Khi Nông Dân Làm Cà Phê Bền Vững

Thay đổi hoàn toàn thói quen, tập quán cũ của người nông dân trong canh tác cà phê; Giúp bà con làm quen với phong cách bón phân mới, phun thuốc diệt sâu bệnh mới; Giúp nông dân tạo thói quen ghi nhật kí đồng ruộng, kiểm soát được chi phí đầu vào và tính toán lợi nhuận...
Đó là những thay đổi mà Trung tâm khuyến nông đã mang lại cho người nông dân khi triển khai Mô hình Sản xuất cà phê chè bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên. Hơn tất cả, việc canh tác cà phê theo hướng bền vững giúp người nông dân chung sống hòa hợp với ruộng đất của mình, có thu nhập cao trên cùng một thửa vườn.
Anh Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, một trong hai xã tham gia mô hình sản xuất cà phê chè bền vững cho hay, Tà Nung là xã có phần đông cư dân sống bằng cây cà phê. Tập quán xưa giờ của bà con là bón phân bất kể thời gian, theo lời anh Hùng là "khi nào có phân thì cho cây ăn".
Thêm vào đó, việc phun thuốc, tỉa cành cũng theo thói quen, không có bất cứ một quy chuẩn nào. Bởi vậy, khi 30 hộ sống dọc theo đường lộ DT 725 và suối Nước Trong tham gia mô hình, các nông hộ đã được cán bộ kỹ thuật tập huấn lại rất cẩn thận quy trình canh tác.
Từ việc bón phân cân đối, đúng thời gian, tỉa cành đúng kỹ thuật cho tới vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ. Xưa nay, bà con thường vứt rác thải bừa bãi thì nay đã tập thói quen thu gom rác, vỏ bao bì và cành lá khô vào xử lý bằng phương pháp đốt hoặc thu gom tập trung, không để rác lan tràn như trước. Riêng việc thu gom đồng ruộng này đã giúp giảm nhiều bệnh sâu đục thân, loại sâu bệnh gây hại rộng rãi trên địa bàn Tà Nung.
Điều rất khác nữa là nông hộ buộc phải ghi chép nhật ký đồng ruộng và đây thực sự là việc thay đổi quyết liệt. Anh Hùng cho hay: "Xưa nay nông dân cứ có tiền là bỏ phân, có bệnh là phun thuốc, đâu có ghi chép gì. Giờ ghi nhật kí đồng ruộng mới thấy hiệu quả. Một là mình vừa xác định được đúng chất lượng, số lượng phân tro...
Hai là ghi chép cụ thể mình tính toán được số tiền đầu tư, đến mùa bán đi tính được lời lỗ, cái này là thay đổi lớn nhất". Bản thân anh Hùng là người tham gia mô hình cũng tập cho mình thói quen ghi nhật kí. Việc ghi nhật ký đồng ruộng giúp chất lượng cây trồng cũng như khả năng tính toán của bà con được nâng cao rõ rệt.
Tương tự như các hộ nông dân xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, 30 nông hộ thuộc xã Hoài Đức, Lâm Hà cũng tham gia dự án với mục tiêu cải thiện chất lượng vườn cà phê. Với các nông hộ ở Hoài Đức, bà con rất nhiệt tình thực hiện đúng kỹ thuật chăm bón và cho kết quả khả quan.
Anh Nguyễn Bá Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Đức chia sẻ: "Những hộ tham gia mô hình có kết quả rất tốt, cây bớt bệnh và trái sai hơn nhiều so với những năm trước. Kết quả kiểm tra cũng rất tốt và có lẽ sẽ được cấp giấy chứng nhận trong nay mai". Theo anh Hà, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác cà phê theo bộ tiêu chuẩn UTZ Certified và 4C không nhiều, tương tự với lượng phân bà con vẫn bón theo thói quen.
Nhưng thay vì bón phân đơn, bón đạm, lân như bà con thường làm thì cách bón phân của cà phê bền vững là kết hợp nhiều loại phân, cả NPK, vôi, vi sinh..., rất đa dạng và cân đối. Bón phân kiểu kết hợp này tuy phức tạp hơn nhưng cho kết quả rất tốt, cây khỏe, trái sai và những nông hộ này khẳng định sẽ tiếp tục tuân theo phương pháp canh tác bền vững.
Trong hai địa phương tham gia mô hình cà phê chè bền vững thì xã Tà Nung, Đà Lạt khó khăn hơn do có một số hộ là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn.
Anh Nguyễn Minh Hùng cho hay, nhiều hộ trong số này chỉ bón phân cho cà phê 1 lần/vụ nên việc áp dụng đúng yêu cầu là tương đối khó nếu không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước như vụ vừa qua.
Tuy nhiên, xã thường xuyên hướng dẫn các hộ ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê, từ cây xanh cắt tại chỗ để bổ sung lượng dinh dưỡng cây thiếu hụt. Còn với trên 20 hộ còn lại, việc áp dụng đúng quy trình canh tác là việc không khó và nhiều nông hộ đã thấy hiệu quả rõ rệt của việc canh tác cà phê bền vững.
Và với việc triển khai mô hình thành công tại những vùng cà phê chè rộng lớn như Tà Nung, Hoài Đức, việc giúp nông dân làm "cà phê 4C" chứng tỏ người trồng cà phê Lâm Đồng đủ khả năng và sẵn sàng tiếp nhận phương pháp canh tác mới, làm ra những hạt cà phê giá trị cao hơn, mang lại danh tiếng cho vùng cà phê Lâm Đồng.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 11/12, Sở Công thương Bắc Kạn phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng "Kiến thức kinh doanh quy mô hộ gia đình" cho 151 học viên là các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Na Rì là huyện có diện tích trồng cây dong riềng lớn của tỉnh với khoảng 455ha. Thời điểm này, chính quyền địa phương đang chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung thu hoạch dong riềng. Mặc dù so với năm 2013, diện tích trồng dong của huyện có giảm nhưng lại là vụ thắng lợi đối với người trồng dong bởi củ dong vừa được mùa lại vừa được giá.

Có lẽ chẳng ai nhớ cây quýt được trồng ở các xã khu vực phía đông của huyện Chợ Đồn từ khi nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quýt đã trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên, Đại Sảo có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những ngày này không khí ở xóm Minh Hồ (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) náo nhiệt hẳn lên, bởi bà con đang bước vào mùa thu hoạch cam với niềm vui được mùa. Khắp các vườn trong xóm, xung quanh nhà, đâu đâu cũng thấy màu vàng chín rộ của những vườn cam quả trĩu cành.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết liên kết theo chuỗi trong chăn nuôi đang phát triển nhanh, nhưng giá trị từ các mô hình liên kết vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị ngành chăn nuôi. Do đó, tiềm năng để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi liên kết theo chuỗi GTGT vẫn còn rất lớn.