Khá Lên Nhờ Trồng Mai Xen Mít Siêu Sớm
Mít Thái Lan siêu sớm là cây trồng cho trái quanh năm với năng suất, lợi nhuận cao; còn mai vàng là cây trồng “không thể thiếu” trong những ngày “năm hết tết đến”. Nắm bắt cơ hội này, nhiều nông dân tại TX Bình Minh (Vĩnh Long) đã vươn lên làm giàu nhanh chóng nhờ trồng mai vàng xen mít Thái Lan siêu sớm.
Những ngày này, chúng tôi có dịp trở lại phường Cái Vồn (TX Bình Minh). Thật vui khi gặp lại anh Trần Ngọc Thành- một nông dân sản xuất giỏi, vươn lên thoát nghèo nhờ “không để đất trống”. Bởi, “hễ thấy đất trống là không chịu nỗi, phải trồng ngay một loại cây gì đó để tăng thu nhập”.
Sau 3 năm gặp lại, anh đã cất căn nhà 1 lầu, 1 trệt khá khang trang. Đó là thành quả của những tháng ngày cần cù lao động, biết đầu tư theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Sau thời gian đầu tư nhiều loại cây ăn trái, hiện anh tâm đắc nhất là trồng 1.000 gốc mai vàng xen trong 7 công vườn trồng mít siêu sớm.
Chỉ tính riêng tiền bán mai, anh đã có thể bỏ túi rủng rỉnh vài chục triệu đồng. Còn với 700 gốc mít siêu sớm thì cho năng suất khá cao, khoảng 40 tấn trái/năm, lại “được cái là thu hoạch bao nhiêu thì thương lái mua hết bấy nhiêu”. Thời điểm này, mít siêu sớm được thương lái thu mua với giá 12.000 đ/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm.
Theo anh Thành: Gọi là mít siêu sớm là vì từ khi trồng đến khi xử lý cho trái chỉ khoảng 18 tháng. Đây là cây khá “dễ tính” nên được trồng nhiều nơi. Quan trọng là phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật thích hợp để chi phí đầu tư thấp, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Đến phường Thành Phước, chúng tôi gặp ông Trần Minh Chí (tên thường gọi là Ba Quanh)- cũng là một trong những nhà vườn vươn lên thoát nghèo nhờ trồng mai vàng xen mít siêu sớm. Ông luôn quan tâm “lấy ngắn nuôi dài” và “nghiên cứu” đất này trồng cây gì là phù hợp?
Rồi đi tham quan, học hỏi các mô hình hay và “nhẵn mặt” ở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức. Theo ông Ba Quanh: “Để làm giàu, ngoài sự cần cù, phải biết lựa chọn mô hình phù hợp với khả năng, điều kiện của mình và học hỏi sự sáng tạo của người khác để ứng dụng hiệu quả trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình”.
Với 14 công đất vườn, ông trồng 1.500 gốc mai vàng xen trong 1.000 gốc mít siêu sớm. Tết rồi, ông vừa bán mai vườn nhà, vừa mua đi bán lại được hơn 70 triệu đồng. Với mỗi công mít cho năng suất khoảng 6 tấn trái/năm. Nếu tính ở mức giá thấp nhất là 10.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí (khoảng 4 triệu đồng/công) ông thu lợi nhuận 56 triệu đồng/công/năm.
Để trồng mít đạt hiệu quả, ông luôn hạn chế thấp nhất việc phun, tưới thuốc bảo vệ thực vật, chú trọng sử dụng phân chuồng thay cho phân hữu cơ và thường bơm đất phù sa vào để cây phát triển tốt. Vào thời điểm giá xuống thấp, ông chỉ cho trái thưa để cây nghỉ dưỡng và canh vào thời điểm tháng 7- 8 sẽ cho trái rộ vì giá cao (khoảng 19.000- 20.000 đ/kg).
Ngoài trồng mít, ông còn đứng ra thu mua và cung cấp cho thị trường trên 400 tấn trái/năm. Hàng chủ yếu xuất đi TP Hồ Chí Minh, Cà Mau và Campuchia. Việc kinh doanh của ông chủ yếu gắn với cái “a lô”, nơi nào thu giá cao thì xuất bán nên có thể hoàn toàn chủ động được đầu ra.
Qua đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Mới đây, ông còn là người đầu tiên ký tên hiến trên 1 công đất trồng mít đang cho trái để làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, kêu gọi bà con nông dân cùng hỗ trợ cho những hộ gặp khó khăn khi tuyến đường đi qua.
Theo ông Đoàn Hùng Cường- Chủ tịch Hội Nông dân phường Thành Phước: Ông Ba Quanh là một trong những nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh giai đoạn (2011- 2013), là hội viên tích cực trong các phong trào hội, đóng góp vào các nguồn quỹ vận động, hỗ trợ mua giống và kinh nghiệm trồng mít hiệu quả cho nhiều nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước (Bình Định) vô cùng hoang mang khi hàng chục ha tôm mới thả giống chưa được 1 tháng đã lăn đùng ra chết.
Xuân Lộc (Đồng Nai) có 2 mô hình nuôi gà, vịt lớn nhất, hiệu quả nhất không chỉ ở Đồng Nai mà cả khu vực Đông Nam bộ.
Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái Bến Tre được UBND tỉnh phê duyệt và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp triển khai nhằm tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của thiên nhiên trước những tác động do biến đổi khí hậu thông qua việc phục hồi và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vùng ven biển Bến Tre
Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp trên tôm nuôi quảng canh cải tiến (QCCT), trong khi đó các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh đối với mô hình này dường như không có hiệu quả.