Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hàng trăm tấn chuối ở Vĩnh Phúc bị thương lái chạy làng

Hàng trăm tấn chuối ở Vĩnh Phúc bị thương lái chạy làng
Ngày đăng: 18/11/2015

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên theo các hộ trồng chuối cho biết là do phía Trung Quốc không thu mua.

Người trồng chuối đang “ngồi trên lửa”

Ngày 11/6, chúng tôi về xã Liên Châu đúng dịp chuối đang vào vụ thu hoạch.

Tuy nhiên, khác với thời điểm này năm trước khi cảnh thu mua chuối diễn ra khá nhộn nhịp với những chiếc xe tải về tận vườn chuối để lấy hàng, không khí vắng vẻ, đìu hiu.

Khi hỏi thăm đến vườn chuối của ông Phan Văn Bình, thôn Nhật Chiêu 6, chúng tôi được chỉ đến một khu đất rộng, bạt ngàn chuối với những buồng trĩu nặng.

Ông Bình cho biết, vụ năm nay, ông bỏ số vốn cả một tỷ đồng để thầu khoảng 10ha đất, mua giống chuối và thuê 5 nhân công chăm sóc với số tiền công từ 100.000 đồng - 150.000 đồng/ngày.

Ngoài số tiền gia đình có, ông Bình còn mạnh dạn vay ngân hàng vài trăm triệu đồng để đầu tư.

Dự kiến, ông sẽ cho thu hoạch khoảng 16.000 buồng.

Ông Bình kể: Vụ chuối năm trước, khi chuối đến vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 11, các thương lái họ đánh xe về tận vườn gom để bán sang Trung Quốc.

Mỗi buồng chuối được bán với giá từ 70.000 đồng -100.000 đồng.

Nhờ vụ chuối đó mà gia đình ông thu lãi về cả hàng trăm triệu đồng.

Thế nhưng, vụ chuối năm nay, đến giờ này vẫn chưa có thương lái đến thu mua.

Nói về nguyên nhân, ông Bình cho biết, các thương lái họ chỉ bảo năm nay Trung Quốc không thu mua chuối.

Cũng có một hai người hỏi mua chuối nhưng giá quá rẻ, chỉ 1.500 đồng/kg.

Như thế, trung bình một buồng chuối bán được 25.000 đồng-30.000 đồng, tương đương 2.000 đồng -3.000 đồng/nải.

“Bán với giá đó chẳng thà chúng tôi để cho bò ăn”- ông Bình xót xa.

Mấy ngày qua, khi có những buồng chuối đẹp, chín đều, ông chỉ còn biết bán cho các tiểu thương trong làng hoặc mang ra chợ huyện bán.

Ông Bình còn lo lắng, sợ mưa bão, nếu không tiêu thụ nhanh chuối sẽ bị gãy, đổ thì hỏng hết.

Cũng giống như trường hợp gia đình ông Phan Văn Bình, vườn chuối với diện tích khoảng 10ha của ông Nguyễn Văn Ngãi, thôn Nhật Chiêu 7 cũng đang ở trong tình trạng bán không ai mua.

Mặc dù không phải vay mượn ngân hàng nhưng với số ông đầu tư cũng vài trăm triệu đồng.

Ông Ngãi cho hay: Tình hình thu mua như bây giờ thì năm nay những hộ trồng chuối như chúng tôi thua lỗ vài trăm triệu là chuyện bình thường.

Chúng tôi giờ chỉ biết bán lẻ tại các chợ xã, chợ huyện cho đỡ tiếc.

Đại lý thu cũng chỉ biết “ngóng” bạn hàng Trung Quốc

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Hải, thôn Nhật Chiêu 4- hộ gia đình chuyên gom chuối của bà con để đổ buôn cho đầu mối ở các tỉnh.

Ngán ngẩm chia sẻ với chúng tôi: “Thông thường như những năm trước, chúng tôi sẽ tiến hành thu mua chuối cho bà con theo 2 đợt.

Đợt 1 là từ đầu tháng 11 trở đi, đợt 2 là sau Tết Nguyên đán.

Thế nhưng, năm nay, những mối tôi vẫn làm họ không thấy thông báo mua.

Có một mối mua ở Phú Thọ thì họ báo giá 1.500 đồng/kg chuối.

Giá đấy rẻ quá, bà con không chịu bán.

So với 6.000 đồng/kg năm trước, năm nay giá chuối đã rớt đến 5 giá”.

Ông Hải cũng cho biết, nhiều bà con đã đồng ý bán với giá 2.000 đồng/kg nhưng phía bên kia lại không đồng ý.

Khi được hỏi các mối thu gom chuối là doanh nghiệp nào thì ông Hải cho hay, đây đều là những bạn hàng tự quen biết nhau mấy năm qua của gia đình ông.

Mọi liên lạc chủ yếu bằng điện thoại, nếu đồng ý giá bán họ sẽ đặt cọc tiền và gia đình ông đi gom hàng.

Họ thường bảo, họ gom chuối để bán sang Trung Quốc, ông Hải cho biết thêm.

Cách đây khoảng 3 năm, nhiều hộ gia đình trong xã Liên Châu đã tự tìm hiểu và mua giống chuối từ Đại học Nông nghiệp 1, Hà Nội và các vườn giống tại Hưng Yên về trồng trên địa bàn.

Nhiều gia đình đã thu lãi hàng trăm triệu mỗi vụ chuối.

Hiện nay, địa bàn xã Liên Châu có khoảng 80ha đất nông nghiệp đang được bà con trồng chuối.

Sản lượng chuối trung bình 700 tấn/vụ.

Liên quan đến tình trạng chuối của bà con xã Liên Châu bị “rớt” giá thảm hại do không có đầu tiêu thụ, bà Bùi Thị Tuyết, cán bộ nông nghiệp, môi trường của UBND xã Liên Châu cho biết: Qua nắm bắt tình hình, chính quyền xã có biết được tình trạng chuối được thu mua với giá rất rẻ, chỉ dao động từ 2.000 đồng-3.000 đồng/nải chuối, thậm chí là không có người thu mua.

Thông thường những năm khác, mỗi khi vào vụ chuối là thương lái các nơi đến tận vườn thu mua khá nhộn nhịp.

Bà Bùi Thị Tuyết cũng cho biết thêm, tất cả các đầu thu mua đều là do người dân tự tìm, tự giao kết.

Trước tình trạng này, với trách nhiệm của mình, chính quyền xã Liên Châu đang đề xuất lên cấp huyện và cấp tỉnh để tìm phương án tiêu thụ chuối cho bà con.

Hiện, Đoàn thanh niên của tỉnh Vĩnh Phúc đã đến tận các vườn chuối để thu mua và tiêu thụ một phần giúp bà con.

Bà Tuyết cũng cho hay, về lâu dài, cần những nguồn tiêu thụ bền vững để bà con có kế hoạch và yên tâm sản xuất.

Thời gian vừa qua, thông tin về việc các thương lái Trung Quốc “chạy làng” khiến cho người nông dân lâm vào tình cảnh khốn đốn khi đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp nào đó không phải là câu chuyện lạ.

Sự việc hàng trăm tấn chuối tại Vĩnh Phúc trước nguy cơ bị “ế” cũng không phải câu chuyện ngoại lệ.

Chỉ đặt niềm tin vào thương lái Trung Quốc mà không có cơ chế ràng buộc đã dẫn đến kết quả đáng tiếc này.

Việc người dân đua nhau mở rộng diện tích trồng nông sản mà không theo quy hoạch, kiểm soát có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Với những gì đang xảy ra ở Liên Chiêu hiện nay, cần một cuộc “giải cứu” chuối như đã từng xảy ra với dưa hấu của Quảng Ngãi là giải pháp tạm thời song sẽ vớt vát lại phần nào số tiền mà bà con nông dân đã đầu tư.


Có thể bạn quan tâm

Mùa Ủ Ướp Mùa Ủ Ướp

Những ngày này, đi dọc tuyến đường vào các khu sản xuất thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La), các xã Tân Lập hay Vân Hồ (Mộc Châu), thấy từng đoàn xe chở cây ngô đã băm vụn về khu vực chăn nuôi bò sữa làm ủ ướp. Dưới cái nắng dịu của miền thảo nguyên, đi qua những đồng cỏ xanh mượt, tôi đã ngửi thấy mùi ngai ngái của cỏ, của ngô cây từ những hầm ủ ướp đang giai đoạn lên men. Mùa ủ ướp đang rộ.

12/08/2013
Hơn 90% Tàu Đánh Bắt Cá Ngừ Không Hoạt Động Hơn 90% Tàu Đánh Bắt Cá Ngừ Không Hoạt Động

Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, từ tháng 4-2013 đến nay, chỉ có 117/973 tàu công suất trên 90CV tham gia đánh bắt hải sản xa bờ, số còn lại phải hầu như không hoạt động.

12/08/2013
“Cánh Đồng Mẫu” Giúp Tăng Năng Suất, Chất Lượng, Hiệu Quả Sản Phẩm “Cánh Đồng Mẫu” Giúp Tăng Năng Suất, Chất Lượng, Hiệu Quả Sản Phẩm

Liên kết trong sản xuất giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) và Ngân hàng là một trong những mô hình được thực hiện khá hiệu quả ở Bến Tre trong hơn 3 năm qua, trong đó, vai trò của DN là rất quan trọng. Cánh đồng mẫu của Chi cục Bảo vệ thực vật là một điển hình.

13/08/2013
Phương Thức Chăn Nuôi Vịt Cá Lúa Kết Hợp Phương Thức Chăn Nuôi Vịt Cá Lúa Kết Hợp

Trên một diện tích đồng ruộng từ trước tới nay chỉ thu 1 sản phẩm độc canh là lúa thì nay thu 3 loại sản phẩm là lúa, cá, vịt. Ở những vùng phèn mặn thì từ 1 vụ lúa bấp bênh nay có thể sản xuất 2 – 3 vụ lúa ăn chắc do có bờ bao giữ cá, giữ nước, ngăn được nước mặn, nước phèn và lũ lụt.

31/07/2013
Chăm Sóc Vườn Cây Ăn Quả Trong Mùa Mưa Chăm Sóc Vườn Cây Ăn Quả Trong Mùa Mưa

Tỉa cành, tạo tán cây thích hợp trước mùa mưa: Cắt tỉa những cành tăm trong khung tán lá, cành có sâu bệnh, cành đã thu quả, cành vượt, tạo khung tán lá có dạng hình cái dù hoặc mâm xôi, làm cho vườn cây thông thoáng. Với những loại cây mà bộ rễ ăn nông (ví dụ như đu đủ) nên cắm cọc ở gần gốc cây rồi buộc cây vào cọc để chống đổ ngã (tốt nhất là cắm 3 cọc chụm lại theo kiểu hình chóp). Khơi thông cống rãnh xung quanh và mặt vườn để thoát nước nhanh.

14/08/2013