Khi Ngư Dân Học Làm...Bác Sĩ
Mưu sinh giữa biển khơi dài ngày, đối mặt với không ít những rủi ro, tai nạn thương tích trên biển, thế nhưng không ít tàu thuyền ngư dân Lý Sơn không chỉ thiếu trang thiết bị y tế cần thiết mà còn thiếu cả kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu...
Khóa huấn luyện, trang bị những kiến thức về sơ cứu cho ngư dân Lý Sơn bằng những hình ảnh trực quan, thực tế được Bộ Y tế tổ chức vừa qua đã trang bị phần nào những hiểu biết, kiến thức sơ cấp cứu ban đầu cho ngư dân huyện đảo.
"Lơ mơ" về kiến thức y tế
Là một trong những địa phương có số lượng tàu đánh bắt khai thác lớn trong tỉnh với trên 420 tàu và 3.123 lao động trực tiếp tham gia trên biển, trong đó có gần 150 chiếc đánh bắt xa bờ với 1.704 lao động. Với lượng tàu và lực lượng lao động mưu sinh trên biển hùng hậu như vậy nhưng để tìm được một ngư dân am hiểu về cách sơ, cấp cứu... rất khó, đại bộ phận ngư dân còn rất "lơ mơ" về các kiến thức y tế.
Thông thường mỗi chuyến ra khơi, các ngư dân đều chuẩn bị kỹ càng lương thực, nước uống, nhiên liệu và các dụng cụ lao động cần thiết, nhưng họ không hề được chuẩn bị kỹ năng chăm sóc y tế phòng các trường hợp gặp nạn trên biển cũng như những kỹ năng cơ bản về sơ, cấp cứu ban đầu. Có chăng họ chỉ trang bị một vài loại thuốc để chữa những bệnh lý thông thường.
Thực tế, qua khảo sát của chúng tôi, hầu hết ngư dân, khi được hỏi về các kỹ năng đúng trong sơ cấp cứu cơ bản ban đầu như hô hấp nhân tạo khi không may bị ngạt nước hoặc băng bó cho các trường hợp gãy tay, chân… không ít ngư dân lắc đầu.
Ngư dân Nguyễn Thanh Dương ở xã An Hải phân trần: Bao nhiêu năm nay gắn bó với biển, lần nào ra khơi cũng vậy, chúng tôi cũng chỉ trang bị vài loại thuốc đơn giản như đau đầu, đau bụng... còn những cái khác liên quan đến y tế như sơ cứu cho người gặp nạn, nhận biết một số bệnh... chúng tôi rất thiếu trang thiết bị và kỹ năng. Nếu không may gặp tai nạn khi đang hành nghề trên biển, chúng tôi chỉ biết tự chữa trị, sơ cấp cứu bằng kinh nghiệm tự có của mình.
Không riêng gì anh Dương mà nhiều ngư dân khác khi ra khơi đánh bắt, khai thác thủy hải sản cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. "Mưu sinh cách xa đất liền nên những khi bị bệnh, hay gãy tay, gãy chân ngư dân chúng tôi rất lo sợ. Nhiều trường hợp không biết xử lý thế nào chúng tôi đành phải cho tàu quay trở lại vào bờ để chữa trị.
Những chuyến biển chẳng may bị tai nạn thì đành phải chịu lỗ tổn, không còn cách nào khác, nếu để lâu ngoài biển sẽ nguy hiểm đến tính mạng cũng như thương tật cho anh em"- ngư dân Nguyễn Trung Kiên ở xã An Vĩnh cho hay.
Nghề biển được xem là một trong những nghề chứa đựng rủi ro cao. Ngư dân ra khơi đánh bắt luôn đối mặt với không ít khó khăn, hiểm nguy. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy hầu hết ngư dân chưa được trang bị những kỹ năng y tế cơ bản về sơ cấp cứu khi gặp nạn. Khi tai nạn xảy ra, ngư dân phải tự xoay xở, đối phó với những kinh nghiệm ít ỏi của mình, điều này đã khiến không ít trường hợp ngư dân phải đối diện với nguy cơ sinh tử trên biển.
Hỗ trợ cần thiết
Thấu hiểu những khó khăn và nguy cơ gặp rủi ro trên biển, Bộ Y tế đã tổ chức khóa huấn luyện, trang bị những kiến thức về sơ cứu cho 60 ngư dân Lý Sơn đại diện cho 60 tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở huyện đảo.
Bằng những hình ảnh trực quan, thực hành thực tế qua 3 lớp tập huấn cách sơ cấp cứu ban đầu, các chuyên gia, bác sĩ Viện Y học Biển Việt Nam đã trang bị kiến thức cần thiết cho ngư dân về cấp cứu ban đầu trên biển, cấp cứu nạn nhân bất tỉnh, cấp cứu các trường hợp chảy máu nặng, các phương pháp băng bó vết thương, cấp cứu tai biến lặn, trôi dạt trên tàu biển...
Thạc sĩ Lương Xuân Tuyến- Trưởng khoa Khám, chữa bệnh và quản lý sức khỏe thuyền viên (Viện Y học biển Việt Nam) cho biết: Hiện nay, kiến thức sơ, cấp cứu của ngư dân vẫn còn rất hạn chế, kỹ thuật cấp cứu chưa đúng, nên khi gặp những tai nạn trên tàu, nhưng họ chưa biết xử trí đúng cách điều này rất nguy hiểm cho tính mạng của ngư dân.
"Qua khóa học này, chúng tôi không chỉ hướng dẫn cụ thể cho ngư dân cách sơ cấp cứu ban đầu đúng mà còn chỉ rõ cho ngư dân những điểm cần chú ý trong sơ cứu ban đầu, nhằm tránh trường hợp tử vong đáng tiếc, mang lại cơ hội sống cao hơn cho ngư dân trong những chuyến mưu sinh trên biển dài ngày"- Thạc sĩ Lương Xuân Tuyến bày tỏ.
Theo đánh giá của các chuyên gia và y, bác sĩ của Viện Y học Biển Việt Nam, mặc dù lớp học chỉ diễn ra trong thời gian 2 ngày, nhưng hầu hết các ngư dân tiếp thu rất nhanh và thực hành khá thuần thục, đây là kết quả rất đáng khích lệ.
Nói về việc tổ chức các khóa huấn luyện này, ngư dân Dương Minh Sang ở xã An Hải đại diện cho các thuyền viên đi trên tàu QNg 96048 TS trực tiếp tham gia khó học bày tỏ: Từ trước giờ anh em ngư dân chúng tôi chỉ biết xử lý những tai nạn trên biển bằng kinh nghiệm có được của người này truyền cho người kia chứ có được học hành bài bản như thế này đâu.
Tham gia khóa học này, tôi không chỉ tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, những kỹ năng cơ bản mà từ trước đến nay chúng tôi chưa được biết bao giờ mà còn được trang bị những dụng cụ để sơ, cấp cứu trên biển. "Sau khóa học này, tôi sẽ về truyền đạt cho anh em thuyền viên trên tàu để ai cũng biết cách sơ, cấp cứu nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tốt hơn"- anh Sang hy vọng.
Nghề biển là nghề đối mặt với nhiều tai nạn, rủi ro cao, chính vì vậy, những khóa học như thế này là rất cần thiết giúp ngư dân bảo vệ sức khỏe, giữ tính mạng của mình, từ đó họ chủ động và yên tâm hơn khi ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2013, Hợp tác xã (HTX) Thủy sản An Thủy (xã An Thủy - Ba Tri - Bến Tre) quản lý và khai thác hiệu quả con nghêu. Tính đến thời điểm này, sản lượng nghêu khai thác được 300 tấn, tổng doanh thu 7,5 tỷ đồng, tăng 4,1 tỷ đồng so với năm 2012.
Anh Nguyễn Văn Thể ở thôn 10, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết: “Gia đình tôi đã nuôi trâu cái sinh sản từ nhiều năm qua, song trong thôn lại không có trâu đực tốt để phối giống, thành ra mấy năm trâu mới đẻ một lần.
Sản lượng tôm nuôi nước lợ năm 2013 của Sóc Trăng đạt 72.762 tấn, bằng 129,5% KH, tăng 79,6% so với năm trước. Thành công lớn nhất là các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề, Mỹ Xuyên và tuyến ven Sông Hậu huyện Long Phú.
Chúng tôi thật ấn tượng khi đến thăm trại nuôi bồ câu Pháp của nữ cử nhân Trương Thị Thùy Nhung (32 tuổi), trú tại thôn 2A, xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam).
Cuối năm, hàng chục chiếc tàu nườm nượp kéo về cảng sau chuyến đi khơi dài ngày. Trong đó, có nhiều tàu trĩu nặng với những mẻ tôm hùm còn tươi nhay nháy mang lại thu nhập cao gấp 4-5 lần so với các loại hải sản khác.