Nâng Cao Giá Trị Khóm Cầu Đúc
Khóm Cầu Đúc là một trong những đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, thu nhập của người trồng khóm chưa được đảm bảo, do giá cả bấp bênh. Vì vậy, cần có giải pháp để nâng cao giá trị cho loại nông sản này, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế cho người trồng khóm.
Bằng kỹ thuật cao, như trồng cây sạch bệnh, sử dụng phân bón hữu cơ và vô cơ kết hợp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…, dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen Cầu Đúc ở Hậu Giang” sẽ là hướng đi mới giúp người trồng khóm. Dự án này do kỹ sư Trần Thị Kiều, Trưởng phòng Ứng dụng Khoa học công nghệ Hậu Giang (Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang) làm chủ nhiệm, được thực hiện nhằm thay đổi thói quen canh tác, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, đưa sản phẩm vươn xa ra tầm khu vực và xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Từ đó, góp phần phát triển trái cây đặc sản của Hậu Giang.
Dự án được triển khai trên diện tích 50ha, với sự tham gia của 43 nông dân ở TP.Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Tất cả bà con nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật bón phân vô cơ và hữu cơ kết hợp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm chi phí đầu vào, gia tăng lợi nhuận. Trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi người nông dân phải tuân theo quy trình, kỹ thuật nghiêm ngặt, nên gây nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng thực hiện. Chẳng hạn, người dân phải xây dựng hố xí tự hoại, thay đổi thói quen chăn thả vật nuôi trong khu vực sản xuất, xây dựng kho chứa các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và tiến hành ghi chép, lưu giữ hồ sơ mua và sử dụng phân bón,...
Tuy nhiên, được sự vận động của chính quyền địa phương và chủ nhiệm đề tài, mọi người đã ý thức được ý nghĩa quan trọng của sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là mang lại lợi ích thiết thực cho người trồng khóm, nên họ tích cực hưởng ứng tham gia mô hình. Ông Vu Suổi, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh, chia sẻ: “Từ khi tham gia dự án trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi được hỗ trợ cây giống, phân bón, được tập huấn kỹ thuật canh tác, hướng dẫn cách ghi chép,… Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bước đầu thực hiện, nhưng với mong muốn sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, người dân chúng tôi hào hứng tham gia”.
Khi nhu cầu thị trường ngày một khắt khe thì việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng GAP là việc làm hết sức cần thiết, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Tuy trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP khó thực hiện hơn so với tập quán canh tác truyền thống, nhưng năng suất khóm đạt cao hơn, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên người dân lấy làm phấn khởi.
Theo anh Lâm Trường Thọ, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh, lúc trước, trong quá trình trồng khóm gia đình anh còn lạm dụng phân bón vô cơ, nhưng từ khi tham gia mô hình, được cán bộ hướng dẫn, gia đình anh tập làm quen với phân bón hữu cơ, góp phần cải tạo độ phì nhiêu cho đất, nhằm tăng thêm năng suất cho rẫy khóm.
Cũng nhờ trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP mà số lượng khóm loại 1 được tăng lên. Cụ thể, nếu như trước đây khóm loại 1 đạt từ 60 đến 70%/ha thì hiện tại tăng lên từ 80 đến 90%/ha. Do đó, anh Thọ hết sức vui mừng. Với kết quả đạt được, gia đình anh Thọ sẽ tiếp tục gắn bó với mô hình trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm thu được hiệu quả cao với nghề trồng khóm.
Kỹ sư Trần Thị Kiều, Trưởng phòng Ứng dụng Khoa học công nghệ, chủ nhiệm dự án, cho biết: “Từ xưa đến nay, nông dân chỉ trồng khóm theo phương pháp truyền thống, chủ yếu tách chồi để trồng nên chất lượng cây giống không đảm bảo. Do đó, phần nào ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ khi dự án được triển khai, việc nhân giống đã được tuân theo quy trình tương đối nghiêm ngặt và đảm bảo, nên thu được năng suất cao.
Với kết quả thu được của dự án sẽ giúp người nông dân thay đổi thói quen canh tác, tiếp cận hướng sản xuất mới nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, khi đạt chứng nhận VietGAP thì sản phẩm khóm Cầu Đúc Hậu Giang sẽ được quảng bá rộng rãi và giá trị sẽ ngày càng được nâng cao trên thị trường. Từ đó, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng khóm.
Thời gian tới, sản phẩm khóm Cầu Đúc của 43 hộ dân trong dự án sẽ được trao giấy chứng nhận VietGAP, một trong những tiêu chuẩn không dễ thực hiện. Đây sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao giá trị cho khóm Cầu Đúc Hậu Giang.
Có thể bạn quan tâm
Thân đinh lăng giống cả lá bó lại cân 50.000 - 60.000đ/kg mà không có đủ để bán, củ đinh lăng già giá vài chục triệu mà không phải xỉa tiền ra là mua được khiến cho người người, nhà nhà mơ một giấc mơ đẹp…
Ngày 31/5, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT Quảng Bình) cho biết đã thả về vùng biển 24 kg tôm hùm sỏi tự nhiên (loại 60 con/kg).
Tỉnh Bình Định hiện có 12 NM chế biến TĂCN, tăng 7 NM so với năm 2010. Tổng công suất của các NM đạt trên 2 triệu tấn/năm, tăng gấp hơn 8 lần so với năm 2010.
Mới đây, Cty TNHH MTV Ánh Dương Sao (có trụ sở tại Q.7, TP. HCM) đã về xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức thu mua vải sớm giống U hồng để XK sang thị trường Mỹ.
Ngoài rơm phục vụ cho chăn nuôi, thì người nông dân lấy rơm để trồng nấm, nhiều chủ ruộng hiện nay cũng có nguồn thu nhập từ việc bán rơm rạ.