Ngư Dân Phú Yên Quyết Tâm Bám Biển, Bảo Vệ Chủ Quyền Đất Nước
Tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp khi Trung Quốc tăng số lượng tàu quân sự tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, xâm phạm ngư trường Hoàng Sa; liên tục tấn công, đâm va tàu cá ngư dân Việt Nam…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi ra khơi đánh bắt cá trong những ngày này nhưng ngư dân Phú Yên vẫn quyết tâm bám biển, góp phần gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Không hề nao núng
Có mặt tại cảng phường 6, TP. Tuy Hòa (Phú Yên) trong những ngày đầu tháng 6, chúng tôi chứng kiến một không khí vô cùng nhộp nhịp. Nhiều tàu cá đã sẵn sàng cho chuyến biển mới, nhiều tàu thì trở về từ ngư trường Hoàng Sa với đầy ắp cá trong khoang. Tiếng cười rộn rã, tiếng hò dô ta của những tốp ngư dân khiêng cá lớn ra khỏi hầm tàu, vang vọng cả một góc cảng.
Vừa mới cập bến, ông Võ Độ, một chủ tàu cá ở phường 6 cùng hơn 10 thuyền viên vui mừng cho biết: “Tàu cá chúng tôi vừa trở về sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển để đánh bắt cá ngừ đại dương ở ngư trường Hoàng Sa. Đây là chuyến biển mà chúng tôi trúng “đậm” nhất từ đầu năm đến nay. Chuyến này, sau khi trừ chi phí, chúng tôi lãi ròng gần 200 triệu đồng”.
Khi nói về trong quá trình đánh bắt cá ngừ đại dương ở gần khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, ông Võ Độ cho biết, tàu của ông đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, cố tình đâm va nhưng ông và các ngư dân trên tàu đã khéo léo né tránh nên không xảy ra hậu quả gì nghiêm trọng.
Một phần cũng nhờ các tàu cá ở Phú Yên, Bình Định, Quãng Ngãi đi theo tổ, đội sản xuất trên biển nên đã hợp lực đối phó với tàu Trung Quốc. “Dù chúng dùng súng uy hiếp, anh em trên tàu vẫn không hề nao núng.
Chúng tôi cho tàu chạy lòng vòng để tránh sự rượt đuổi của hải quân Trung Quốc. Sau nhiều giờ vây ép mà không đạt được mục đích, chúng đành phải bỏ đi... Nhiều lần, chúng dùng đèn pha công suất lớn rọi vào tàu cá, không cho ngư dân mình ra khu vực gần giàn khoan đánh bắt hải sản.
Anh em lái thuyền né đèn pha và kiên trì đánh bắt hải sản, chúng không thể bắt nạt được” ông Đốc cười khà khà nói. Ngồi nghỉ mệt ở gần đó, ngư dân Huỳnh Tuấn Thái chen vào câu chuyện: “Từ xưa, ông cha ta đã ra khơi khai thác, nay thế hệ con cháu chúng tôi tiếp tục bám ngư trường này là điều hiển nhiên”.
Anh Thái cho biết thêm:“Sau khi bán cá xong, chúng tôi nghỉ ngơi vài ngày để chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm, sau đó tiếp tục ra khơi, quyết tâm bám biển chứ không thể để họ chiếm ngư trường. Biển của mình thì mình phải giữ. Họ càng đuổi, mình càng phải ra khơi. Bao đời nay, ông cha ta đã ở đây, giờ mình cứ thế mà làm”.
Quyết ra khơi bám giữ ngư trường
Nhiều ngư dân Phú Yên cho biết, những ngày gần đây, khi nào không phải bận rộn với công việc, họ đều tích cực theo dõi tình hình biển Đông qua các báo, đài.
Ngư dân Trần Văn Kha ở phường Phú Đông (TP. Tuy Hòa) cho hay: Trung Quốc ngày càng ngang ngược, xảo trá và vô nhân đạo. Các tàu Trung Quốc không những hung hăng, sử dụng vòi rồng tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 mà đỉnh cao của hành động bá quyền là việc tàu Trung Quốc hung hăng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam rồi bỏ đi mà không có bất cứ hành động nào cứu giúp.
Theo ông Kha, dù biết ra khơi lúc này là nguy hiểm nhưng ngư dân vẫn kiên cường bám biển đánh bắt thủy sản ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.
Hơn bất cứ lúc nào ngư dân rất cần sự chung tay giúp đỡ của Đảng và Nhà nước để ngư dân yên tâm bám biển, vừa khai thác thủy sản nâng cao đời sống, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. “Với chúng tôi, biển là nhà, không đi là nhớ. Dù Trung Quốc có hung hăng thế nào, ngư dân chúng tôi nhất quyết bám biển. Trước thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển của ta thì ngư dân nhiều lần giáp mặt và bị tàu Trung Quốc rượt đuổi.
Vì vậy, mỗi khi đánh bắt khu vực này chúng tôi phải đi theo tổ nhóm có nhiều tàu cá đi cùng khi có bất trắc thì gọi nhau kịp hỗ trợ”, thuyền trưởng Lê Văn, chủ một tàu cá hành nghề câu cá ngừ đại dương, đánh bắt ở khu vực biển Trường Sa, Hoàng Sa, cho biết như vậy
Ông Phan Thuẩn, Ủy viên BCH Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP. Tuy Hòa) bày tỏ: Trước năm 2000, tôi làm thuyền trưởng một tàu cá ngừ đại dương ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhưng không thấy có tàu nước ngoài nào dám cản trở.
Còn hiện nay, đánh bắt ở vùng biển này gặp rất nhiều khó khăn vì tàu Trung Quốc luôn rình rập, đe dọa ngư dân. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi chùn bước, mà ngược lại vì Tổ quốc, ngư dân quyết tâm vươn khơi.
Những chuyến biển cá đầy khoang thu lãi hàng trăm triệu đồng đã làm cho ngư dân tỉnh Phú Yên tăng thêm phấn khích, hừng hực khí thế tiếp tục thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa - Việt Nam. Bám biển bây giờ không chỉ đơn thuần vì mưu sinh mà mỗi ngư dân, mỗi tàu cá như là những “cột mốc chủ quyền” giữa biển khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, đến nay tỉnh này đã thành lập được 105 tổ tàu thuyền an toàn với 827 phương tiện tham gia và 5 nghiệp đoàn nghề cá với 535 đoàn viên. Đây là lực lượng nòng cốt để xây dựng thế trận lòng dân tham gia bảo vệ quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Có thể bạn quan tâm
Những mùa thu hoạch cá lồng bè đã từng mang về cho ngư dân Long Sơn (TP.Vũng Tàu) hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng nay đã trở thành chuyện dĩ vãng. Vài năm trở lại đây, người nuôi cá lồng bè liên tục bị trắng tay bởi nuôi con gì chết con nấy!.
Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân (Vĩnh Long) có kế hoạch tập huấn nông dân về biện pháp phòng trừ sâu đục củ khoai lang.
Tìm kiếm thị trường mới, hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc là yếu tố quan trọng giúp tăng giá trị cây khoai. Trong ảnh: Nhân công phân loại khoai.
Đã mấy năm nay, chăn nuôi thỏ trên địa bàn huyện Hóc Môn (TP.HCM) chủ yếu tập trung ở xã Tân Thới Nhì, Xuân Thới Thượng và Xuân Thới Sơn, nhưng tập trung nhất vẫn là xã Tân Thới Nhì có tổng số đầu con là 4.300 con, chiếm 71,57% đàn thỏ cả huyện.
Năm nay thời tiết thuận lợi, bà con nông dân chịu đầu tư chăm sóc nên vụ cà phê được mùa hơn so với các năm trước. Từ niềm vui được mùa, được giá, nhiều nông dân đã tính chuyện mở rộng diện tích trồng cà phê.