Cây Cà Phê Đưa Bản Hua Sa B Thoát Nghèo
Trở lại bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay rõ ràng về cuộc sống ấm no đang hiện hữu. Những nương sắn, nương ngô cho thu hoạch thấp ngày xưa nay đã phủ kín màu xanh bát ngát của cây cà phê.
Trước đây, bà con ở bản Hua Sa B canh tác trên diện tích đất nương chủ yếu trồng ngô, sắn năng suất thấp. Thu hoạch xong đất đai bỏ không, bị mưa lũ rửa trôi nên lại thêm bạc màu. Cuộc sống của trên 60% hộ dân trong bản mãi quẩn quanh với cái đói, nghèo. Trưởng bản Lầu Chứ Só dẫn chúng tôi lên thăm vườn cà phê của gia đình, vừa đi ông vừa nói: Hua Sa B có 43 hộ, với 100% dân tộc Mông sinh sống, nay chỉ còn 5 hộ cũng sắp vượt qua được ngưỡng nghèo.
Là trưởng bản và lại là đảng viên nên tôi đã trằn trọc nhiều đêm suy nghĩ, muốn thoát nghèo thì phải chuyển đổi sản xuất, tìm ra giống cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Tôi đi nhiều nơi trong xã, huyện và các huyện lân cận, thấy nhiều vùng cà phê cho thu nhập cao nên nghĩ có thể đây là một hướng đi mới cho bản. Nhưng lại vấp phải cái khó, là vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bởi thời gian cho thu hoạch của cây cà phê ít nhất là 3 năm, đầu tư vào giống và phân bón tốn kém mà nhiều hộ trong bản lại nghèo nên bà con chưa thật sự tin tưởng.
Thế rồi, ông Trưởng bản Lầu Chứ Só đã đi đến quyết định, bàn bạc gia đình chuyển đổi 1ha trồng ngô, sắn sang trồng cà phê. Bởi trong suy nghĩ của ông, mình là cán bộ làm trước, nêu gương thì không cần vận động bà con khắc sẽ theo. Là một trong những hộ đi tiên phong trong bản trồng cây cà phê, nay đã gần 7 năm gia đình ông thuộc diện giàu có nhất trong bản và phát triển thêm được gần 2ha cà phê.
Mỗi năm thu nhập từ cà phê, chăn nuôi, làm ruộng… gia đình thu lãi trên 250 triệu đồng. Nói về quá trình chuyển đổi cây trồng của mình, ông tâm sự: Lúc đầu tôi cũng không dám trồng nhiều cà phê, vì lo thiếu lương thực cho gia đình, cây cà phê bị sương muối, lại chưa biết cách chăm sóc như thế nào. Cái khó nào thì cũng có cách để gỡ, tôi đã lên nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn, đến Hội Nông dân huyện tìm hiểu các mô hình trồng cà phê đạt hiệu quả để tìm đến địa chỉ đó học tập và mượn sách khoa học – kỹ thuật về tham khảo.
Bà con thấy ông thành công bèn học tập theo. Với cách làm như vậy, giờ đây bản Hua Sa B đã có 30 hộ trồng cà phê, trên diện tích 41ha, năng suất trung bình 10 - 12 tấn/ha. Vụ cà phê vừa qua, thu nhập từ cà phê của cả bản lên tới trên 2 tỷ đồng. Đời sống nay đã ấm no, như gia đình ông Mùa Súa Gấu trước đây là một trong những hộ nghèo của bản, nhà có 7 người mà chỉ trông chờ vào mấy nương ngô, sắn. Từ khi chuyển 2ha đất sang trồng cà phê, ông thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Khi đồng vốn dư dả ông đầu tư thêm nuôi gà thả vườn, đàn gà nhà ông hiện có hơn 200 con, mỗi lần xuất cũng thu về cả chục triệu đồng.
Gia đình ông Vừ Gà Lếnh, trồng 3ha cà phê không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, một năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Gia đình bà Mùa Thị Cúc, nhờ vườn cà phê 1ha của gia đình, 2 đứa con bà nay đã học xong trường chuyên nghiệp, có việc làm ổn định ngay tại huyện.
Trưởng bản Lầu Chứ Só đưa chúng tôi đến thăm vườn cà phê nhà ông Vừ Gà Lếnh, khi cả gia đình ông đang tập trung tỉa cành chăm sóc cây. Ông Lếnh chia sẻ: Từ khi chuyển đổi sang trồng cà phê, bà con dân bản ai cũng phấn khởi. Cây cà phê có giá trị kinh tế cao, dù năm vừa qua bán trên thị trường giá thấp 5.000 đồng/kg nhưng gia đình ông cũng thu được lãi 150 triệu đồng.
Trồng cà phê chỉ vất vả, khó khăn trong giai đoạn kiến thiết. Trong giai đoạn ấy, gia đình đã kết hợp với nuôi ong để tận dụng nguồn hoa sẵn có. Không chỉ đem lại giá trị kinh tế, cây cà phê còn phủ xanh đất trống đồi trọc, không còn phải nhìn thấy cảnh từng quả đồi trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch ngô.
Để có được sự thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở bản Hua Sa B, còn có sự đóng góp của các cấp lãnh đạo xã, bản và trưởng bản gương mẫu đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, sản xuất. Không những vậy mà khi thành công trong trồng cây cà phê, trưởng bản đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm với bà con và giúp đỡ cả về vật chất, cho hộ khó khăn vay vốn.
Ông còn mời Trung tâm Khuyến nông huyện đến bản mở lớp huấn luyện kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê và thành lập ra nhóm những người trồng cà phê có kinh nghiệm, cho năng suất cao thường xuyên trao đổi và truyền đạt cho các hộ khác trồng cà phê.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm đảm bảo chất lượng cá ngừ vằn xuất khẩu, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa chỉ đạo các chi cục Thủy sản địa phương sớm chứng nhận các doanh nghiệp của Việt Nam không sử dụng sản phẩm cá ngừ vằn được khai thác bằng phương pháp lưới cản (lưới rê) để xuất khẩu.
Anh Lý Tấn Thành, SN 1968, ngụ tại khóm 5, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) nuôi bồ cầu giống Hà Lan cho thu nhập khá.
Từ cuối năm 2012 đến nay, giá cá ngừ đại dương giảm mạnh khiến nhiều tàu câu cá ngừ đại dương nằm bờ. Bộ NN-PTNT và các địa phương có nghề câu cá ngừ đại dương đang tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn…
Gần 200 năm bén rễ trên đất Thanh Hà (Hải Dương), cây vải tổ Thúy Lâm đã làm nên thương hiệu cho một vùng quê nông nghiệp và trở thành điểm để du khách gần xa tìm về.
Từ khi áp dụng cách thức chăn nuôi mới theo mô hình an toàn sinh học, đến nay, huyện Phú Tân (An Giang) đã có 140 hộ tham gia. Với lợi ích thiết thực, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng được năng lượng biogas để sử dụng trong sinh hoạt, mô hình chăn nuôi mang lợi ích kép này đã được nông dân đánh giá rất cao.