Khi doanh nhân quay sang tặng nhau... rau sạch
Nhiều người tự tìm ra nguồn rau củ quả mà họ tin là “siêu sạch” và hình thành một thị trường trao đổi hàng hoá sôi động từ những vườn rau tự trồng.
Chỉ cần tra cứu từ rau sạch trên Google, một cú nhấp chuột cho ra ngay trên 1 triệu thông tin.
Muốn tìm mua rau sạch, có thể ngồi nhà lướt web, đặt hàng, hoặc gọi điện thoại đến các cửa hàng của Co.opfood, Satramart, Aeon-Citimart hay các cửa hàng tư nhân cũng có rau củ quả chở đến nhà.
Nhưng có vẻ như không tin lắm vào những địa chỉ mua bán rau củ quả sạch, nhiều người tự tìm ra nguồn rau củ quả mà họ tin là “siêu sạch” và hình thành một thị trường trao đổi hàng hoá sôi động từ những vườn rau tự trồng.
Phân công trồng trọt
Với khoảng sân thượng hơn 30m2 trong căn nhà ba tầng trong con hẻm trên đường Võ Văn Tần ở quận 3, bà Thuỷ mỗi ngày dành 20 phút buổi sáng và chiều để chăm giàn mướp, bí, rau muống và cải mầm.
Thành quả thu hoạch mỗi tuần, bà cùng những người bạn lại trao đổi cho nhau.
Khi bà Thuỷ đưa mướp hương ra tặng, thì nhận lại từ bà Khánh khổ qua, nhận từ bà Chi hành lá, rau cải xanh…
Vườn rau từ 2 – 3 loại ban đầu, nay lên đến cả chục loại, dây leo trên giàn cao, dưới thấp có chậu nhựa, có khay mầm…
Cứ thế xoay vần, nhóm các bà bạn này tự trồng rau, trao đổi lẫn nhau, lại phân công để đừng bị trùng lặp để nhà nào cũng có nhiều loại rau chỉ tưới bằng nước sạch và không dùng bất kỳ loại phân bón hoá chất nào.
Tại một văn phòng công ty dịch vụ thương mại ở khu Trung Sơn (Bình Chánh), nhóm nhân viên với 11 người cũng khởi xướng phong trào trồng rau trao đổi nhau.
Từ một người khởi xướng, họ mày mò sắm khay nhựa, lưới giăng, sào tre, mua hạt giống… sau bốn tháng họ đã bắt đầu có sản phẩm mang tặng nhau.
Đến nay sau hơn một năm việc trồng rau vừa là thú vui, vừa mang lại cho mỗi cá nhân trong nhóm này nguồn rau sạch dùng thường xuyên.
Họ cũng thay đổi loại cây theo mùa, theo trào lưu.
Chẳng hạn “nghe nói” lá mướp đắng phơi khô hãm thành trà uống giảm cân, người nào nhà có thể làm giàn leo là trồng, nên cả phòng có trà lá mướp đắng uống mỗi ngày.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị H. dành hẳn toàn bộ sân thượng trong ngôi nhà to ở quận 10 để trồng rau củ các loại.
Nhờ có người giúp việc chăm sóc kỹ lưỡng, vườn rau nhà chị này không những cung cấp cho cả nhà ăn dư, mà mỗi lần gặp gỡ bạn hàng, đối tác thân quen lâu năm, chị lại mang theo rau tự trồng đến tặng.
Chị bảo: “Họ cũng là những người có thu nhập cao, tặng bánh, tặng rượu quá quen thuộc, bây giờ mang tặng rau do chính nhà mình trồng, rau tươi và sạch, tôi thấy họ thích và vui hơn”
. Những khi có dịp họp mặt, chị và những doanh nhân khác cũng mang đến trao tặng nhau những thứ “của nhà trồng được”.
Trong nhiều văn phòng cao ốc, gần đây xuất hiện nhiều người vừa đi làm, kiêm thêm cung cấp rau sạch cho đồng nghiệp, bạn bè.
Chị Trương Lê, nhân viên công ty đang làm việc tại một cao ốc văn phòng ở quận 7, kể chuyện:
“Ban đầu chỉ là nhu cầu tìm mua rau sạch về cho gia đình mình ăn, sau thấy rau ngon, mua giùm bạn bè.
Mua riết thành quen, gom nhu cầu bạn bè lại, mỗi tuần đặt hàng 1 – 2 lần, người trồng rau giao tới nhà, mình chịu khó xách lên cơ quan giao lại cho người đặt hàng, trước là giúp người bán – người mua, sau là có thêm chi phí xăng xe hàng tuần”.
Niềm tin rau siêu sạch
Với dịch vụ cung cấp nguyên liệu, thiết bị cho nhu cầu trồng rau tại nhà có đầy đủ như hiện nay, thì việc tự mình trồng rau trở thành thú vui khá dễ làm và gắn với nó là sự đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.
“Tốn tiền mua rau để tiết kiệm tiền mua thuốc” là lý lẽ thuyết phục những cá nhân nêu trên chấp nhận đầu tư tiền bạc và thời gian ban đầu để trồng rau ăn tại nhà. Chị Nguyễn Thị H. chia sẻ: “
Nếu chỉ để mua rau sạch ăn trong nhà, tôi có thể đặt mua các cửa hàng rau, nhưng chưa có gì đảm bảo đó là rau sạch đúng nghĩa”. Chính vì vậy chị H. chỉ tin vào rau chính nhà chị trồng.
Cũng như vậy, bà Thuỷ ở quận 3 cũng chỉ ăn rau do nhà bà hoặc nhà bạn bè trồng.
Chị Trương Lê từ chỗ thường mua rau trong cửa hàng, siêu thị, chuyển sang đặt mua rau do người quen ở ngoại thành trồng và cung cấp là do niềm tin. Chị kể:
“Tôi đã đến vườn rau ở Hóc Môn, nghe người họ hàng giải thích rau chỉ tưới bằng nước sạch khác với rau trồng bình thường và xử lý cho sạch trước khi đem bán ra sao, nên tôi tin ở chỗ mình mua”.
Vì tin, chị giới thiệu cho bạn bè và họ cũng vì tin chị mà đặt mua hàng.
Còn giữa loại rau của họ hàng với rau từ cửa hàng rau sạch chất lượng khác nhau thế nào, bên nào tốt hơn, tiêu chuẩn sạch là gì… chị Trương Lê cũng không am tường đầy đủ.
Tin ở người bán cũng chính là cơ hội cho hàng chục cửa hàng rau sạch của các bạn trẻ mở bán trên đường phố và trên Facebook. Khách hàng đầu tiên là bạn bè, người thân, sau đó mạng lưới mua hàng mở ra dần dần và những cửa hàng này “sống được”.
Thơm Foods, cửa hàng rau sạch mới mở trên đường Trương Định, quận 3 là ví dụ điển hình. Khách mua ở đây ban đầu là bạn của chủ nhân, rồi đến bạn của bạn…
Các cửa hàng rau: Tuoisach, Rautuoi, Thiennhienantoan… cũng được mở ra kinh doanh trên niềm tin lẫn nhau là chính.
Còn nói về tiêu chuẩn, sự giám sát và kiểm tra, thì chắc chắn các loại rau củ tự trồng, cũng như sản phẩm bày bán trên các trang mạng xã hội, các cửa hàng không thể có đầy đủ các giấy tờ hơn các siêu thị và cửa hàng của công ty.
Trên thị trường hiện có gần cả trăm doanh nghiệp tham gia khai thác thị trường rau củ quả sạch. Tập trung nhiều nhất là Đà Lạt với khoảng 40 doanh nghiệp quy hoạch trồng rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Các tỉnh, thành khác cũng có hàng chục công ty tham gia từ sản xuất đến phân phối, như công ty TNHH thực phẩm sạch Hellomam (Hellomam), công ty CP đầu tư Giao Long (Liên Thảo), công ty CP rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), công ty TNHH thương mại dịch vụ Great Việt Nam, HTX nông nghiệp Thỏ Việt, HTX An Phú, chuỗi cửa hàng Bác Tôm…
Từ ngày 1.10.2015 thị trường có thêm rau an toàn trồng bằng công nghệ nhà kính Israel do tập đoàn Vingroup sản xuất với thương hiệu VinEco.
Có thể bạn quan tâm
Chúng tôi tìm về trại heo của ông Cao Minh Khải, ấp Hội Thành, xã Tân Hội, Mỏ Cày Nam (Bến Tre) để được xem tận mắt những con heo “không phải tắm” đầu tiên ở xứ dừa.
Cây cà phê ở Mường Ảng được xác định là cây mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo cho người dân. Có tiềm năng, có lợi thế, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, người trồng cà phê Mường Ảng vẫn đau đáu một nỗi niềm đó là có thị trường ổn định tiêu thụ cho sản phẩm.
Với chi phí đầu tư trên 300 triệu đồng/ha, chỉ trong hơn 2 năm, người dân ở hai huyện Châu Thành (Long An), Chợ Gạo (Tiền Giang) đã bỏ ra trên 810 tỷ đồng để trồng mới hơn 2.700ha thanh long, dù họ không biết chắc là trồng thanh long có lời hơn trồng lúa hay các loại hoa màu khác hay không.
10 năm qua (2003 - 2012), các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh.
Tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) có gần 18.500 con. Bà con nông hộ thường chọn nuôi các giống bò ngoại như: Bradman, RedShinhi, Sahiwal, Lymousine và bò lai tạo từ bò địa phương với các giống bò ngoại, phân bố tập trung tại các xã An Thạnh, Thành Thới A, Đa Phước Hội và Tân Trung.