Tối Ưu Hóa Phân Hữu Cơ Giải Pháp Để Phát Triển Cà Phê Bền Vững
Sau vấn đề nước tưới, việc bón phân cân đối, phù hợp cũng là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng và tính bền vững cho cây cà phê. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là tình trạng nông dân bón phân nhiều hơn khuyến cáo, trong đó có việc lạm dụng phân vô cơ, theo đó đã gây ra nhiều hệ lụy…
Một điều tra của các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, riêng tại Dak Lak, mức tăng chi phí sử dụng phân bón hóa học đối với cà phê khá lớn, trung bình cứ 1 ha thì nông dân đã lãng phí 2 triệu 780 nghìn đồng/năm. Có lẽ con số này cũng không lấy làm ngạc nhiên, bởi không còn quá xa lạ trước thực trạng người dân tưới nước cũng như bón phân nhiều hơn khuyến cáo.
Không ít người có tâm lý trong chăm sóc cho cây cà phê là “thừa hơn thiếu” nên dù biết sẽ có lãng phí nhưng vẫn chấp nhận đầu tư. Với đặc điểm tiện lợi, các loại phân vô cơ nghiễm nhiên đã trở thành lựa chọn của hầu hết các nhà vườn trồng, kinh doanh cà phê.
Suy nghĩ bón nhiều phân cây mới tốt và vườn cà phê càng nhiều năm tuổi, cây xấu thì càng được ưu tiên chăm sóc, bón thêm phân, trong đó có phân vô cơ để khôi phục đã khiến cho nhiều vườn cây nhanh chóng bị già hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích cà phê cần tái canh tăng nhanh trong những năm vừa qua và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Thấm thía vì hệ lụy của việc lạm dụng phân vô cơ trong canh tác cây cà phê, anh Hoàng Hải Đăng, thôn Ia Nguôi, xã Cư Né (huyện Krông Buk) chia sẻ: Gia đình anh làm 1 ha cà phê, trước đây do thói quen bón nhiều phân vô cơ nên cây cà phê không được bền do đất bị chai, bạc màu.
Cũng may mà anh sớm đưa toàn bộ diện tích này tham gia liên kết sản xuất cà phê bền vững với Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An, lượng phân hữu cơ được sử dụng nhiều hơn, nên vườn cây được phục hồi, cây cà phê bền hơn, cà phê bảo đảm chất lượng, chi phí phân bón đã giảm 5-10% so với trước đây.
Ông Trần Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết thì kể một câu chuyện vui khi nói đến ích lợi của việc sử dụng phân hữu cơ cho cà phê rằng: Một số đối tác nước ngoài khi đến thực tế tại các vườn cà phê, vườn nào quang quẻ, làm sạch và hốt bỏ hết cỏ và lá, họ có vẻ không thích, bởi lớp lá dưới gốc cây cũng chính là nguồn phân hữu cơ, tạo lớp mùn, giữ ẩm, chống xói mòn cho đất.
“Sử dụng phân hữu cơ cũng là một trong những yếu tố để sản xuất thân thiện hơn với môi trường, điều này được các đối tác nước ngoài đặc biệt coi trọng”, ông Sơn nói. Cùng chung quan điểm này, ông Lê Thái Hệ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Ea Tul khẳng định: Bón phân cân đối, trong đó tối ưu hóa phân hữu cơ là một trong 3 yếu tố để phát triển cà phê bền vững.
Việc bón nhiều phân vô cơ, lãng phí là một chuyện nhưng vấn đề lâu dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy khác mà không phải người nông dân nào cũng có thể nhìn ra nếu không được tiếp cận với khoa học kỹ thuật. TS. Phan Việt Hà, Trưởng Bộ môn hệ thống nông lâm nghiệp – Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích: Lạm dụng phân vô cơ không chỉ gây lãng phí, nếu dùng quá nhiều sẽ làm chết hệ vi sinh vật có ích, gây hiệu ứng nhà kính hoặc ngấm xuống đất làm ảnh hưởng đến môi trường.
Theo thói quen, thông thường bà con nông dân bón phân làm 4 đợt: đợt 1 vào lần tưới thứ 2, đợt 2 vào đầu mùa mưa, đợt 3 giữa mùa mưa và đợt 4 vào cuối mùa mưa.
Bón phân là yếu tố quan trọng và quản lý dinh dưỡng tổng hợp cho cây cà phê nên sử dụng tối đa phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ. Bón nhiều phân không phải là tốt, mà phải bón cân đối, bảo đảm: Bón đúng các loại phân cần thiết; bón đủ lượng; bón đúng thời kỳ; bón đúng phương pháp.
Phân hữu cơ có thể có từ nhiều nguồn như: cành lá cà phê; phân chuồng; phân hữu cơ vi sinh. Bón phân hữu cơ có nhiều ưu việt: Trong phân hữu có có tất cả các loại dinh dưỡng (N, P, K, Ca, Mg…); có thể tận dụng cành lá cà phê từ việc tạo hình cắt cành làm phân bón; làm cho đất tốt hơn; đất giữ được nhiều chất dinh dưỡng và nước hơn; giúp chống xói mòn đất.
TS. Phan Việt Hà cũng khuyến cáo, để nâng cao hiệu quả bón phân thì nên cắt bỏ chồi vượt; cành vô hiêu; lấp đất sau khi bón để tránh phân bốc hơi; trồng cây chắn gió; cây che bóng lâu dài; cây họ đậu; tận dụng các chất hữu cơ trong vườn vùi (bón) lại cho đất.
Có thể bạn quan tâm
Để đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An (Phú Yên) đã chủ trì thực hiện dự án Nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm bằng ao xi măng ngoài trời do kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, cán bộ quản lý môi trường và nguồn lợi thủy sản xã An Ninh Tây (Tuy An) làm chủ nhiệm.
Đến nay, những hộ làm nghề nuôi cá bổi ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã thu hoạch được hơn 30 ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha.
Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành, hành vi sử dụng các biện pháp, phương tiện, công cụ có tính hủy diệt trong khai thác tài nguyên và nguồn lợi biển sẽ bị phạt tiền từ 80-150 triệu đồng.
Không chỉ là xã ven biển có diện tích mặt nước mặn, nước lợ chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên, Tiền Phong (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) còn có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ hải sản. Chính vì thế, những năm qua, dựa vào lợi thế sẵn có của địa phương, người dân xã Tiền Phong đã mạnh dạn lựa chọn và đưa nhiều loại giống thuỷ sản mới vào nuôi thí điểm. Không ít mô hình nuôi trồng thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế cao đã thành công và được nhân ra trên diện rộng. Nuôi cá vược theo hình thức quảng canh là một trong những mô hình như thế...
Để việc triển khai quy chế quản lý cá tra bố mẹ hiệu quả, Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Đại, Châu Thành (Bến Tre) tiến hành khảo sát tình hình khai thác đàn cá tra bố mẹ chọn giống tại các cơ sở sản xuất giống.