Khánh Hòa: Lúa Bị Ngộ Độc?!
Theo báo cáo của Phòng NN- PTNT huyện Vạn Ninh, bệnh xuất hiện đã 2 tháng nay, lúc đầu chỉ vài hecta, sau lan rất nhanh, tập trung chủ yếu ở các xã Vạn Phú, Vạn Bình, Vạn Thắng… Ngay từ khi diện tích lúa bị bệnh và có dấu hiệu lan rộng, UBND huyện đã kết hợp với Chi cục BVTV tỉnh Khánh Hoà và Trung tâm BVTV miền Trung tiến hành thu thập mẫu gửi giám định tại Chi cục Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II ở TPHCM và Viện BVTV ngoài Hà Nội.
Căn cứ vào thực tế bệnh xuất hiện trên đồng ruộng và kết quả gửi mẫu đi giám định ở các cơ quan, đoàn công tác đã thống nhất kết luận hiện vàng lá trên cây lúa ở Vạn Ninh không phải là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá mà là bệnh vàng lá sinh lý (VLSL) kết hợp với bệnh Tungrô. Nguyên nhân gây bệnh VLSL là do vụ ĐX vừa rồi Vạn Ninh được mùa nhất từ trước đến nay nên bà con đã bỏ vụ lạc, thâm canh lúa 3 vụ/năm, vội xuống giống sớm không cho đất nghỉ, không có thời gian vệ sinh đồng ruộng để gốc rạ hoai mục, đất chai và sinh phèn…làm cho lúa bị ngộ độc phân, ngộ độc chất hữu cơ gây vàng lá. Còn bệnh Tungrô là do rầy xanh đuôi đen gây ra. Ngoài ra, Chi cục cũng lưu ý một nguyên nhân nữa là do nông dân gieo cấy không phù hợp chất đất…
Bà Trịnh Thị Thuỳ Linh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Khánh Hoà cho biết: Chi cục khuyến cáo bà con nông dân những biện pháp phòng trừ như: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm nguồn bệnh và có biện pháp chăm sóc kịp thời; trên những chân ruộng lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, bệnh mới xuất hiện rải rác và từng chùm nên nhổ bỏ những cây lúa có triệu chứng bị còi cọc, thấp lùn và có màu vàng đến vàng cam. Đặc biệt, tăng cường chăm sóc cây lúa bằng biện pháp bón vôi với lượng 500kg/ha. Trên những chân ruộng bị ngộ độc bón thêm một đợt DAP và phun phân bón lá, phân vi sinh.
Những chân ruộng bị bệnh nhưng phát hiện có rầy xanh đuôi đen thì sử dụng thuốc trừ rầy để phun…Về lâu dài, Chi cục khuyến cáo không nên gieo sạ liên tục 3 vụ trong năm, cần thực hiện chế độ gieo sạ 2 lúa – 1 màu, cho đất nghỉ ít nhất 20 ngày trước khi gieo cấy… và cần bố trí cơ cấu giống lúa phù hợp…
Tuy nhiên, theo phản ánh của Phòng NN- PTNT Vạn Ninh, đã gần 1 tuần kể từ khi có kết quả giám định và làm theo những khuyến cáo của Chi cục BVTV nhưng bệnh vàng lá trên lúa vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí đang ngày một lan ra diện rộng, không phải 70 ha như báo cáo của Chi cục BVTV nữa mà đã lan ra gần 200ha (!).
Ông Nguyễn Công Hành, Phòng NN- PTNT Vạn Ninh nói: Kết quả này không thuyết phục. Kết luận là lúa bị bệnh Tungrô nhưng mật độ rầy xanh đuôi đen rất ít không thể gây nên bệnh vàng lá trên diện rộng và lây lan nhanh như vậy. Còn nếu kết luận là lúa bị ngộ độc gây VLSL do thâm canh 3 vụ/năm không cho đất nghỉ, đất không được cày ải là không có cơ sở. Bằng chứng là ở các HTX Vạn Phú I, Vạn Phú II đã cày ải hàng trăm hec ta trước khi gieo cấy nhưng vẫn xuất hiện bệnh đến trên 100 ha! Và nói do thâm canh 3 vụ lúa liên tục, gây ngộ độc cho lúa cũng chưa thuyết phục nốt vì nhiều diện tích vụ trước trồng dưa, vụ này trồng lúa cũng vẫn bị vàng lá…
Có thể bạn quan tâm
Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua đã khiến huyện Bảo Yên (Lào Cai) thiệt hại 720 ha ngô. Trong đó: 481,2 ha ngô bị thiệt hại từ 30% - 70%; 238,8 ha ngô bị thiệt hại trên 70%. Các xã có diện tích bị thiệt hại nhiều là: Điện Quan (90,4 ha), Kim Sơn (86,8 ha), Bảo Hà (91 ha), Việt Tiến (33 ha)…
Đến nay, năng suất, chất lượng của hầu hết các loại cây trồng chủ lực đều gia tăng và cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, lĩnh vực này cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nhằm chuyển hẳn sang sản xuất hàng hóa lớn để hội nhập, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.
Ngày 23/7, thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã nhập gần 30 triệu giống cây các loại.
Do tình hình thời tiết năm nay nắng hạn kéo dài, nguồn nước bị nhiễm mặn đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ lúa Hè Thu, đến nay toàn tỉnh Kiên Giang đã gieo sạ được 298.857 ha, đạt 99,23% kế hoạch, đã thu hoạch được 87.845 ha, đạt 29,39% diện tích gieo sạ, năng suất bình quân ước đạt 58,8 tạ/ha.
Những năm qua tỉnh An Giang luôn chú trọng xây dựng và hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo, thực hiện mô hình “cánh đồng lớn”. Trong suốt quá trình thực hiện, tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh lương thực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu; kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào tham gia mô hình; vận động nông dân hợp tác sản xuất theo các HTX hoặc THT để liên kết với doanh nghiệp.