Huyện Như Thanh Đẩy Mạnh Phát Triển Kinh Tế Đồi Rừng
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Như Thanh đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo để nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng, đưa kinh tế đồi rừng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ vậy, kinh tế của huyện có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Đến thăm mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình bác Lê Khả Luyện, ở thôn Đồng Nghiêm, xã Mậu Lâm, được biết: Trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn, thuộc hộ nghèo của xã. Năm 1995, gia đình bác đã mạnh dạn nhận 3 ha đồi rừng, trong đó đầu tư trồng 2 ha cây keo nay đã đến tuổi cho thu hoạch, diện tích còn lại trồng mía nguyên liệu, đồng thời chăn nuôi thêm lợn, gà, ếch, cá, mỗi năm trừ chi phí thu lãi gần 70 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động.
Còn gia đình chị Lò Xuân Hòa, ở thôn Xuân Tiến, xã Xuân Khang trước đây cũng là hộ nghèo, nhưng được tuyên truyền, vận động, gia đình chị đã nhận 11 ha đất bãi, đất đồi để cải tạo, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, với 3 ha trồng mía, 3 ao cá, 8 ha trồng keo... bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chị thu từ 100 đến 120 triệu đồng. Hàng năm, vào vụ trồng hoặc thu hoạch mía, chị còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 lao động là phụ nữ trong xã.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Dung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế đồi rừng, nhưng thu nhập của người dân từ đồi rừng trên địa bàn huyện trước đây còn thấp. Nguyên nhân là do cơ cấu các loại cây trồng chưa phù hợp, đa số giá trị kinh tế không cao; kỹ thuật trồng rừng của nhân dân còn nhiều hạn chế, chưa mang tính bền vững; việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ rừng vẫn còn thô sơ...
Trước thực trạng đó, huyện đã có nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mới trên diện tích đồi rừng đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất ổn định lâu dài; khuyến khích nhân dân chuyển nhanh từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại giống mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể phù hợp với cơ sở để tổ chức thực hiện.
Mặt khác, thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân; đồng thời tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất.
Vì vậy, ngày càng có nhiều mô hình trang trại đồi rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu.
Đến nay, toàn huyện có gần 100 trang trại nông - lâm kết hợp, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Cây lâm nghiệp, công nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh, huyện đã trồng được 14.000 ha rừng các loại (chủ yếu là keo tai tượng), 3.600 ha mía, 742 ha cao su... Tổng giá trị nông-lâm-thủy sản 6 tháng đầu năm 2014 đạt trên 200 tỷ đồng.
Những kết quả từ phát triển kinh tế đồi rừng của huyện Như Thanh thời gian qua đã thể hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là đồng bào các dân tộc nơi đây. Đây là bước đột phá, tạo chuyển biến đáng kể cho nền kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Những năm trước đây, nuôi thủy sản nước lợ đã đem lại giá trị kinh tế cao cho những người dân ở xã Quảng Trường (Quảng Trạch - Quảng Bình). Thế nhưng, việc nuôi thủy sản của người dân những năm gần đây bị thua lỗ, họ đang đối mặt với những khó khăn.
Ngày 10.6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) có tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị là chủ trương lớn của thành phố và của quận.
Đây là chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, tại cuộc họp giao ban quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm diễn ra chiều 11/6 tại Hà Nội.
Cách đây gần 15 năm về trước, khi ra riêng anh Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (32 tuổi) ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chỉ có đôi bàn tay trắng ngoài miếng đất nhỏ cất nhà lá ở tạm.