Khi nông dân cầm sổ đỏ hiến kế giải cơn khát vốn
Thông qua các chương trình khảo sát, nghiên cứu KT-XH nông thôn vùng ĐBSCL, ông Trần Hữu Hiệp (ảnh), Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề này.
Vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là nhu cầu hết sức bức thiết. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực đáp ứng nhưng kết quả còn nhiều hạn chế. Việc nông dân ĐBSCL cắm sổ đỏ chỉ là một trong những chỉ dấu cho thấy cơn khát vốn và điểm nghẽn tín dụng của khu vực này.
Có thời điểm, ngân hàng không thiếu vốn, nhưng nhiều nông hộ khó tiếp cận vốn vay. Gánh nặng của nông dân còn phải chịu từ “kênh tín dụng không chính thức”. Để có vốn SX họ phải vay nóng để đầu tư, mua chịu vật tư nông nghiệp, phân bón của các đại lý để trả sau và chịu lãi cao. Trong khi đó, hệ thống cung ứng đầu vào cho SX nông nghiệp còn nhiều yếu kém, việc tiêu thụ nông sản thường bị ách tắc.
Cơn khát vốn của nông dân cần được xem xét trong mối liên hệ các vấn đề xã hội của vùng. Tình trạng nghèo khó của nông dân ĐBSCL có đặc điểm riêng, nên cần chính sách đặc thù. Ở vùng này nhiều thập niên qua, không còn nghèo đói mà chỉ còn nghèo khó.
Vùng này không có huyện nghèo để được nhận hỗ trợ, đầu tư và nhiều chính sách an sinh xã hội khác theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo của cả nước. Không có ai đói nhưng nghèo đều, cận nghèo nhiều; là vùng trũng về giáo dục - đào tạo, chất lượng nhân lực...
Cần quan tâm giải quyết căn bản các bức xúc của vùng. Làm sao để hạt gạo không bị cắn chia làm tám phần, con cá tra, cây mía không bị chặt làm nhiều khúc, phần của người nông dân, người cận nghèo được nhận phải tương xứng với công sức họ bỏ ra, đặc biệt là mở lối thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Vì sao vùng đất phương Nam được xem là trù phú bậc nhất cả nước, SX lúa, cá, tôm… XK luôn dẫn đầu, song đa số hộ vẫn bị cuốn theo vòng xoáy nợ nần. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Nông dân thiếu vốn SX phải “treo" sổ đỏ một phần do thiếu sự đầu tư hỗ trợ từ Nhà nước và DN. Nhiều khu vực còn vắng bóng DN. Đầu tư của DN vào đây cũng rất thấp. Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2014 cho thấy, khu vực nông nghiệp chiếm tới 20% GDP nhưng chỉ có 1% DN đầu tư.
Các điểm nghẽn đã được chỉ ra như chính sách không sát thực tiễn, chậm hoặc chưa đến đến được với DN và nông dân. Cả DN và nông dân đều khó tiếp cận vốn vay. Nông dân khó tiếp cận được dữ liệu quy hoạch, thông tin thị trường một cách công khai, minh bạch và đáng tin cậy để có thể “SX theo tín hiệu thị trường”.
Một kết quả nghiên cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo” của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL và Viện Chiến lược, chính sách phát triển NNNT cho thấy, nếu tính bình quân đất SX khoảng 0,5 ha/hộ, thì một gia đình thuần nông ở ĐBSCL không thể làm giàu. Khó có cuộc chuyển đổi lớn mang tính cải cách mạnh mẽ, trong khi vẫn còn đó những cản trở về chính sách đất đai, thiếu mô hình tốt, tiến bộ kỹ thuật cho SX hàng hóa lớn…
Không thể lắt nhắt một vài dự án hỗ trợ có tính đối phó ngắn hạn, một ít chính sách cho vay “không thấm vào đâu” để đầu tư lớn. Bài toán lợi nhuận và rủi ro của nông dân không chỉ nằm trong đồng vốn tín dụng, mà cần được giải bằng lời giải tổng thể.
Cần tiến hành theo cả 3 trụ cột phát triển bền vững: Kinh tế, xã hội và môi trường; vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng phải giải quyết các vấn đề xã hội là tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân.
Trong SXKD thì mối quan hệ nông dân với ngân hàng là đương nhiên. Nhưng theo ông có giải pháp nào tốt hơn việc bà con phải gửi sổ đỏ ở ngân hàng?
Vay và nợ là chuyện bình thường trong kinh doanh. Quan trọng là tín dụng sạch, nợ xấu thấp. Tín dụng nông nghiệp, nông thôn không chỉ bị “nghẽn” mà còn đang có vấn đề cần được xem xét.
Kênh tín dụng sắp tới cần được chuyển từ "ban phát", hỗ trợ theo đối tượng “đói vốn” sang tiếp cận theo “chuỗi giá trị nông sản” mới tăng hiệu quả kinh tế.
Những bất ổn của cánh đồng lớn hiện nay là sự liên kết giữa nông dân và DN vẫn lỏng lẻo, cần một cơ chế pháp lý để bảo vệ hai bên. Có liên kết SX hiệu quả thì nông dân mới không phải cắm sổ đỏ ở ngân hàng. |
Nông dân ĐBSCL cần được giải phóng bằng kiến thức của nhà kinh doanh. Họ phải được đào tạo nghề, tập trung vào việc nâng cao giá trị SX các ngành hàng chủ lực; mở rộng các ngành nghề phi nông nghiệp. Đó là cách thức giúp họ không chỉ đứng vững trên đồng ruộng, mà còn có thể làm giàu trên đất quê mình.
Các nhóm giải pháp chủ yếu cần được triển khai đồng bộ là phải nâng cao chất lượng quy hoạch, khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công đến cải cách thể chế, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách.
Hiện mô hình liên kết SX trên cánh đồng lớn của Cty CP BVTV An Giang (AGPPS) với nông dân rất hiệu quả. Ngoài liên kết SX lúa, cách làm này có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác không?
Mô hình cánh đồng lớn hay cánh đồng liên kết của AGPPS đã trở thành điểm sáng trong nông nghiệp, được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL.
1.724 nông dân đã mua hơn 1,8 triệu cổ phiếu với số tiền hơn 56 tỷ đồng của AGPPS mở ra kỳ vọng về hướng đi mới của ngành nông nghiệp, “doanh nhân hóa nông dân” đã thành hiện thực.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 62/2013/QĐ-TTg, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 15/2014/TT-BNNPTNT về chính sách khuyến khích hợp tác hỗ trợ liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL.
Mô hình này có thể được nghiên cứu, ứng dụng trong các lĩnh vực thủy sản, trồng mía hay cây ăn trái. Tất nhiên yêu cầu và điều kiện liên kết sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy cánh đồng lớn vẫn tồn tại những hạn chế. Có vướng mắc đã vượt ngoài tầm nỗ lực của AGPPS. Nó đang đòi hỏi sự chuyển đổi căn bản, toàn diện và cần những cải cách mạnh mẽ hơn nữa từ cơ chế, chính sách đồng bộ.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Các doanh nghiệp tại Đà Lạt đang bế tắc trong việc nhập giống hoa.
1 năm qua, nếu nuôi heo thường cũng được 3 lứa, tính trung bình mỗi lứa 5 con, thì lợi nhuận ít nhất cũng trên 10 triệu đồng. Trong khi đó nuôi heo ky của dự án đã tốn tiền nuôi mà chẳng thấy lợi nhuận đâu...
Anh Trần Văn Thiên ở đảo Hòn Hoi, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn có 10.000 lồng tu hài nuôi từ tháng 7.2011 với chi phí gần 600 triệu đồng, chỉ còn khoảng 5 tháng nữa là được thu hoạch. Tuy nhiên, không rõ vì sao hàng nghìn lồng nuôi tu hài lại bị chết, thiệt hại của gia đình anh ước khoảng 1,2 tỷ đồng.
Ông Mai Văn Chánh (ảnh), Chủ nhiệm HTX lúa tôm Hòa Lời, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng vui vẻ chia sẻ về kết quả bước đầu của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong ruộng lúa: Tôi vô cùng bất ngờ khi thấy tôm chân trắng có thể sống trong ruộng lúa nước ngọt hoàn toàn.
Theo báo cáo sơ bộ của Sở NN-PTNT Nghệ An thì đến thời điểm này toàn tỉnh có xấp xỉ 40.000 ha lúa bị chết rét, chiếm trên 40% tổng diện tích lúa gieo cấy cả vụ. Trong số này có từ 15.000-16.000 ha lúa gieo thẳng và 24.000-25.000 ha lúa cấy.