Đẩy Mạnh Cơ Giới Hóa Sản Xuất Nông Nghiệp
Theo thống kê của Sở NN và PTNT, hiện nay toàn tỉnh Nam Định có trên 7.716 máy làm đất, 2.464 công cụ gieo sạ hàng, 4.288 máy tuốt lúa, 230 máy gặt đập liên hợp, góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất, giảm công lao động nặng nhọc cho nông dân. Tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất đạt 100%, tuốt lúa đạt 100%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 25%, cơ giới hoá khâu gieo sạ hàng đạt 25,3%.
Phương thức gieo sạ hàng trong sản xuất lúa là một tiến bộ kỹ thuật với ưu thế giảm phần lớn công lao động nặng nhọc từ khi gieo mạ, cấy, lượng thóc giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa 7-10 ngày, năng suất tăng 10-15%... so với phương thức cấy truyền thống.
Huyện Nam Trực là địa phương đi đầu trong việc cơ giới hóa khâu gieo sạ hàng. Đồng chí Nguyễn Xuân Hưởng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Vụ xuân năm 2011, huyện xây dựng mô hình thí điểm gieo sạ hàng, mặc dù thời tiết khó khăn nhưng năng suất lúa bình quân của mô hình đã đạt trên 70 tạ/ha.
Đây là động lực để huyện tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích gieo sạ hàng trong vụ xuân tiếp theo. Huyện yêu cầu các xã, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể vận động nông dân tổ chức gieo sạ lúa xuân ở tất cả những diện tích ruộng chủ động nước, đồng thời, chỉ đạo chặt chẽ từ khâu làm thủy lợi nội đồng, làm đất, lấy nước để tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân mở rộng diện tích ruộng gieo sạ hàng. Nhờ đó vụ xuân năm nay, tỷ lệ gieo sạ hàng của toàn huyện đạt 50% tổng diện tích gieo cấy.
Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua đã làm một số diện tích lúa gieo sạ, lúa cấy ở các địa phương chết rét phải cấy dặm, cấy lại, nhưng riêng huyện Nam Trực thiệt hại thấp nhất, đặc biệt hầu hết diện tích gieo sạ hàng của các xã Nam Mỹ, Tân Thịnh, Đồng Sơn, Nam Tiến… ít bị thiệt hại.
Những năm gần đây thông qua Chương trình hỗ trợ khuyến khích phát triển một số ngành nghề nông thôn theo Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 28-10-2011 và Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ngày 26-6-2013 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp để cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh, Sở NN và PTNT đã vận động nông dân đầu tư mua máy gặt đập liên hợp. Thu hoạch lúa bằng máy mang lại hiệu quả rõ rệt như: Giảm tổn thất khâu thu hoạch, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, giảm ô nhiễm môi trường do tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch, nhất là giảm hẳn giá dịch vụ so với gặt thủ công.
Bà Nguyễn Thị Phương, nông dân xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) cho biết: “Trước đây, mỗi khi vào mùa vụ thu hoạch lúa, chúng tôi “đỏ mắt” thuê người, công gặt từ 180-200 nghìn đồng/ngày, cộng thêm công tuốt hạt 40-50 nghìn đồng/sào, chưa kể vận chuyển tốn nhiều công sức hơn... Từ khi đưa máy vào thu hoạch, nghề nông của chúng tôi nhàn hơn hẳn. Hiện chúng tôi thuê gặt máy chỉ từ 130-150 nghìn đồng/sào, so với gặt thủ công thì chi phí giảm khoảng 100 nghìn đồng/sào”.
Trong khâu phơi sấy, sơ chế, bảo quản, các địa phương đã quy hoạch xây dựng và hiện đại hóa hệ thống các nhà máy sấy lúa, xay xát, chế biến lúa gạo. Đến nay toàn tỉnh có 3.692 máy cỡ vừa và nhỏ; có 98 lò, máy sấy tập trung ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Đối với các cơ sở thu gom cà chua và dưa chuột bao tử ở vùng nguyên liệu trong tỉnh, việc sử dụng các loại thiết bị, máy móc sơ chế nông sản góp phần giảm tổn thất đáng kể sau thu hoạch.
Một điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở tỉnh là hầu hết các địa phương trong tỉnh đã và đang thực hiện DĐĐT đất nông nghiệp. Thông qua DĐĐT, các xã, thị trấn đã vận động các hộ nông dân góp đất, góp công, kinh phí, huy động hàng trăm máy xúc đào đắp đường giao thông, thủy lợi nội đồng kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng.
Hơn 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã đắp được 5.319km đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong đó, các địa phương đã cứng hóa được 1.071km. Việc từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác.
Tuy nhiên để cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa cần khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đó là quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ; tính hợp tác thấp nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu tư các loại máy có công suất lớn.
Do yêu cầu né tránh dịch bệnh và đảm bảo thời vụ gieo cấy, khoảng cách giữa thu hoạch vụ đông xuân và làm đất gieo cấy vụ hè thu rất ngắn, ở nhiều địa phương trong tỉnh năng lực hiện có của các máy làm đất chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy cần tăng cường đầu tư thêm các máy làm đất cỡ trung có công suất từ 20HP trở lên.
Việc đầu tư máy làm đất cỡ trung còn giải quyết được các khó khăn mà khi sử dụng máy làm đất công suất nhỏ không khắc phục được tại chân ruộng sử dụng máy gặt đập liên hợp khi thu hoạch như: gốc rạ dài, mặt ruộng bị dồn nén tại các góc...
Tỷ lệ thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp vẫn thấp do thiếu máy nên rất cần Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy gặt đập liên hợp. Hiện nay, vẫn còn khoảng 20-30% sản lượng thóc, 10-20% sản lượng rau, củ, quả chưa được sơ chế, phơi sấy kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng, gây tổn thất về cả lượng và chất. Nguyên nhân do sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quyết liệt.
Đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn, lực lượng vận hành máy hầu hết chưa được đào tạo bài bản; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu khi đưa các loại máy nông nghiệp vào sản xuất; các cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy nông nghiệp còn chưa được hình thành. Vai trò của HTXDVNN trong thực hiện dịch vụ cơ giới hóa còn mờ nhạt. Để đẩy mạnh cơ giới hóa, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục đổi mới đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Tăng cường đào tạo, tập huấn, tham quan học tập mô hình, thông tin tuyên truyền về kỹ thuật cơ giới hóa. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng, hoàn thành các vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung.
Củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để các HTXDVNN đủ năng lực làm nòng cốt trong quá trình thực hiện cơ giới hóa. Đẩy mạnh phát triển các cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Có thể bạn quan tâm
Đó là mô hình liên kết nuôi thỏ ngoại (Newzealand) của gia đình anh Hoàng Văn Thanh ở thôn Va, xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang).
Ông Trần Quốc Hải và Trần Quốc Thanh (ấp 2, xã Suối Dây, H. Tân Châu, Tây Ninh) mày mò học hỏi, nghiên cứu chế tạo thành công máy trồng và thu hoạch khoai mì. Chiếc máy ra đời hỗ trợ đắc lực cho nông dân trồng khoai mì ứng dụng cơ giới hóa. Đặc biệt, ngoài việc trồng khoai mì, có thể ứng dụng máy vào việc phun thuốc trừ sâu, bón phân, làm cỏ, vun hàng và thu hoạch khoai mì...
Ông Nguyễn Xuân Quốc - Trưởng phòng Kinh doanh XNK Công ty Cổ phần Đại Thuận (Tashun) cho biết, hiện nay thương lái Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ xô đến các bến bãi để tranh giành thu gom nguyên liệu. Họ mua tất cả các loại hải sản với đủ mọi kích cỡ, chất lượng khác nhau và với giá cao hơn giá bán cho những người thu gom ở trong nước, sau đó đóng hàng lên xe bảo ôn và đưa về Trung Quốc
Ngày 30.6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các bộ, ngành đã có buổi làm việc tại tỉnh Hà Nam về việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, nghề dệt truyền thống của người dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng đã bị mai một nhiều. Trong đó, làng dệt của người thiểu số dưới chân núi Lang Bian là một điển hình.