Hướng Phát Triển Bền Vững Nghề Nuôi Tôm Hùm
Bờ biển Phú Yên dài 189km, có nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo, đầm, vịnh lớn như đầm Cù Mông (2.600ha), vịnh Xuân Đài (13.800ha), đầm Ô Loan (1.570ha), vịnh Vũng Rô (1.640ha).
Ngoài ra, dọc bờ biển có 7 cửa sông, lạch đổ vào các đầm, vịnh nêu trên, là những nơi giao tiếp động lực giữa sông và biển, nhận nguồn dinh dưỡng từ các dòng chảy của sông ngòi mang ra và các nguồn dinh dưỡng từ thủy triều mang vào tạo thành một vùng sinh thái đặc thù, đa dạng thích hợp và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi các thủy đặc sản biển, đặc biệt là nuôi tôm hùm xuất khẩu.
Phát triển tự phát
Nghề nuôi tôm hùm bằng lồng ở Phú Yên xuất hiện tại đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) vào những năm 1990, đến nay đã trở thành nghề quan trọng trong lĩnh vực phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh. Mùa vụ ương tôm hùm giống từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, thời gian ương nuôi từ 3 đến 5 tháng; nguồn giống thu vớt từ tự nhiên tại địa phương và mua từ các tỉnh trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Nuôi thương phẩm từ tháng 4 năm trước đến tháng 8 năm sau, thời gian nuôi từ 12 đến 14 tháng. Lồng nuôi thương phẩm có kích thước phổ biến 4x4x1,5m, thả nuôi từ 50 đến 70 con/lồng (loại 25 đến 30gam/con). Hình thức nuôi là nuôi găm (thả lồng cách đáy 0,5 đến 1m) và nuôi bè (lồng nuôi treo trên bè cách mặt nước 2 đến 3m, mỗi bè treo 5 đến 10 lồng); thức ăn chủ yếu là các loài giáp xác và cá tạp (thức ăn tươi tự nhiên).
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên bộc lộ nhiều bất cập. Do lợi nhuận cao nên người dân đầu tư thêm lồng bè nuôi, thả nuôi với mật độ lồng cao 75 lồng/ha (theo quy định là 30 đến 60 lồng/ha), mật độ thả nuôi tăng đến 100 con/lồng) tăng gấp 2 lần so với quy định (50 con/lồng).
Năm 2011, số lượng lồng nuôi trên địa bàn tỉnh lên đến 29.100 lồng. Trong khi đó, lượng thức ăn tươi sống dư thừa thải ra môi trường không được xử lý dẫn đến vùng nuôi bị quá tải, ngày càng ô nhiễm, hậu quả dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng trầm trọng. Năm 2011 có 4.947 lồng tôm nuôi bị bệnh, chiếm 17% số lồng thả nuôi; năm 2012 có 7.947 lồng tôm nuôi bị bệnh, chiếm 33% số lồng thả nuôi; năm 2013 có 3.388 lồng tôm nuôi bị bệnh, chiếm 15% số lồng thả nuôi.
Bệnh tôm hùm xảy ra chủ yếu là bệnh đen mang, đỏ thân, bệnh sữa; trong đó bệnh sữa là nguy hiểm nhất, đã xảy ra bệnh, dịch trên diện rộng trong năm 2007 và đã có phác đồ điều trị bệnh sữa hiệu quả trong những năm tiếp theo, nhưng hiện nay bệnh lại có dấu hiệu trở lại nghiêm trọng.
Để hạn chế dịch bệnh, trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã vận động người nuôi kiểm tra, vệ sinh lồng bè, đốt xác tôm chết và di chuyển lồng đến vùng thông thoáng, nước sâu, dòng chảy mạnh; treo túi vôi ở gốc lồng giúp làm lắng đọng các chất hữu cơ lơ lửng; hướng dẫn người nuôi tăng cường vitamin C trong khẩu phần ăn của tôm, cho ăn thức ăn đảm bảo chất lượng, vừa đủ, tránh dư thừa có thể gây ô nhiễm; sang lồng, giảm mật độ tôm trong mỗi lồng nuôi.
Mỗi vụ nuôi, cơ quan chức năng tổ chức tập huấn hướng dẫn biện pháp phòng bệnh và phác đồ chữa bệnh phù hợp để giảm thiệt hại cho người nuôi; ban hành các văn bản chỉ đạo các biện pháp phòng, trị bệnh tôm hùm, hướng dẫn khắc phục bệnh trên tôm hùm nuôi; vận động người nuôi chấp hành Quyết định số 2383/QĐ-BNN-NTTS ngày 6/8/2008 của Bộ NN-PTNT về quy định tạm thời về nuôi tôm hùm.
Hướng đến phát triển bền vững
Để phát triển bền vũng nghề nuôi tôm hùm đồng thời bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm lồng thương phẩm đến năm 2020. Theo quy hoạch này, số lượng lồng nuôi tôm hùm hằng năm trên địa bàn tỉnh là 18.100 lồng.
Các vùng nuôi tôm hùm trong toàn tỉnh cũng đã triển khai quy hoạch chi tiết, bước đầu hoàn thành công tác khảo sát, lập và phê duyệt hồ sơ phân vùng mặt nước biển; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp lồng, bè nuôi phù hợp với phương án được duyệt và xây dựng quy chế quản lý vùng nuôi để triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, các địa phương tổ chức công tác đăng ký, đánh số lồng bè nuôi và cam kết bảo vệ môi trường đối với các hộ nuôi tôm hùm; củng cố, kiện toàn các tổ quản lý cộng đồng đi vào hoạt động đảm bảo hiệu quả và tổ chức sắp xếp, quản lý chặt chẽ về số lượng lồng nuôi, mật độ nuôi và bảo vệ môi trường vùng nuôi.
Trong khi đó, ngành chức năng tăng cường công tác khuyến ngư, triển khai tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nuôi và phòng, trừ dịch bệnh cho tôm hùm; đánh giá thực trạng sử dụng kháng sinh, khả năng kháng thuốc của vi khuẩn và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh tôm hùm nuôi lồng.
Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, nghề nuôi tôm hùm của Phú Yên sẽ phát triển hiệu quả và bền vững, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Kỹ sư Nguyễn KhắcTân - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên
Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên bắt đầu từ những năm 1990 tại đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) với số lồng nuôi ban đầu khoảng 200 lồng, đến nay toàn tỉnh có 22.591 lồng nuôi với đối tượng chính là tôm hùm bông (Panulirus ornatus) và tôm hùm đỏ (Panulirus homastus). Năm 2013, toàn tỉnh thu hoạch được 622 tấn tôm hùm, trị giá 995,2 tỉ đồng (bình quân 1,6 triệu đồng/kg).
Có thể bạn quan tâm
Theo Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tuần vừa qua (từ 18-24/8/2013), dịch bệnh đốm trắng (WSSV) đã xảy ra ở các địa phương: Tp Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau, với 434,33 ha bị ảnh hưởng; dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) đa xảy ra ở tỉnh Ninh Thuận, Bạc Liêu và Cà Mau, với 285,8 ha bị ảnh hưởng.
Ở huyện Trực Ninh số đầu lợn nuôi cũng giảm, cụ thể: xã Trực Đại hiện tổng đàn chỉ còn gần 1.000 con, giảm trên 1.000 con so với tháng 4-2013, xã Trực Thắng hiện tổng đàn còn 5.384 con lợn, giảm 2.316 con so với tháng 4-2013…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương vừa có buổi tiếp và làm việc với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Kanematsu (Nhật Bản) và các chuyên gia Nhật Bản về việc trồng thử nghiệm giống lúa Hikarisinseki trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Nhờ nuôi cá lồng bè trên sông, nhiều hộ gia đình ở Bến Tre đã vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng lâu dài, người nuôi cần chú trọng vấn đề môi trường và nuôi theo đúng vùng quy hoạch.
Được triển khai từ tháng 8/2012 tại xã Phước Sơn (Ninh Phước - Ninh Thuận) trên diện tích 2,5 ha, mô hình trồng táo xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả trong việc “sạch hóa” nông sản, là hướng đi phù hợp, tạo chỗ đứng tin cậy trên thị trường.