Khi Ngư Dân Học Làm...Bác Sĩ
Mưu sinh giữa biển khơi dài ngày, đối mặt với không ít những rủi ro, tai nạn thương tích trên biển, thế nhưng không ít tàu thuyền ngư dân Lý Sơn không chỉ thiếu trang thiết bị y tế cần thiết mà còn thiếu cả kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu...
Khóa huấn luyện, trang bị những kiến thức về sơ cứu cho ngư dân Lý Sơn bằng những hình ảnh trực quan, thực tế được Bộ Y tế tổ chức vừa qua đã trang bị phần nào những hiểu biết, kiến thức sơ cấp cứu ban đầu cho ngư dân huyện đảo.
"Lơ mơ" về kiến thức y tế
Là một trong những địa phương có số lượng tàu đánh bắt khai thác lớn trong tỉnh với trên 420 tàu và 3.123 lao động trực tiếp tham gia trên biển, trong đó có gần 150 chiếc đánh bắt xa bờ với 1.704 lao động. Với lượng tàu và lực lượng lao động mưu sinh trên biển hùng hậu như vậy nhưng để tìm được một ngư dân am hiểu về cách sơ, cấp cứu... rất khó, đại bộ phận ngư dân còn rất "lơ mơ" về các kiến thức y tế.
Thông thường mỗi chuyến ra khơi, các ngư dân đều chuẩn bị kỹ càng lương thực, nước uống, nhiên liệu và các dụng cụ lao động cần thiết, nhưng họ không hề được chuẩn bị kỹ năng chăm sóc y tế phòng các trường hợp gặp nạn trên biển cũng như những kỹ năng cơ bản về sơ, cấp cứu ban đầu. Có chăng họ chỉ trang bị một vài loại thuốc để chữa những bệnh lý thông thường.
Thực tế, qua khảo sát của chúng tôi, hầu hết ngư dân, khi được hỏi về các kỹ năng đúng trong sơ cấp cứu cơ bản ban đầu như hô hấp nhân tạo khi không may bị ngạt nước hoặc băng bó cho các trường hợp gãy tay, chân… không ít ngư dân lắc đầu.
Ngư dân Nguyễn Thanh Dương ở xã An Hải phân trần: Bao nhiêu năm nay gắn bó với biển, lần nào ra khơi cũng vậy, chúng tôi cũng chỉ trang bị vài loại thuốc đơn giản như đau đầu, đau bụng... còn những cái khác liên quan đến y tế như sơ cứu cho người gặp nạn, nhận biết một số bệnh... chúng tôi rất thiếu trang thiết bị và kỹ năng. Nếu không may gặp tai nạn khi đang hành nghề trên biển, chúng tôi chỉ biết tự chữa trị, sơ cấp cứu bằng kinh nghiệm tự có của mình.
Không riêng gì anh Dương mà nhiều ngư dân khác khi ra khơi đánh bắt, khai thác thủy hải sản cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. "Mưu sinh cách xa đất liền nên những khi bị bệnh, hay gãy tay, gãy chân ngư dân chúng tôi rất lo sợ. Nhiều trường hợp không biết xử lý thế nào chúng tôi đành phải cho tàu quay trở lại vào bờ để chữa trị.
Những chuyến biển chẳng may bị tai nạn thì đành phải chịu lỗ tổn, không còn cách nào khác, nếu để lâu ngoài biển sẽ nguy hiểm đến tính mạng cũng như thương tật cho anh em"- ngư dân Nguyễn Trung Kiên ở xã An Vĩnh cho hay.
Nghề biển được xem là một trong những nghề chứa đựng rủi ro cao. Ngư dân ra khơi đánh bắt luôn đối mặt với không ít khó khăn, hiểm nguy. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy hầu hết ngư dân chưa được trang bị những kỹ năng y tế cơ bản về sơ cấp cứu khi gặp nạn. Khi tai nạn xảy ra, ngư dân phải tự xoay xở, đối phó với những kinh nghiệm ít ỏi của mình, điều này đã khiến không ít trường hợp ngư dân phải đối diện với nguy cơ sinh tử trên biển.
Hỗ trợ cần thiết
Thấu hiểu những khó khăn và nguy cơ gặp rủi ro trên biển, Bộ Y tế đã tổ chức khóa huấn luyện, trang bị những kiến thức về sơ cứu cho 60 ngư dân Lý Sơn đại diện cho 60 tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở huyện đảo.
Bằng những hình ảnh trực quan, thực hành thực tế qua 3 lớp tập huấn cách sơ cấp cứu ban đầu, các chuyên gia, bác sĩ Viện Y học Biển Việt Nam đã trang bị kiến thức cần thiết cho ngư dân về cấp cứu ban đầu trên biển, cấp cứu nạn nhân bất tỉnh, cấp cứu các trường hợp chảy máu nặng, các phương pháp băng bó vết thương, cấp cứu tai biến lặn, trôi dạt trên tàu biển...
Thạc sĩ Lương Xuân Tuyến- Trưởng khoa Khám, chữa bệnh và quản lý sức khỏe thuyền viên (Viện Y học biển Việt Nam) cho biết: Hiện nay, kiến thức sơ, cấp cứu của ngư dân vẫn còn rất hạn chế, kỹ thuật cấp cứu chưa đúng, nên khi gặp những tai nạn trên tàu, nhưng họ chưa biết xử trí đúng cách điều này rất nguy hiểm cho tính mạng của ngư dân.
"Qua khóa học này, chúng tôi không chỉ hướng dẫn cụ thể cho ngư dân cách sơ cấp cứu ban đầu đúng mà còn chỉ rõ cho ngư dân những điểm cần chú ý trong sơ cứu ban đầu, nhằm tránh trường hợp tử vong đáng tiếc, mang lại cơ hội sống cao hơn cho ngư dân trong những chuyến mưu sinh trên biển dài ngày"- Thạc sĩ Lương Xuân Tuyến bày tỏ.
Theo đánh giá của các chuyên gia và y, bác sĩ của Viện Y học Biển Việt Nam, mặc dù lớp học chỉ diễn ra trong thời gian 2 ngày, nhưng hầu hết các ngư dân tiếp thu rất nhanh và thực hành khá thuần thục, đây là kết quả rất đáng khích lệ.
Nói về việc tổ chức các khóa huấn luyện này, ngư dân Dương Minh Sang ở xã An Hải đại diện cho các thuyền viên đi trên tàu QNg 96048 TS trực tiếp tham gia khó học bày tỏ: Từ trước giờ anh em ngư dân chúng tôi chỉ biết xử lý những tai nạn trên biển bằng kinh nghiệm có được của người này truyền cho người kia chứ có được học hành bài bản như thế này đâu.
Tham gia khóa học này, tôi không chỉ tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, những kỹ năng cơ bản mà từ trước đến nay chúng tôi chưa được biết bao giờ mà còn được trang bị những dụng cụ để sơ, cấp cứu trên biển. "Sau khóa học này, tôi sẽ về truyền đạt cho anh em thuyền viên trên tàu để ai cũng biết cách sơ, cấp cứu nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tốt hơn"- anh Sang hy vọng.
Nghề biển là nghề đối mặt với nhiều tai nạn, rủi ro cao, chính vì vậy, những khóa học như thế này là rất cần thiết giúp ngư dân bảo vệ sức khỏe, giữ tính mạng của mình, từ đó họ chủ động và yên tâm hơn khi ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Related news
Xác định phát triển chăn nuôi là thế mạnh của địa phương, Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm thúc đẩy chăn nuôi gia súc trên địa bàn phát triển, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ người dân cải tạo và phát triển đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT).
Đây là địa bàn rộng, phức tạp, giáp ranh với nhiều huyện trong và ngoài tỉnh, tài nguyên rừng phong phú có nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm. Trên địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống đất sản xuất của nhân dân dần bị thu hẹp, dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng diễn biến phức tạp.
Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng khoảng 13 ngàn ha cây trồng vụ đông các loại, trong đó: Cây ngô là 8,5 ngàn ha, còn lại là khoai lang, rau đậu. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân trên toàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cây rau màu đã trồng và tiếp tục trồng các loại rau khác còn trong khung lịch thời vụ.
Chính sách phát triển thủy sản không chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền của ngư dân, mà còn tiếp sức cho họ vững tin khi là những cột mốc chủ quyền trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng để những chính sách ấy có sức sống và là “bà đỡ” của ngư dân thì tiền thôi, chưa đủ.
Với phương châm kinh doanh cùng nông dân và mục tiêu hướng đến nông nghiệp-nông thôn nên Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đã chủ động xây dựng Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà với nhiệm vụ thu mua, chế biến, quảng bá và kinh doanh các loại nông sản của tỉnh; Nhà máy sản xuất phân vi sinh Hướng Hoá với giá rẻ, thích hợp nhiều loại cây trồng và Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trồng sắn ở vùng miền núi.