Thực Hiện Đồng Bộ Các Giải Pháp Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Sản Xuất Và Tiêu Thụ Lúa, Gạo
Mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo và giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp xuống còn 7%/năm
Hôm 15-3-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vũ Văn Ninh cùng chủ trì Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng ĐBSCL. Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương có liên quan và lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã tham dự hội nghị.
Các ý kiến tại hội nghị khẳng định sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa, gạo, thủy sản là tiềm năng, lợi thế chủ yếu và là động lực chính để phát triển KT-XH vùng ĐBSCL và đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp lớn cho xuất khẩu.
Thế nhưng gần đây, trong khi sản lượng lúa trong vùng liên tục ổn định ở mức cao thì trái lại, việc tiêu thụ lại hết sức khó khăn khiến cho lợi nhuận giảm sút, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nông dân. Năm 2014, dự kiến sản lượng gạo hàng hóa của toàn vùng là 8,6 triệu tấn, trong đó vụ đông - xuân là 4,3 triệu tấn.
Tuy nhiên từ đầu tháng 3 đến nay, khi vụ đông xuân bước vào thu hoạch rộ, giá lúa đã liên tục giảm thấp; hiện dao động khoảng 4.400-5.000 đồng/kg với lúa thường và 4.500-5.300 đồng đối với lúa chất lượng cao. Theo ước tính của ngành chức năng, trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, toàn vùng sẽ có khoảng 6,36 triệu tấn lúa hàng hóa, tương đương 3,2 triệu tấn gạo, tạo sức ép lớn cho tiêu thụ xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên tình hình xuất khẩu gạo của ta hiện gặp rất nhiều khó khăn; lũy kế đến 10-3-2014, xuất khẩu gạo chỉ đạt 753 nghìn tấn, trị giá 322,6 triệu USD, so với cùng kỳ giảm cả về số lượng (21,97%), về trị giá (24,6%) và về giá (14,96%).
Nguyên nhân khách quan là do các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan, đang có số lượng gạo tồn kho rất cao và đang cạnh tranh quyết liệt để giải phóng lượng hàng tồn này; một số nước có số lượng nhập khẩu lớn đang tập trung đẩy mạnh sản xuất để nâng cao khả năng tự túc lương thực. Về chủ quan, các đại biểu cho rằng cơ cấu sản xuất ngành lúa gạo hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết – nhất là liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp chậm thay đổi, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu sản xuất quy mô lớn và chất lượng cao. Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa từ giống lúa thông thường sang lúa thơm, lúa chất lượng cao cũng chưa đạt kết quả đáng kể. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị của hạt gạo, còn chậm...
Để giải quyết khó khăn trước mắt cho nông dân, các đại biểu đề nghị Chính phủ hỗ trợ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân năm nay ở vùng ĐBSCL; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ.
Về lâu dài, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan, ngành chức năng và các địa phương sớm triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cơ cấu lại sản xuất, như: rà soát điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch ngành nông nghiệp của vùng để sớm triển khai kế hoạch giảm 112 nghìn héc-ta đất giao trồng lúa, đảm bảo hợp lý và hiệu quả giữa tỷ lệ sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu và nuôi trồng thủy sản. Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ gieo trồng lúa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao.
Chỉ đạo đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu. Có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ về tài chính đối với các doanh nghiệp tham gia thực hiện các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Sản xuất nông nghiệp được xem là nền tảng, là "trụ đỡ" đối với nền kinh tế và ổn định xã hội của ta, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trước thực tiễn sự tăng trưởng liên tục và toàn diện của nông nghiệp gần đây chậm lại, người lao động trong nông nghiệp còn khó khăn, đã đặt ra yêu cầu cần khẩn trương tái cơ cấu nông nghiệp lại theo hướng bền vững, hiệu quả.
Theo Thủ tướng, để làm được điều đó, có nhiều việc cần giải quyết kịp thời, đồng bộ, nhưng trước mắt các bộ, ngành, địa phương cần tìm mọi cách đưa nhanh công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tăng giá trị, giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận cho nông dân; tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ, gắn người nông dân vào chuỗi tiêu thụ ấy. Bên cạnh đó, cần rà soát lại chính sách hỗ trợ, cả chính sách tài chính và chính sách tín dụng cho nông nghiệp; tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội cho nông nghiệp và nông thôn.
Hiện nay, nông nghiệp đóng góp 19% GDP cả nước nhưng sử dụng đến 48% lao động, để giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn khoảng 20%, cần khuyến khích tối đa để doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, gắn với đào tạo nguồn nhân lực để chuyển lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, cận nghèo, đặc biệt là ở nông thôn.
Riêng đối với ĐBSCL, Thủ tướng nhấn mạnh: Tiềm năng chủ yếu của vùng là lúa, cá tôm, trái cây..., lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL phải xác định tập trung vào các lĩnh vực này để đi lên nên cần quan tâm chỉ đạo thật sâu sát, kịp thời nhằm giải quyết các vướng mắc.
Cùng với việc chỉ đạo Bộ Công thương tăng cường tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ lúa, gạo, Thủ tướng cũng quyết định đồng ý mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân 2013-2014 ở vùng ĐBSCL, thời gian tạm trữ là 4 tháng kể từ ngày 15-3-2014. Cũng bắt đầu từ thời gian này, Thủ tướng yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu đãi xuống còn 8%/năm, riêng cho vay lĩnh vực nông nghiệp lãi suất là 7%/năm.
Các địa phương trong vùng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để nghiên cứu có phương án tái cơ cấu mùa vụ, giảm diện tích lúa hè thu; rà soát lại tất cả các chính sách về nông nghiệp nông thôn để hoàn thiện, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân vùng ĐBSCL ngày càng phát triển ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Riêng cô Huỳnh Kim Đào quyết tâm tìm hiểu, dự hội thảo về khoa học kỹ thuật, tự tích lũy kinh nghiệm để tiếp tục theo đuổi cây nấm linh chi. Mặt khác, cô tự tìm đến các công ty sản xuất phôi để tìm phôi giống, đồng thời lo luôn đầu ra cho sản phẩm.
Với việc triển khai Đề án cơ giới hóa đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa (bình quân giảm 4,3 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công). Tổng nguồn vốn mà người dân vay để mua máy gặt đập liên hợp là 34,227 tỉ đồng.
Chanh lai bông tím là loại cây khá dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, đặc biệt được thị trường ưa chuộng. Chanh lai bông tím được xem là giải pháp tốt giúp bà con nhà vườn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch chổi rồng trên nhãn.
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ trên tỉnh Bình Thuận liên tục tăng với tốc độ cao. Trước sự tăng trưởng của phụ tải thanh long, ngoài việc nỗ lực đầu tư của ngành điện, Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận) đã có nhiều chương trình hỗ trợ tích cực cho nông dân.
Hiện nay, thanh long ruột trắng đang ở thời điểm nghịch mùa, trong khi thanh long ruột đỏ vẫn còn cho trái mùa thuận nên giá hai loại thanh long này chênh lệch nhau không nhiều. Tuy nhiên, giá thanh long thời điểm này ở mức rất cao, nhất là thanh long ruột trắng nên nông dân trồng thanh long rất phấn khởi do có lợi nhuận cao.