Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hợp Tác Mới Về Chăn Nuôi Bò Sữa Ở Đức Trọng (Lâm Đồng)

Hợp Tác Mới Về Chăn Nuôi Bò Sữa Ở Đức Trọng (Lâm Đồng)
Ngày đăng: 05/01/2013

Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, hợp đồng bao tiêu sản phẩm sữa tươi giữa Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) với 54 hộ nông dân huyện Đức Trọng lần lượt được triển khai trong thời hạn 3 năm. Đây là hợp đồng mở rộng sau thành công của một liên minh thuộc hợp phần Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012.

Liên minh chăn nuôi bò sữa giữa 54 hộ nông dân của xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng là một hợp phần của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, triển khai từ tháng 8/2010 và kết thúc vào tháng 8/2012. Theo đó, từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, 54 hộ nông dân ở đây đã đầu tư nguồn vốn đối ứng để trang bị hoàn chỉnh dây chuyền máy vắt sữa, sửa chữa và xây mới chuồng trại, mua thêm bò sữa giống… Dalatmilk hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa tươi của nông dân, mỗi hộ chăn nuôi trung bình từ 6 - 8 con bò sữa. Ước tính trong 2 năm qua, người chăn nuôi ở xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng đã bán hơn 95% sản phẩm sữa tươi cho Dalatmilk, bán trực tiếp tại nơi thu mua cách nơi chăn nuôi xa nhất chưa quá một cây số, giá bán thường cao hơn giá thị trường bên ngoài trên dưới 15%. Trừ hết mọi chi phí đầu tư, trung bình nuôi mỗi con bò sữa mỗi tháng thu lãi sữa tươi từ 1,5 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng, tăng hơn 10% so với thời gian chưa ra đời liên minh.

Theo ông Lê Hồng Duyên, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò sữa xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, kết quả hợp tác giữa nhà nông và “nhà Dalatmilk” trong 2 năm qua đã chấm dứt gần 15 năm sản xuất và tiêu thụ sữa tươi hết sức bấp bênh, người chăn nuôi thường bị ép giá bán, đời sống khó khăn, hàng ngày vắt sữa bò tươi xong, nông dân đem bán trôi nổi ngoài chợ và chở đi bán cho các đầu mối thu mua cách xa nhà từ 10 - 15 cây số. Bán sữa bò xong có khi đến một tháng hoặc vài tháng sau người chăn nuôi mới nhận được tiền khi đã bị khấu trừ nhiều khoản hao hụt về khối lượng, phẩm cấp sữa hoàn toàn do bên mua áp đặt. “Nay thì người chăn nuôi được trực tiếp cân, đo, đong, đếm… từng lượng sữa rồi nhận tiền nhanh qua tài khoản ngân hàng, giá bán sữa ổn định ở mức cao nhất của giá thị trường cạnh tranh…” - ông Duyên nói.

Mặc dù liên minh “hai nhà” chăn nuôi bò sữa, tiêu thụ sữa bò tươi của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng đã kết thúc khá thành công vào tháng 8/2012, nhưng thời gian tiếp theo đến hết tháng 12/2012, Dalatmilk vẫn đều đặn thu mua sữa bò tươi ổn định của 54 hộ chăn nuôi ở xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng, số lượng thu mua gần như đạt 100% sản phẩm sữa bò tươi hàng ngày. Vừa triển khai thu mua vừa thảo luận với nông dân, đến ngày 1/1/2013, Dalatmilk lần lượt ký hợp đồng thu mua sữa bò tươi của 54 hộ nông dân với thời hạn đến 3 năm. Giá tiêu chuẩn thu mua sữa tươi ổn định là 11.200 đồng/kg, cao hơn giá thị trường bên ngoài khoảng trên dưới 15%. Nông dân bán sữa bò tươi được cân trực tiếp trên chiếc máy phân tích các chỉ tiêu quy định của Dalatmilk, nếu đồng hồ hiển thị chất lượng sữa có độ khô lớn hơn hoặc bằng 12,5%, độ béo lớn hơn hoặc bằng 3,8% sẽ được Dalatmilk thưởng thêm 200 đồng/kg.

Đến thời điểm đầu tháng 1/2013, bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa hợp tác giữa 54 hộ nông dân liên minh với Dalatmilk trước đây, Tổ trưởng Duyên đã tập hợp 94 hộ nông dân ở các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, thị trấn Liên Nghĩa của huyện Đức Trọng và xã Đạ Ròn của huyện Đơn Dương để đề xuất Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng thành lập một liên minh mới với Dalatmilk đến năm 2015. Mỗi hộ nông dân ở “liên minh đề xuất” này đang nuôi từ 3 - 6 con bò sữa.

Số liệu tập hợp của Tổ trưởng Duyên còn cho biết thêm: Toàn xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng hiện có khoảng 120 hộ nông dân nuôi trên dưới 800 con bò sữa, đã nhận thông báo của Dalatmik sẵn sàng ký hợp đồng với nông dân để thu mua sữa bò tươi từ năm 2013 đến hết năm 2015. Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa của ông Duyên cũng đã sẵn sàng “trải thảm” mời gọi những hộ nông dân này vào làm tổ viên, cùng trao đổi những kinh nghiệm phát triển chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Ông Duyên nói: “Việc chăn nuôi bò sữa của 54 hộ gia đình tổ viên Tổ hợp tác của chúng tôi, không chỉ có kinh nghiệm thực tế trên dưới 15 năm mà còn được Dalatmilk tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật mới trong hơn 2 năm qua…”.


Có thể bạn quan tâm

Điêu Đứng Vì Dịch Bệnh Điêu Đứng Vì Dịch Bệnh

Thấy dịch tai xanh và bệnh lở mồm long móng hay bùng phát nên vợ chồng anh Bảy Chiêm Sơn ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) không dám nuôi heo, bò. Đầu tháng 1 dương lịch vừa rồi, anh Bảy mua 1.000 vịt con về thả nuôi thịt mong kiếm thêm nguồn thu nhập. Nuôi được 2 tuần, lo sợ dịch cúm gia cầm gây hại, anh mua vắc xin tiêm phòng cho toàn bộ số vịt ấy.

15/03/2014
Thạch Don Giỏi Trồng Điều Thạch Don Giỏi Trồng Điều

Ở thủ phủ cây điều Bình Phước thì Thạch Don không phải là người có nhiều đất. Gia đình anh hiện có 11ha đất, trong đó đã có 3ha cao su, vậy mà bình quân mỗi năm vẫn thu hơn 20 tấn điều nhân.

18/02/2014
Hàng Trăm Ha Lúa Đông Xuân Có Nguy Cơ Thiếu Nước Hàng Trăm Ha Lúa Đông Xuân Có Nguy Cơ Thiếu Nước

Ông Văn Bá Năm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, do từ đầu vụ đến nay không có mưa nên mực nước các hồ chứa xuống thấp, sông suối cạn kiệt, hàng trăm héc ta lúa đông xuân trên địa bàn huyện có nguy cơ thiếu nước tưới trong giai đoạn trỗ.

15/03/2014
Vựa Lúa Arooi Vựa Lúa Arooi

Nằm lọt thỏm giữa thung lũng Ahúch (Tây Giang), nổi bật lên một màu xanh mơn mởn của những ngọn lúa non - cái cây mà người dân nơi đây gọi là “cây no đủ”.

15/03/2014
Nhân Rộng Điển Hình Xóa Nghèo, Làm Giàu Nhân Rộng Điển Hình Xóa Nghèo, Làm Giàu

Phải chú trọng nhân rộng các điển hình tiên tiến trong xoá nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới là người dân tộc thiểu số. Như vậy Hội mới vững mạnh, tam nông mới phát triển...

18/02/2014