Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khai Thác Cây Lâm Sản Ngoài Gỗ Gắn Phát Triển Với Bảo Tồn

Khai Thác Cây Lâm Sản Ngoài Gỗ Gắn Phát Triển Với Bảo Tồn
Ngày đăng: 11/11/2014

Với diện tích rừng tương đối lớn, Việt Nam có nhiều loài lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều loài LSNG chưa được khai thác, bảo tồn hiệu quả, thậm chí có nguy cơ biến mất.

Chính vì vậy, tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề Phát triển cây lâm sản ngoài gỗ vùng miền núi phía Bắc, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như định hướng giúp bà con khai thác, phát triển LSNG một cách hiệu quả.

Giàu tiềm năng

Với 2.000 loài lâm sản ngoài gỗ (LSNG) là cây thân gỗ; 3.000 loài cho dược liệu; 400 loài cho lương thực thực phẩm, thức ăn gia súc; 500 loài cho tinh dầu, LSNG được coi là lĩnh vực có vị trí quan trọng trong ngành lâm nghiệp (chiếm 20 – 25% giá trị sản xuất lâm nghiệp hàng năm). LSNG gắn liền với cuộc sống của 24 triệu đồng bào miền núi sống trong và gần rừng, có nơi nguồn thu từ LSNG chiếm 10 – 20% trong thu nhập kinh tế hộ gia đình. Gây trồng LSNG trên diện tích đất lâm nghiệp được giao hoặc khai thác, thu hái LSNG từ rừng tự nhiên và chế biến LSNG đã thu hút hàng vạn lao động khu vực nông thôn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2014, có khoảng 36/63 tỉnh gây trồng, thu hái LSNG với diện tích 1,6 triệu hecta, chiếm 13% diện tích đất có rừng trong phạm vi toàn quốc, trong đó diện tích LSNG có khả năng khai thác, thu hái từ rừng tự nhiên là 1,1 triệu hecta; diện tích LSNG được trồng là 469.794ha. Cơ cấu các loại cây LSNG chủ yếu là tre, nứa, trúc 769.411ha (chiếm 47%); song, mây 381.936ha (22,4%); thông nhựa 255.728ha (15,6%); quế 80.991ha (4,9%). LSNG của Việt Nam xuất khẩu sang gần 90 nước và vùng lãnh thổ.

Hiện, ở Việt Nam có gần 4.000 loài cây có giá trị cung cấp nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe cho con người, 216 loài tre trúc và 30 loài song mây có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hiện có ít nhất 150 mặt hàng LSNG đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực thương mại như: mật ong, nấm, các loại hương liệu, song, mây, tre, trúc,… Đây cũng là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế.

Theo PGS.TS.Nguyễn Huy Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), trữ lượng gỗ của rừng tự nhiên nhiệt đới chiếm chưa tới 50% tổng sinh khối của rừng, còn LSNG có thể chiếm hơn 50% tổng sinh khối. Vì thế, LSNG có vai trò hết sức quan trọng trong các hệ sinh thái rừng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu như hiện nay.

Hơn nữa, LSNG rất đa dạng về thành phần loài và dạng sống, từ các loài thực vật đến động vật và vi sinh vật, từ các loài sinh vật có kích thước khổng lồ đến các sinh vật có kích thước rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chúng tạo nên một cấu trúc không gian hợp lý để chung sống với nhau nhằm cân bằng sinh thái, điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn và rửa trôi đất.

Tuy nhiên, ông Sơn nêu một thực tế, do cách khai thác theo kiểu tận diệt, chưa có các biện pháp bảo tồn nguồn gen hiệu quả nên nhiều loài LSNG đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Theo các nhà khoa học, cứ sau 20 phút, trên phạm vi toàn cầu lại có thêm 1 loài động vật hoặc thực vật bị tuyệt chủng.

Trong vòng 50 năm gần đây, tốc độ tuyệt chủng của các loài vi sinh vật đã tăng lên 40 lần so với thời kỳ cách mạng công nghiệp. Tại Việt Nam, ghi nhận trong những năm qua có tới 10 loài quý hiếm đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên; ngoài ra còn có 882 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

Nhiều mô hình hiệu quả

Để giúp người dân khai thác hiệu quả các loài LSNG, từ đó góp phần bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, từ nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình trồng các loài cây LSNG mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, như trồng cây mây K83, mắc-ca, quế, thảo quả, sở, sơn tra,…

Đơn cử như mô hình trồng cây mây K83 được triển khai tại Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh với diện tích 454ha, 420 hộ tham gia; cây sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với nhiều điều kiện lập địa, dễ trồng, năng suất cao gấp 3 lần mây nếp truyền thống. Tuy dự án mới triển khai được 2 năm nhưng chiều cao cây trung bình đã đạt 70 - 85cm, đường kính gốc đạt từ 1,5 - 2cm, tỷ lệ sống trung bình đạt 92%.

Cây mây K83 trồng 1 lần cho thu hoạch thời gian từ 30 - 40 năm sau, sợi mây K83 bóng trắng tự nhiên, dẻo bền, mịn thớ. Sau 4 - 5 năm có thể thu hoạch được 3 – 4 tấn/ha, với giá thu mua hiện tại là 3,5 triệu đồng/tấn thì 1ha có thể thu được 10 – 14 triệu đồng.

Dự án trồng cây LSNG dược liệu ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Giang với các loài như ba kích, kim tiền thảo, sa nhân (diện tích 180ha, 940 hộ tham gia) cũng thu được kết quả khả quan. Tỷ lệ sống đạt trên 85%, cây sinh trưởng, phát triển tốt, không có sâu bệnh hại.

Cụ thể như ba kích, sau năm đầu cây bắt đầu bám giá thể, sang năm thứ hai 100% số cây đã leo giàn. Hiện, 100% số cây trong mô hình đã có củ, tuy nhiên chưa cho thu hoạch vì để đạt năng suất và tính dược liệu tốt nhất thì phải sau 5 năm mới tiến hành thu hoạch.

Theo tính toán sơ bộ, với 1ha cây ba kích, sau 5 năm trồng, người dân sẽ thu được lợi nhuận khoảng 228 triệu đồng; mô hình trồng kim tiền thảo đạt khoảng 79 triệu đồng/ha. Theo TS.Nguyễn Viết Khoa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình trồng kim tiền thảo giúp bà con nâng cao thu nhập vì kim tiền thảo được trồng chủ yếu dưới tán vải hoặc diện tích cây ăn quả vườn nhà, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.

Dự án trồng cây LSNG làm thực phẩm triển khai ở 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái (diện tích 213,6ha, 270 hộ tham gia) với các loại cây thảo quả, măng Bát độ cũng đang phát triển tốt. Với cây thảo quả, tỷ lệ cây sống đạt 88%, cây sinh trưởng phát triển tốt, thân sinh khí to, mập, mỗi khóm có từ 4 – 5 cây, chiều cao trung bình 2,8m, đường kính gốc bình quân 2,5cm, cây không bị sâu bệnh và đã cho quả bói, dự kiến sau 5 năm trồng, năng suất đạt 150kg quả/ha. Với cây măng tre Bát độ, tỷ lệ cây sống đạt 86%, mỗi khóm có 2 – 3 cây tre, chiều cao trung bình 4,5m, đường kính gốc 3cm, năng suất bình quân sau 5 năm dự kiến đạt 70 – 80 tấn/ha.

Tăng cường công tác quản lý

Từ hiệu quả của những mô hình trên, có thể khẳng định, phát triển LSNG là một trong những hướng đi để khai thác bền vững tài nguyên rừng, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, vừa là giải pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Vì vậy, theo ông Sơn, việc quản lý tài nguyên LSNG phải được chú trọng tương đương với các loại lâm sản khác và phải được đưa vào Luật Bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm ngoài gỗ cũng phải được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, cần có phương án đánh giá, phân loại LSNG theo thứ tự ưu tiên, từ những loài có giá trị cao đến thấp theo từng vùng sinh thái hoặc theo từng địa phương để có phương án bảo tồn, phát triển, nhất là những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật chọn tạo giống, gây trồng, khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm, chuyển giao cho nông dân để bà con gây trồng, khai thác hiệu quả. Đề xuất các cơ chế, chính sách để khuyến khích bảo tồn và phát triển các loài LSNG gắn với bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời nghiên cứu thị trường và tiêu chuẩn chất lượng của từng loại LSNG để đảm bảo giá cả ổn định.

Theo TS. Trần Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trên cơ sở kết quả của những mô hình đã xây dựng, trong thời gian tới, lực lượng khuyến nông sẽ tăng cường năng lực cho người dân để phát triển một số loài LSNG có giá trị hàng hóa theo các nhóm loài như làm dược liệu, thực phẩm, nguyên liệu chế biến.

Nâng cao năng suất, chất lượng thông qua giới thiệu tiến bộ kỹ thuật về giống mới có năng suất, chất lượng cao, sản xuất bằng phương pháp mô, hom thích ứng với điều kiện kập địa trồng khác nhau, đồng thời giới thiệu các kỹ thuật canh tác để tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Ngoài ra, các địa phương, ngành chức năng cũng cần tạo mối liên kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm với nông dân nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa ổn định cho một số loài LSNG. Gắn phát triển với bảo tồn LSNG, nâng cao nhận thức cho người dân để bảo tồn các loài LSNG quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Khai-thac-cay-lam-san-ngoai-go-Gan-phat-trien-voi-bao-ton-108-47870.html


Có thể bạn quan tâm

Nông dân Hà Nội có nguy cơ đổ nợ ngân hàng vì nuôi gà thua lỗ Nông dân Hà Nội có nguy cơ đổ nợ ngân hàng vì nuôi gà thua lỗ

Trước thực trạng nuôi gà thua lỗ, hàng trăm hộ nông dân ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội đang đứng ngồi không yên trước nguy cơ đổ nợ ngân hàng.

10/10/2015
Loạn thương hiệu thực phẩm sạch Loạn thương hiệu thực phẩm sạch

Do được gắn mác “sạch”, “an toàn” nên giá của nhiều loại thực phẩm cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giá thị trường. Tuy nhiên, để có thể được công nhận là thực phẩm an toàn thì yêu cầu phải có quy trình chăm sóc, kiểm tra gắt gao theo quy định.

10/10/2015
Nhân điều Việt Nam chiếm 50% giá trị xuất khẩu toàn cầu Nhân điều Việt Nam chiếm 50% giá trị xuất khẩu toàn cầu

Dự kiến trong năm nay, kim ngạch nhân điều xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,2 tỉ USD, chiếm gần 50% giá trị thương mại nhân điều toàn cầu.

10/10/2015
Chưa thể công bố giá sàn cá tra Chưa thể công bố giá sàn cá tra

Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, cho biết đang tạm gác việc tính toán và công bố giá sàn cá tra theo quy định tại nghị định 36 năm 2014 của Chính phủ

10/10/2015
Thị trường đường thế giới có thể thiếu hụt tới 5,6 triệu tấn do El Nino Thị trường đường thế giới có thể thiếu hụt tới 5,6 triệu tấn do El Nino

Thị trường thế giới sẽ thiếu nhiều đường hơn so với tất cả những dự báo trước đây bởi El Nino mạnh nhất trong vòng gần 2 thập kỷ đang ảnh hưởng tới sản lượng của nhiều quốc gia, từ Ấn Độ đến Trung Quốc.

10/10/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.