Khó khăn vụ lúa trên đất nuôi tôm

Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh sẽ gieo cấy gần 43.000 ha lúa trên đất nuôi tôm ở những địa phương có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh, chủ động tháo rửa mặn ngay từ đầu vụ và giữ ngọt đến cuối vụ.
Tập trung chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh và một phần diện tích của huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và TP Cà Mau.
Thời tiết bất lợi
Thời gian bắt đầu gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm tốt nhất vào cuối tháng 8, đầu tháng 9.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ gieo cấy được hơn 12.000 ha, đạt 26,7% kế hoạch.
Nông dân xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình thực hiện thành công mô hình tôm - lúa, thu nhập ngày càng cao.
Theo phản ánh từ các địa phương, khó khăn đầu tiên trong sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm là thiếu vốn, một số nơi chưa khép kín được tiểu vùng như đã quy hoạch; sản xuất còn mang tính tự phát, manh mún giữa sản xuất lúa và nuôi tôm.
Ðiều này dẫn đến hệ thống thuỷ lợi cùng lúc không đáp ứng được 2 nhu cầu: Người nuôi tôm cần nước mặn, người trồng lúa thì cần nước ngọt.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, không có nguồn nước ngọt tưới bổ sung.
Những năm có lượng mưa thấp, sản xuất lúa - tôm sẽ không có hiệu quả; ngược lại, những năm thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, sản xuất lúa - tôm đạt kết quả.
Cụ thể, với vụ mùa năm 2015 này, lượng mưa ít lại phân bố không đồng đều nên ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuống giống của bà con.
Ông Trương Văn Tám, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, cho biết: “Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay sản xuất rất khó khăn.
Lúc đầu vụ thì mưa nhiều (bão số 3) làm ngập sâu, nghĩ là rửa mặn được, ai ngờ sau khi gieo mạ thì lại gặp nắng liên tục nên độ mặn còn cao khiến lúa không thể sống nổi”.
Vụ mùa năm nay, Thới Bình lên kế hoạch sẽ gieo mạ 25.000 ha.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn huyện chỉ mới xuống giống được gần 10.000 ha.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, trăn trở: “Hiện tại, bà con vẫn đang tiếp tục xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Tuy nhiên, tình hình thời tiết năm nay không thuận lợi nên có thể sẽ khó hoàn thành kế hoạch”.
Dù không phải là địa phương có diện tích lúa - tôm nhiều, nhưng vụ mùa năm nay, huyện Cái Nước vẫn được giao chỉ tiêu 2.000 ha.
Ðến thời điểm này, Cái Nước mới chỉ gieo cấy được hơn 200 ha, tập trung ở các xã Thạnh Phú, Phú Hưng và Hoà Mỹ.
Ông Ðoàn Văn Chính, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết: “Sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm hoàn toàn dựa vào thời tiết.
Trong khi đó, thời tiết năm nay không thuận lợi (mưa không đều, ít nước nên việc rửa mặn là không thể).
Ðã 4 năm rồi huyện Cái Nước không đạt chỉ tiêu gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm (vụ mùa năm 2014 chỉ gieo được 647 trên tổng số kế hoạch là 3.000 ha)”.
Khó thực hiện
Cùng hoàn cảnh với các huyện khác trong tỉnh, U Minh đến thời điểm này cũng chỉ mới đạt được 2.000 ha trên tổng số 10.200 ha kế hoạch.
Ông Phạm Văn Sóng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết: “Kế hoạch xuống giống lúa trên đất nuôi tôm năm nay trên địa bàn huyện khó mà hoàn thành.
Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi, những tháng đầu năm lượng mưa ít làm cho việc tháo rửa phèn, mặn trên đất nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.
Ðến gần giữa tháng 9, lượng mưa mới tập trung nhiều thì đã trễ vụ.
Mặt khác, nắng hạn kéo dài làm cho công tác gieo mạ trên đất nuôi tôm gặp nhiều trở ngại.
Việc thiếu mạ để gieo cấy trên diện tích lúa - tôm hiện nay là phổ biến”.
Mô hình tôm - lúa được các nhà khoa học đánh giá là bền vững, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực tế đã qua nhiều năm chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, đời sống người dân đã được nâng lên.
Tuy nhiên, do không chủ động về lượng nước nên một số nơi chưa thực hiện được mô hình này.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo trong cuộc họp 9 tháng vừa qua:
“Năm nay chỉ tiến hành gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm ở những nơi có hệ thống thuỷ lợi khép kín, đủ điều kiện về ngăn mặn, giữ ngọt, chủ động rửa được phèn, mặn chứ không khuyến khích bà con nông dân sản xuất ở những nơi không đủ điều kiện để tránh thiệt hại.
Bên cạnh đó, ngành chức năng phải đẩy mạnh nghiên cứu giống lúa chịu phèn, mặn cao để bà con ứng dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích”.
Có thể bạn quan tâm

Tại ấp Tân Nghĩa, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp Nam bộ vừa phối hợp Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp tổ chức tổng kết mô hình ương cá tra từ bột lên cá tra giống đạt tỷ lệ sống cao.

Khoảng gần 1 tháng qua, bà con trồng màu ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự rất phấn khởi khi giá hành lá và củ cải trắng liên tục tăng cao. Hiện tại, hành lá bán tại ruộng giá trung bình từ 15 - 18 nghìn đồng/kg, củ cải trắng giá từ 5 - 6 nghìn đồng/kg, tăng gấp 3 - 4 lần so với thời điểm đầu năm 2014.

Sau khi Quyết định 1652/QĐ-UBND của UBND tỉnh được ban hành ngày 21.5.2010, đề án “Xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm” được triển khai tại các địa phương Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Hội An.

Ở những vùng nuôi tôm của Ninh Thuận vì lợi nhuận trước mắt người dân vẫn nuôi tôm trái vụ bất chấp lịch ngưng vụ của ngành chức năng.

Tại hội nghị, những nông dân tham gia thực hiện mô hình cho biết, thời gian sinh trưởng của giống OM 8017 khoảng 90 - 95 ngày, ruộng lúa đẻ nhánh khỏe - tập trung, trổ gọn, không đổ ngã và rất ít bị sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, đây là giống lúa phù hợp với nhiều chân đất và chế độ thâm canh khác nhau.