Câu chuyện về sinh sản nhân tạo giống thủy sản
Dù nhiều năm theo dõi mảng thủy sản nhưng chúng tôi cũng rất khó xác định chính xác việc sinh sản nhân tạo giống thủy sản được bắt đầu từ lúc nào và ai là người đầu tiên áp dụng thành công, nhưng có lẽ, những thành tựu trong nhân giống thủy sản nhân tạo ở Tiền Giang được phát triển nhanh vào những năm 1980, khởi đầu từ cá vẫy (cá chép, mè, sặc, lóc...).
Lúc này, các kỹ sư đã dùng kích dục tố, chủ yếu là HCG (Human Chorionic Gonadotropin), để thực hiện quy trình sinh sản giống nhân tạo. Nhờ vào kỹ thuật sinh sản nhân tạo, tỉnh đã cung ứng một lượng lớn con giống có chất lượng, đồng đều về kích cỡ, với giá bán phù hợp. Lúc này, Tiền Giang nổi lên như một trung tâm sản xuất, ương nuôi, cung ứng con giống cho cả khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành khác; tập trung chủ yếu ở huyện Cai Lậy và Cái Bè.
Phong trào nuôi cá da trơn theo quy mô công nghiệp, chủ yếu là cá tra, basa và cá hú bắt đầu phát triển mạnh ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp; nơi thuận lợi trong việc tìm nguồn giống tự nhiên được sinh sản từ Biển Hồ mang về, lan dần về Tiền Giang vào những năm cuối của thập niên 1990. Khi nguồn giống sinh sản tự nhiên ngày càng hạn chế, người nuôi bắt đầu tìm cách sinh sản giống nhân tạo các loại cá da trơn.
Từ thành công của việc sinh sản cá vẫy được tiếp tục ứng dụng trên các loại cá da trơn, đầu tiên được áp dụng trên cá tra, bởi tính năng dễ sinh sản và dễ tìm nguồn cá bố mẹ. Giai đoạn này, rất nhiều người đi săn lùng mua cá tra được nuôi lâu năm trong ao của nhà dân, có trọng lượng lớn về làm nguồn cá bố mẹ. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp vẫn là các địa phương đi đầu trong phong trào sinh sản nhân tạo cá da trơn. Mặc dù đi sau, nhưng Tiền Giang đã trở thành tỉnh sinh sản nhân tạo thành công cá tra của vùng ĐBSCL với quy mô lớn.
Ngoài sinh sản nhân tạo thành công cá tra, tỉnh đã nhanh chóng xuất hiện nhiều mô hình sinh sản các loại cá da trơn khác. Đó là cá hú, ba sa, nhóm đối tượng khó cho sinh sản nhân tạo. Một trong những người gắn bó nhiều năm với sinh sản thủy sản nhân tạo là các kỹ sư: Nguyễn Văn Dương, ở xã An Thái Trung (huyện Cái Bè), Nguyễn Văn Xem ở xã Nhị Quý, (huyện Cai Lậy)...
Nếu như kỹ sư Dương là người rất thành công trong việc ứng dụng sinh sản nhân tạo cá tra từ những ngày đầu, thì kỹ sư Xem đã rất thành công trong việc ương nuôi cá giống. Năm 1999, kỹ sư Dương tham gia dự án sản xuất nhân tạo cá hú, ba sa với Công ty Thủy sản Tiền Giang trước đây. Dự án ban đầu được đặt tại Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (Cái Bè), sau đó, được chuyển cụm nuôi cá bè đặt tại cồn Tân Long, với lực lượng kỹ sư được đào tạo bài bản và hàng triệu con cá hú bột được sinh sản tại đây trước khi chuyển đi ương nuôi.
So với các tỉnh, thành khác Tiền Giang có lợi thế hơn về sản xuất giống thủy sản nước ngọt bởi Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ, trực thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II được đặt tại xã An Thái Trung (Cái Bè). Với diện tích khoảng 20 ha, chia thành 50 ao ương nuôi, cùng đội ngũ kỹ sư có tay nghề cao, đây là trung tâm sản xuất và bảo tồn giống thủy sản nước ngọt có quy mô lớn cho cả khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã thành lập Trại Giống thủy sản nước ngọt Cổ Lịch, trực thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi năm có thể sản xuất từ 600-700 triệu con cá bột tùy theo nhu cầu đặt hàng của khách hàng. Hiện hai trung tâm sản xuất giống này sản xuất nhân tạo thành công nhiều loại cá quý hiếm như: Cá Hô, Ét mọi...
Cách đây hơn chục năm, khi phong trào nuôi tôm công nghiệp bắt đầu phát triển mạnh ở các huyện phía Đông, nhất là các xã ven biển Gò Công, yêu cầu về sản xuất con giống tôm sú được đặt ra. Trước nhu cầu trên, Công ty Thủy sản Tiền Giang đã thành lập Trung tâm Sản xuất tôm giống, chủ yếu là tôm sú, được đặt tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Gò Công Đông (nay là huyện Tân Phú Đông). Trung tâm có nhiệm vụ sản xuất tôm sú giống phục vụ cho nhu cầu nuôi của công ty và cung ứng cho các hộ dân có nhu cầu con giống. Quy trình sản xuất, ương nuôi tôm sú được thiết lập và hàng triệu con tôm sú giống được sản xuất thành công.
Tuy nhiên, việc sản xuất nhân tạo tôm sú giống đã được thực hiện thành công từ năm 1985 tại Nha Trang, nên việc sản xuất tôm sú giống thành công ở Cồn Cống một phần cũng nhờ vào những mô hình trước đó. Khi nhu cầu nuôi tăng nhanh, con giống không đáp ứng đủ, nhiều cơ sở sinh sản nhân tạo giống tôm sú của tư nhân được mở ra trên vùng đất Gò Công. Hiện nay, việc sản xuất giống tôm sú đã tạm lắng, do phong trào nuôi tôm không còn phát huy hiệu quả cao.
Tương tự, đối với con nghêu giống, khi phong trào nuôi nghêu vào giai đoạn phát triển, việc sản xuất con nghêu giống được tính đến. Ngoài việc hình thành trung tâm sản xuất nghêu giống trực thuộc Sở NN&PTNT được đặt tại xã Tân Thành (Gò Công Đông), nhiều cơ sở sản xuất nghêu giống tư nhân được hình thành, đáp ứng tốt nhu cầu nuôi của người dân trong khu vực và các tỉnh lân cận.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, chất lượng con giống là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến chất lượng sản phẩm nuôi. Tuy nhiên, hiện nay thực chất lượng con giống đang có xu hướng giảm dần, biểu hiện rõ nhất là tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương nuôi có xu hướng tăng lên. Vì vậy, thời gian tới, cần đẩy mạnh việc liên kết giữa người làm con giống với doanh nghiệp, để người sản xuất giống thực hiện đúng quy trình, với giá bán phù hợp hơn.
Có thể bạn quan tâm
Từ ngày 17 - 21/5, Công ty TNHH Nông lâm sản Nam Việt, TP Hồ Chí Minh (gọi tắt Công ty Nam Việt) đã tổ chức thu mua 20 tấn xoài cát của 50 xã viên HTXNN 2 Cát Hanh (Phù Cát - Bình Định) tham gia liên minh sản xuất (LMSX) và tiêu thụ xoài cát - Phù Cát bền vững.
Tại một buổi đấu giá diễn ra ở Chợ bán buôn Trung tâm Sapporo thuộc phía Bắc Hokkaido (Nhật Bản) vào hôm 24-5, cặp dưa vàng Yubari đã được bán với giá 1,6 triệu yên (hơn 331 triệu đồng Việt Nam). Đây là mức giá cao thứ ba từng được trả cho giống dưa vàng danh tiếng
Trước đây, đời sống của gia đình anh Trần Văn Lợi, ở làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh - Bình Định) rất khó khăn. Năm 2003, anh vay vốn mua 5 con dê, trị giá 10 triệu đồng về nuôi thử, một năm sau 4 con dê cái đẻ 16 dê con (một năm dê đẻ hai lứa, mỗi lứa hai con).
Lão ngư Phạm Đáng, chủ tàu cá PY 92447 ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, chuyến biển mới đây, tàu của ông nằm ngoài khơi đến cả tháng trời, câu được có vài con cá, bán được hơn 22 triệu đồng, tính ra lỗ đến hơn 150 triệu đồng. Tương tự như ông Đáng, sợ thua lỗ, nhiều ngư dân ở tỉnh Phú Yên chấp nhận nằm bờ.
Ngành chăn nuôi nước ta có sản lượng thịt heo đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á (chiếm 42,2%), thứ 2 châu Á (chiếm 5%), thứ 6 thế giới (chiếm 2,8%). Sản lượng thịt vịt đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (chiếm 22,4%). Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng đầu trong các nước ASEAN và thứ 12 thế giới…