Khánh thành Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền
Lãnh đạo các ban ngành, các địa phương, tỉnh Ninh Bình và Công ty Phân bón Bình Điền cắt băng khánh thành Nhà máy Bình Điền - Ninh Bình.
Đến dự lễ khánh thành có đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành Trung ương, các doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước, các đại lý phân bón...
Thành lập từ năm 2013, Công ty cổ phần Bình Điền - Ninh Bình đã được UBND tỉnh Ninh Bình cho thuê hơn 11ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền - Ninh Bình công suất 400.000 tấn/năm tại KCN Khánh Phú - tỉnh Ninh Bình.
Với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền – Ninh Bình chia làm 2 giai đoạn đầu tư, cụ thể: Giai đoạn 1 (từ tháng 6/2014 đến nay): Thực hiện xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK và hữu cơ, công suất 200.000 tấn/năm, với vốn đầu tư ban đầu 350 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 tiếp tục thực hiện nâng công suất nhà máy lên 400.000 tấn/năm, với vốn đầu tư giai đoạn 2 là 145 tỷ đồng.
Như vậy, với công suất này, Công ty cổ phần Bình Điền - Ninh Bình có thể cung ứng từ 10-15% nhu cầu phân bón NPK cho thị trường phía Bắc, bao gồm các tỉnh từ Nghệ An trở ra.
Với việc nhà máy đặt tại tỉnh Ninh Bình giúp giảm giá thành sản xuất từ 10-20%, điều đó làm cho chi phí sản xuất của bà con nông dân giảm xuống, lợi nhuận tăng lên và đồng thời cũng nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm “phân bón Đầu Trâu” tại thị trường các tỉnh phía Bắc.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền Lê Quốc Phong cho biết: Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền – Ninh Bình được lắp đặt hệ thống thiết bị máy móc sản xuất theo công nghệ hiện đại.
Theo đó, dây chuyền sản xuất phân bón NPK được nhập khẩu đồng bộ của nước ngoài với công nghệ UREA hóa lỏng tiên tiến, hiện đại.
Ưu điểm của công nghệ urê hóa lỏng cho phép sản xuất các sản phẩm phân bón NPK dạng một hạt có hàm lượng Nitơ (đạm) cao hay tổng hàm lượng dinh dưỡng cao giúp tiết giảm chi phí sử dụng tính trên đơn vị dinh dưỡng do giảm chi phí vận chuyển và công lao động.
Ngoài ra, do hàm lượng Nitơ trong sản phẩm cao nên rất dễ tan, sản phẩm thích hợp cho những vùng đất khô hạn, hay cây trồng mùa khô.
Bên cạnh đó, với thiết bị tự động hóa và thiết bị điện được nhập của hãng Schneider (Đức) cùng hệ thống xử lý bụi theo công nghệ “trầm lắng” tiên tiến, nhà máy sẽ giảm tối đa lượng bụi phát tán ra ngoài, góp phần bảo vệ môi trường.
Đại diện lãnh đạo Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền – Ninh Bình cho biết, sau hơn 1 năm xây dựng, đến nay Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền - Ninh Bình giai đoạn 1 đã chính thức cho ra đời những sản phẩm phân bón NPK Đầu Trâu chất lượng cao để phục vụ cho thị trường các tỉnh phía Bắc với những dòng sản phẩm phân bón chính là: Đầu Trâu bón lót, Đầu Trâu bón thúc, Đầu Trâu bón đòng nuôi củ quả, Đầu Trâu L1, L2, Đạm vàng Đầu Trâu 46A+, NPK 13-13-13+TE, Đầu Trâu Ngô 1, Ngô 2...
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn về quá trình phát triển thị trường các tỉnh phía bắc của Bình Điền, Tổng Giám đốc Lê Quốc Phong chia sẻ: “Nhờ chất lượng và uy tín thương hiệu nên từ năm 1995 đến 2003, phân bón Bình Điền đã được nông dân phía Bắc tin dùng.
Tuy nhiên thời điểm ấy vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân như: hệ thống phân phối không nhiều, diện tích canh tác của bà con nông dân phía Bắc manh mún, nhỏ lẻ, tập quán sử dụng phân đơn còn ăn sâu vào tiềm thức của bà con… Hơn nữa, trong thời điểm này, Bình Điền đang tập trung chiếm lĩnh thị trường phía Nam, thế nên giai đoạn này, phân bón Đầu Trâu chỉ mang tính giới thiệu sản phẩm ở thị trường phía Bắc.
Từ năm 2003 trở đi, tức sau khi chinh phục và có mặt hầu hết các tỉnh ở thị trường phía Nam, Tây Nguyên và miền Trung một cách chắc chắn, ban lãnh đạo công ty mới quyết định mở rộng ra thị trường phía Bắc, quyết tâm tập trung chinh phục thị trường đầy tiềm năng này”.
Với dây chuyền sản xuất hiện đại, Nhà máy phân bón Bình Điền - Ninh Bình sẽ đem đến những sản phẩm tốt nhất cho bà con nông dân các tỉnh phía Bắc.
Theo đó, Bình Điền đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Thái Sơn từng bước đưa sản phẩm phân bón Đầu Trâu chất lượng cao đến với bà con các tỉnh phía Bắc bằng những bước đi bài bản và chắc chắn như: Tổ chức các điểm trình diễn, hội thảo, đưa các nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp về để tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, cách sử dụng phân bón hiệu quả.
Tổ chức tập huấn sử dụng phân bón Đầu Trâu cho bà con.
Tổ chức tập huấn cho hệ thống phân phối phân bón Đầu Trâu, thông qua hệ thống phân phối để phục vụ nông dân tốt hơn.
Cứ như thế, sau hơn 10 năm miệt mài và kiên trì với thị trường phía Bắc, phân bón Đầu Trâu đã được nông dân các tỉnh phía Bắc ưa chuộng (có những thời điểm vào vụ phân bón Đầu Trâu không đủ sản lượng để cung ứng cho bà con).
Trước sự phát triển lớn mạnh của thương hiệu “Phân bón Đầu Trâu” và nhu cầu sử dụng phân bón Đầu Trâu tại thị trường phía Bắc ngày càng gia tăng (mỗi năm thị trường này tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn NPK các loại), cùng với điều kiện địa lý xa xôi do Nhà máy sản xuất nằm tại phía Nam nên ảnh hưởng đến khả năng cung ứng phân bón cho bà con mỗi khi vào vụ cũng như làm tăng chi phí vận chuyển và một số chi phí phát sinh khác, năm 2013, Ban Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền quyết định xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền đặt tại tỉnh Ninh Bình.
Và Công ty cổ phần Bình Điền - Ninh Bình ra đời từ đây, đánh dấu một bước phát triển mới của phân bón Đầu Trâu.
Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền là đơn vị thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Công Thương.
Trong những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư có định hướng công ty đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, đến nay công ty là một trong những nhà sản xuất NPK lớn nhất VN và trong những năm gần đây công ty luôn lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất VN.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn mở rộng ra các thị trường các nước trong khu vực như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar…
Với đội ngũ cán bộ gần 100 người có trình độ kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ, cộng với 500 công nhân lành nghề, Bình Điền đã và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, là đơn vị tiên phong trong công tác xuất khẩu phân bón “Made in VietNam” ra các nước trong khu vực với bao bì in ấn bằng tiếng bản địa, được nông dân nước bạn ưa chuộng.
Bình Điền cũng chính là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong ngành phân bón có Hội đồng Khoa học kỹ thuật gồm các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về nông nghiệp; đồng thời có quan hệ chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học để từ đó ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới nhất vào sản phẩm phân bón của mình…
Có thể bạn quan tâm
Chỉ tính riêng năm 2012, toàn thành phố Hà Nội đã có 24 HTX mới thành lập chuyên sản xuất rau an toàn (RAT), đưa số HTX nông nghiệp sản xuất RAT lên trên 100 HTX. Tuy nhiên, khâu đặc biệt quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như phát huy được vai trò "bà đỡ" của các HTX là đầu ra cho sản phẩm hiện vẫn hết sức khó khăn...
Ông Đỗ Hiếu Liêm, 68 tuổi, ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là người đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ nuôi. Đây là mô hình mà ngành Nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng, đồng thời có chủ trương nhân rộng ra những địa phương khác.
Để đạt được những mục tiêu gieo cấy 5.100 ha lúa, năng suất 55 tạ/ha, huyện Yên Phong chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát định hướng của ngành Nông nghiệp, điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch.
Năm 2012, lần đầu tiên huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đưa mô hình nuôi cá lồng bè vào nuôi thí điểm tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc xã Trà Tân). Mô hình này đã thành công và đang được nhân rộng, đem lại hướng sinh kế mới cho người dân bị mất đất vùng thủy điện.
Theo Phòng NN&PTNT thôn huyện Thanh Hà (Hải Dương), năm nay vải thiều sẽ bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 15-6 đến 15-7, muộn hơn năm ngoái 10 ngày.