Khó khăn cho người nuôi tôm hùm
Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, từ đầu năm đến nay, ngư dân trên địa bàn thị xã đã thả nuôi khoảng 7.500 lồng tôm hùm. Số lượng tôm hùm thả nuôi mới tăng khoảng 3 đến 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái là do năm nay sản lượng tôm hùm giống khai thác tăng cao. Giá tôm hùm giống trong hai tháng đầu năm 2015 từ 340.000 đến 360.000 đồng/con. Tuy nhiên đến tháng 3/2015 chỉ còn 200.000 đến 220.000 đồng/con vì giá tôm hùm thịt hạ xuống thấp.
Hiện nay, bệnh tôm đã xảy ra ở nhiều vùng nuôi khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Minh Chỉ, người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), cho biết: “Từ cuối năm 2014 đến nay, bệnh trên tôm hùm xảy ra rất phức tạp, nhiều người nuôi trắng tay do tỉ lệ tôm chết quá cao.
Gia đình tôi thả nuôi hơn 3.000 con nhưng đến nay hao hụt gần 1/3”. Theo ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, từ đầu năm đến nay, bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm đã xảy ra ở tất cả các vùng nuôi. Tỉ lệ tôm chết trung bình khoảng 25% trên tổng đàn nuôi. Trong đó, hai vùng nuôi bị nặng nhất là phường Xuân Yên và xã Xuân Phương có tỉ lệ tôm hùm chết khoảng 30% tổng đàn”.
Ông Nguyễn Hữu Đài, Phó trạm trưởng Trạm Thú y TX Sông Cầu, cho biết: Từ cuối tháng 12/2014 đến tháng 1/2015, trên địa bàn thị xã bắt đầu có tôm hùm nuôi chết và có dấu hiệu tăng. Trong một tháng, tỉ lệ tôm chết từ 5 đến 7% tổng đàn, riêng vùng nuôi thuộc thôn Dân Phú 1 (Vũng Chào, xã Xuân Phương) có tỉ lệ tôm chết từ 10 đến 15% tổng đàn.
Sau Tết Nguyên đán, tôm tiếp tục chết, đến tháng 3/2015, riêng địa bàn xã Xuân Cảnh đã có 80 hộ nuôi với hơn 36.000 con và tỉ lệ tôm chết đến thời điểm này khoảng 50%, tôm chết chủ yếu cỡ 0,6 đến 0,8kg/con. Đa số tôm chết có dấu hiệu đỏ thân, bệnh sữa, đen mang. Trạm Thú y TX Sông Cầu đã phối hợp với Phòng Kinh tế và UBND các xã, phường có nuôi tôm hùm hướng dẫn người nuôi trộn kháng sinh Oxyteraciline hoặc Doxyciline vào thức ăn với liều lượng 10 đến 15g/kg thức ăn cho ăn liên tục 5 đến 7 ngày.
Ngoài ra còn hướng dẫn người nuôi bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để cho tôm ăn. Trạm Thú y TX Sông Cầu yêu cầu người nuôi sang thưa mật độ tôm nuôi và di chuyển lồng đến nơi thông thoáng, có lưu tốc dòng chảy tốt, điều chỉnh lồng ở độ sâu thích hợp.
Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Địa phương đã chỉ đạo các phòng, ban của thị xã có liên quan và các xã, phường có nuôi tôm hùm phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và phòng chống dịch bệnh thủy sản (Viện Nghiên cứu thủy sản III) tổ chức hội thảo, tập huấn phòng, trị bệnh cho tôm hùm nuôi ở một số địa phương.
Đồng thời, các địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản theo phương án đã được duyệt. Ngoài ra, các địa phương nên đa dạng hóa vật nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm tại các vùng nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, nông dân ở ấp Thạnh An và Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh đang thu hoạch cuối vụ mùa khóm nghịch. Điều làm người dân phấn khởi là giá khóm đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Tại Hội nghị quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Huy Điền- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản -cho biết, đến thời điểm này, 8 tỉnh, thành phố ven biển vùng ĐBSCL đã đề xuất 61 dự án thủy lợi với tổng nguồn vốn đầu tư lên tới trên 9.288 tỉ đồng.
Theo kết quả phân tích mẫu tôm biển kiểm tra bệnh định kỳ của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản từ cuối tháng 02 đến ngày 17 tháng 3 năm 2014, xét nghiệm 13 mẫu tôm chân trắng nuôi và 06 mẫu tôm giống, đã phát hiện 07 mẫu tôm chân trắng nuôi và 04 mẫu tôm giống nhập tỉnh nhiễm bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV).
Huyện Quảng Xương: Vụ mùa năm 2014, huyện Quảng Xương gieo cấy hơn 8.500 ha, trong đó cơ cấu trên 60% diện tích lúa mùa muộn. Hiện nay, ở các xã: Quảng Cát, Quảng Phong, Quảng Châu... hơn 90% diện tích lúa mùa đang bị các đối tượng sâu bệnh tấn công, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ; mật độ trung bình là trên 100 con/m2, cá biệt, có nơi lên tới trên 300 con/m2.
Đánh bắt và khai thác nguồn lợi thuỷ sản mùa nước nổi là nghề rất đặc thù của người dân vùng châu thổ ĐBSCL, nhất là vùng Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên.