm con đập bằng bao tải độn cát nhưng vẫn không giữ được nước.
Việc đầu tư một con đập kiên cố vượt ngoài khả năng của người dân. Để chống hạn lâu dài, nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương là cần có một bờ đập để tưới cho 300ha của xã Bình Giang và hàng trăm héc ta của xã Bình Triều. Nông dân ở thôn 3 xã Bình Giang cho biết: “Nắng hạn khô khốc, chúng tôi quý từng giọt nước, thế mà đành nuối tiếc nhìn nước thủy lợi Phú Ninh vẫn chảy ra sông, gây lãng phí rất lớn. Dòng kênh N25 (đoạn xã Bình Giang) chạy gần đến sông Trường Giang đã được đào cách đây hơn 30 năm.
Hàng nghìn héc ta lúa của các xã Bình Giang, Bình Triều và Bình Dương phụ thuộc lớn vào nguồn nước tưới con kênh này. Bị nhiều đợt lũ lụt bồi lấp nhưng dòng kênh này chưa được nạo vét do thiếu kinh phí; hai bên bờ không được kè kiên cố nên thất thoát lượng nước rất lớn. Thêm nữa, hồ chứa nước nhỉ thì xây khá lâu nhưng lại thiếu kênh dẫn nước ra đồng.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, sắp đến ngành nông nghiệp địa phương xin chủ trương tỉnh khai thông dòng kênh, xây đập để chống hạn. Khi nguồn nước đảm bảo, sẽ tiến hành dẫn nước qua xã Bình Dương. Được biết, mỗi héc ta dùng nước thủy lợi người dân phải nộp phí 400 nghìn đồng, mùa khô hạn này Thăng Bình đóng thủy lợi phí hơn 6 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Là một trong những ngành kinh tế quan trọng, nông nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất chăn nuôi nay sẽ có thêm cơ hội thành công nhờ nguồn vốn cho vay xây dựng chuồng trại từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank).
Người chăn nuôi heo lại lâm vào tình trạng “điêu đứng” do giá heo thịt giảm mạnh. Liên tục trong gần 2 tháng qua, giá heo thịt giảm từ 4,7 triệu đồng/tạ xuống còn 3,4 - 4 triệu đồng/tạ. Hiện nhiều hộ chăn nuôi heo “tiến thoái lưỡng nan”, bởi heo đến thời kỳ xuất chuồng gặp phải lúc giá quá thấp, bán thì lỗ mà giữ lại chờ giá lên thì tốn thêm nhiều chi phí.
Trước đây, các hộ gia đình nông dân ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chăn nuôi bò theo quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ thường nuôi từ 1 đến 2 con. Những năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững nên được các hộ gia đình đầu tư để phát triển đàn bò trên quy mô lớn, mỗi hộ nuôi từ 5 đến 10 con, nhiều hộ có đàn bò lên đến trên 20 con.
Xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có tổng diện tích 200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 106 ha nuôi công nghiệp và 94 ha vùng ngoại đê. Đối với diện tích vùng ngoại đê, UBND xã Hoằng Phụ chỉ đạo chủ ao đầm nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng chính, đồng thời mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm he chân trắng, vẹm, ngao...
Theo tin từ Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, đợt mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 26 đến 28/7 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.