Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi cây sâm vào mùa ngủ đông

Khi cây sâm vào mùa ngủ đông
Ngày đăng: 29/09/2015

Cuối tháng Tám là thời điểm những vườn sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh - Nam Trà My, bắt đầu vào mùa thu hoạch hạt sâm.

Bà con Xê Đăng tất bật huy động nhân lực, vật lực để thu hoạch hạt sâm đưa vào gieo tỉa mới ngay tại vườn. Đồng thời những cành, lá sâm cũng được tận thu đem bán nhằm đảm bảo cho củ sâm không bị suy nhược trong mùa đông.

Trước đây, do không cắt tỉa thân cành nên đến hết tháng 10 sâm mới rụi lá, ảnh hưởng không nhỏ đến sức sinh trưởng của củ. Bây giờ, người dân nơi đây đã biết dưỡng sâm, vì vậy các vườn sâm Ngọc Linh đã không còn một cành lá nào mọc trên đất.

Sau khi thu hoạch hạt và cắt lá xong, bà con lấy cây lau che phủ một lớp khá dày trên các luống sâm. Mục đích là nhằm giữ ẩm cho củ và chống xói mòn do mưa lũ gây ra.

Tiếp đó là tập trung huy động nhân công dọn dẹp các rãnh luống để cho nước mưa dễ tiêu thoát, tránh tình trạng tràn qua các luống cuốn trôi củ sâm hoặc gây úng thối củ.

Người trồng sâm Ngọc Linh dày dạn kinh nghiệm như anh Nguyễn Văn Lượng ở Măng Lùng đã không ngại ngần bỏ ra 500 triệu đồng mua xi măng, cát sỏi đem lên xây kiên cố các luống rãnh để chống xói lở.

Dân làng Tắc Ngo chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh ngủ đông.

Việc túc trực canh gác bảo vệ vườn sâm ngủ đông hết sức gian nan, cực khổ.

Các  gia đình phải thay nhau vào chốt canh gác, tuần tra 24/24.

Ban ngày, kiểm tra quanh vườn sâm rộng cả héc ta để kịp thời xử lý nước lũ xói lở, cây cối ngã đè lên luống sâm. Ban đêm, phải tuần tra liên tục quanh vườn sâm để đuổi chuột lông đỏ chuyên ăn sâm, rồi chồn bay phá hoại, hoặc kẻ trộm lén đột nhập vào nhổ sâm.

Thời tiết vùng Ngọc Linh mùa này rất khắc nghiệt, ban đêm nhiệt độ xuống 10oC và sương giăng mịt mù nên việc bảo vệ sâm gặp nhiều khó khăn.

Già làng Hồ Văn Suốt ở nóc Tắc Ngo xã Trà Linh, năm nay đã trên 70 tuổi nhưng vẫn phải vào chốt sâm tham gia công tác bảo vệ.

Già Suốt bảo rằng, sâm nó đắng cũng một phần là do mồ hôi, nước mắt của người trồng đổ vào đó. Đã gắn với nghiệp trồng sâm thì phải ăn ngủ với sâm, lo cho sâm như lo cho bản thân mình

Cây sâm bây giờ không phải là cây thoát nghèo mà chính là cây làm giàu cho dân làng. Nếu không có sâm,  dễ gì người Xê Đăng ở đây có được cuộc sống sung túc như hôm nay. Vậy nên chỉ cần sơ hở một chút là mất cả gia tài.

Cũng theo già Suốt, chốt sâm của già có hơn 10 hộ tham gia nên việc chia nhau trực cũng thuận tiện.

“Hai gia đình sẽ trực giữ sâm trong vòng một tuần, sau đó đến 2 hộ khác theo hình thức quay vòng. Ca trực của hộ nào để bị mất sâm thì phải đền cho những gia đình khác.

Làm như thế mọi người mới có trách nhiệm bảo vệ” - già Suốt nói.

Mùa mưa, tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh thường hay xảy ra.

Năm ngoái anh Hồ Văn Bộ ở thôn 3 xã Trà Linh bị nhổ trộm hơn 5 ký sâm trên 10 năm tuổi, gây thiệt hại hơn 150 triệu đồng. Nguyên do là các công nhân canh gác thiếu cảnh giác, bỏ đi soi ếch nên kẻ trộm lợi dụng sơ hở để đột nhập.

Khi cây sâm bước vào giai đoạn ngủ đông thì dân làng sẽ dùng que tre cắm ngay bên củ để làm dấu nhận dạng, tránh trường hợp dẫm đạp lên củ. Việc làm này vô tình để lại dấu vết cho kẻ trộm dễ dàng nhổ trộm.

“Mười mấy năm đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, công sức vào chăm bón, bảo vệ nhưng chỉ cần 30 phút lơ là mất cảnh giác là kẻ trộm đột nhập vào nhổ sâm, gây thiệt hại lớn cho dân làng, có khi trắng tay chỉ sau một đêm mất cảnh giác” - anh Bộ cho biết.

Thường thì cái gì quý hiếm sẽ bị săn lùng, chiếm đoạt và sâm Ngọc Linh cũng nằm trong “danh mục” đó.

Bởi một ký sâm củ tươi có giá bán hơn 30 triệu đồng. Theo như kinh nghiệm đúc kết qua 35 năm trồng sâm của ông Hồ Văn Du ở xã Trà Linh, muốn trồng sâm thành công phải biết yêu sâm, quý sâm, chịu thương, chịu khó, ăn ở cùng sâm.

Cần phải có phương thức bảo vệ một cách nghiêm ngặt và khoa học với lực lượng chuyên nghiệp thì mới giúp cây sâm sinh trưởng tốt và người dân Xê Đăng không phải nơm nớp lo mất trộm sâm khi loài dược liệu quý hiếm này bước vào mùa ngủ đông.


Có thể bạn quan tâm

Người Trồng Cao Su Điêu Đứng Người Trồng Cao Su Điêu Đứng

Nhiều hộ dân trồng cao su tiểu điền ở 2 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa (Phú Yên) đang điêu đứng vì giá cao su giảm mạnh. Một số người bỏ vườn, không cạo mủ vì không đủ tiền thuê nhân công.

14/07/2014
Bệnh Tuyến Trùng, Đốm Lá Gây Hại 170 Ha Tiêu Bệnh Tuyến Trùng, Đốm Lá Gây Hại 170 Ha Tiêu

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện nay trên cây tiêu, bệnh tuyến trùng gây hại 150ha, tỉ lệ hại 5 đến 10% rễ; bệnh đốm lá gây hại 20ha, tỉ lệ bệnh 5 đến 15% lá, tập trung tại các xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, Phú Yên). Ngoài ra, bệnh thán thư và bệnh chết chậm còn xảy ra trên 10ha tiêu. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 687ha tiêu, trong đó huyện Tây Hòa 573ha, năng suất bình quân 23 tạ/ha. Với giá bán dao động từ 150.000 đến 170.000 đồng/kg, mỗi héc ta tiêu đạt doanh thu 400 triệu đồng. Tuy nhiên, những năm qua việc trồng tiêu ở Phú Yên còn mang tính tự phát nên rất khó đầu tư và quản lý sản phẩm. Điều này dẫn đến trình độ thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên cây trồng này ở mức cao.

14/07/2014
Hơn 400ha Mía Bị Nhiễm Sâu Bệnh Hơn 400ha Mía Bị Nhiễm Sâu Bệnh

Năm 2014, nông dân thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) canh tác mía với diện tích 2.690ha, mía trong giai đoạn từ 5-6 tháng tuổi, chủ yếu ở các xã: Tân Tiến, Hỏa Tiến, Hỏa Lựu, Vị Tân và phường VII. Trong những ngày qua, mưa nhiều làm cho diện tích sâu bệnh trên cây mía tăng đáng kể.

14/07/2014
Chuối Già Hương Thuần Việt Xuất Ngoại Chuối Già Hương Thuần Việt Xuất Ngoại

Mô hình trồng chuối già hương tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KNNUDCNC) An Thái, huyện Phú Giáo (Bình Dương) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư đã phát huy hiệu quả.

14/07/2014
Quảng Nam Được Mùa Hải Sản Quảng Nam Được Mùa Hải Sản

Sáu tháng đầu năm 2014, sản lượng hải sản ngư dân tỉnh Quảng Nam đánh bắt được tăng so với cùng kỳ, trong đó nghề đánh bắt xa bờ cho sản lượng cao đã giúp ngư dân có thêm nguồn lực đầu tư bám biển.

15/07/2014