Khánh Hòa Tạo Đột Phá Cho Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một trong những thế mạnh của Khánh Hòa. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm phát triển, nghề này đang gặp khó khi môi trường bị ô nhiễm, đầu ra không ổn định. Tái cơ cấu nghề NTTS, tạo bước đột phá để phát triển bền vững là vấn đề được ngành Nông nghiệp tỉnh nỗ lực thực hiện.
Hướng đến thị trường khó tính
Tỉnh Khánh Hòa đã và đang tiến hành quy hoạch chi tiết đối tượng nuôi ở các vịnh, đầm và vùng nội địa nhằm nâng cao chất lượng, tìm kiếm thêm thị trường thay vì chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc như hiện nay.
Trước đây, phần lớn ao, đìa ở thôn Đông Hà, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa bị bỏ hoang do nuôi tôm thất bại. Tình trạng bỏ hoang sẽ tiếp tục kéo dài nếu như vùng này không được quy hoạch để nuôi trồng rong nho biển Nhật Bản trên vỉ. Nơi đây hiện đã trở thành vựa rong nho thương phẩm, giống và xuất khẩu lớn nhất của tỉnh.
Ông Đặng Ngọc Thoại, chủ một cơ sở nuôi trồng rong nho, cho biết: “Từ trước đến nay, do NTTS tự phát nên sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu mà chỉ xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Đây chính là nguyên nhân khiến người NTTS phải sống chung với điệp khúc “được mùa mất giá”.
Còn bây giờ, do được quy hoạch cụ thể nên người trồng rong nho đã xác định được thị trường tiêu thụ, trong đó chú trọng nhất đến việc xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Anh, Pháp…”.
Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi trồng rong nho để xuất khẩu, ông Lê Nhứt, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Dương Việt Nam cho rằng: “Để vùng nuôi ổn định, bền vững thì nhất thiết phải gắn với đầu ra cho sản phẩm. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi hướng đối tượng nuôi đến nhiều thị trường, nhất là thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Muốn vậy, các cơ sở phải nâng cao chất lượng đối tượng nuôi gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Hiện nay, cách làm của các công ty có vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực NTTS ở Khánh Hòa cho thấy rõ về hiệu quả và tính bền vững của hướng đi này. Cụ thể, Công ty TNHH Marine Farms ASA Việt Nam, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nuôi cá chẽm, cá bớp, cá chim;
Công ty Cổ phần Ngọc Trai Biển Long Beach Pearl nuôi cấy ngọc trai... Các công ty này tổ chức NTTS theo nhiều hình thức khác nhau nhưng đều có điểm chung là áp dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao để xuất khẩu sang các nước như: EU, Mỹ, Nhật Bản…
Nuôi trồng theo chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường
Theo ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, người NTTS trong tỉnh có thể học hỏi kinh nghiệm từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài là hình thành vùng nguyên liệu đa dạng về đối tượng nuôi, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm.
Từ năm 2014, tỉnh triển khai thực hiện “NTTS theo chuỗi giá trị” bằng việc áp dụng quy trình thực hành tốt (VietGap) vào NTTS tại 2 xã Ninh Phú và Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa) trên quy mô 84ha với sự liên kết của hàng trăm hộ và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Theo bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, mối liên kết này vừa tạo ra chuỗi sản phẩm an toàn có giá trị cao, vừa góp phần cải thiện môi trường vùng nuôi thông qua đầu tư nâng cấp cải tạo ao, đìa và hệ thống xử lý nước thải.
Để áp dụng quy trình VietGap trên diện rộng, thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa tập trung ổn định vùng và đối tượng nuôi, như: nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở Ninh Hòa, Vạn Ninh; nuôi tôm hùm lồng ở 4 vùng chính: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh; nuôi cá biển và ốc hương ở Cam Ranh, Vạn Ninh.
Tại đầm Nha Phu, Thủy Triều tiến hành nuôi xen ghép, nuôi các loài thân mềm, nhuyễn thể vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần cải tạo môi trường nước; đồng thời khuyến khích hộ NTTS ở vùng đầm, ven biển trồng cây ngập mặn trong các ao, đìa của chính họ để cải thiện môi trường. Tuy nhiên, vướng mắc cần tháo gỡ hiện nay là sự chồng lấn các dự án du lịch, xây dựng khu dân cư trên vùng NTTS và nhất là vận động để người dân thay đổi tư duy, tập quán nuôi trồng tự phát, nhỏ lẻ.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) có phong trào trồng chuối tây tại các thửa đất đồi bạc màu cho thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Từ đầu năm 2014 đến nay, sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc trở lại, đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài với các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi ngày càng nhiều hơn, giúp cho ngành gỗ ở Quảng Ngãi phục hồi sản xuất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 1 ha quýt đường hiện cho thu nhập gấp nhiều lần so trồng điều hoặc cao su. Tuy nhiên, trồng quýt đường đòi hỏi có sự am hiểu về loại cây này. Trồng 1 ha, tiền đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc khoảng 30-40 triệu đồng.
Vừa qua, tàu vỏ composite câu cá ngừ đại dương của Công ty Yanmar (Nhật Bản) đặt hàng thử nghiệm cho ngư dân Việt Nam đã chính thức hạ thủy. Liệu đã đến lúc, tàu vỏ composite khẳng định vị thế.
Từ thực tế nhiều gia đình thiếu vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, 22 hộ dân ở thôn 8 xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã thành lập Tổ giúp nhau phát triển kinh tế. Qua nhiều năm hoạt động, tổ thực sự đã là chỗ dựa tin cậy cho các tổ viên trong việc xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững trên chính mảnh đất của mình.