Hướng Nông Dân Thay Đổi Nếp Nghĩ, Cách Làm
Lâu nay ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chủ yếu các hộ nông dân nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát, chưa có các trang trại lớn; chủ yếu sử dụng giống địa phương. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng vật nuôi, giá trị kinh tế không cao.
Bằng nguồn vốn “Sự nghiệp khuyến nông 2014”, tháng 9 vừa qua Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Tuần Giáo triển khai mô hình gà thịt an toàn sinh học (giống gà lương phượng) cho 40 hộ dân tại 2 bản: Vánh 2, Púng Biếng, xã Chiềng Đông. Mục tiêu mô hình hướng tới là giúp bà con tiếp cận phương pháp nuôi gia cầm theo hình thức bán công nghiệp; để có những sản phẩm gia cầm sạch, an toàn phục vụ đời sống và tăng thu nhập.
Chúng tôi cùng cán bộ Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Tuần Giáo tới tham quan mô hình nuôi gà an toàn sinh học của gia đình ông Lò Văn Hương, bản Púng Biếng. Không giấu nổi niềm vui, ông Hương chia sẻ với cán bộ kỹ thuật: Lần đầu nuôi giống gà này, thấy lớn rất nhanh so với giống gà địa phương mà gia đình thường nuôi.
Mới nuôi hơn một tháng mà gà đã đạt từ 800 gam - 1kg/con. Hỏi về bí quyết để tỷ lệ con giống sống cao và phát triển tốt, ông Hương bảo: Phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn, thường xuyên vệ sinh khu vực chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát; thay trấu để gà không bị lạnh chân, hàng ngày vệ sinh máng thức ăn, nước uống phòng tránh dịch bệnh (chủ yếu bệnh phân trắng, phân xanh do ăn phải thức ăn để lâu).
Nuôi theo hình thức nuôi nhốt và dùng thức ăn cám công nghiệp không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, song trọng lượng tăng trưởng nhanh. Nếu như giống gà địa phương sau khi nuôi từ 6 - 9 tháng mới đạt từ 1 - 1,5kg/con; thì gà lương phượng sau 3 tháng nuôi, sẽ được bán gà thương phẩm (trọng lượng 2,8 - 3kg/con).
Gia đình ông Lò Văn Tiến, bản Púng Biếng, là một trong số hộ nuôi có tỷ lệ con giống sống cao (97%). Ông Tiến cho biết: Sau khi kết thúc mô hình, gia đình tôi sẽ đầu tư để chuyên nuôi giống gà này, bởi điều ông tâm đắc nhất là gà tăng trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn, nhanh quay vòng vốn để tái đầu tư.
Tính từ thời điểm được cấp giống, sau 2 tháng nuôi đàn gà gia đình ông Tiến đạt từ 1,8 - 2kg/con. Vừa tận dụng diện tích nuôi gà, ông Tiến bảo: Nếu so sánh giữa nuôi vịt thịt và gà thịt, thì nuôi gà cho thu nhập cao hơn bởi gà có thể nuôi quanh năm, không phụ thuộc vào nguồn nước như nuôi vịt. Bên cạnh đó, lãi suất nuôi gà cao gấp đôi so với vịt.
Anh Đỗ Thế Chuyền, Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Tuần Giáo; người trực tiếp hướng dẫn mô hình cho biết: Mô hình được thực hiện với mục đích thay đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa; áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà theo hướng bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Để mô hình hiệu quả, cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân từ cách làm chuồng, xử lý phun hóa chất khử trùng khu vực nuôi thả, cách chăm sóc con giống.
Đối với những hộ nông dân xã Chiềng Đông, quanh năm lam lũ trồng lúa, cây ngô, cây sắn thì đây là lần đầu áp dụng hình thức chăn nuôi bán công nghiệp nên không ít bỡ ngỡ. Với tổng số tiền 270 triệu đồng dành cho mô hình, Trạm đã cấp 2.000 con gà giống; mỗi hộ được cấp 50 con gà giống (nhập từ Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên), 40 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, thức ăn cám công nghiệp, thuốc và vắc xin phòng bệnh.
Dự kiến mô hình kết thúc vào đầu tháng 1/2015. Nếu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thì đây là mô hình sẽ đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Theo anh Chuyền nhẩm tính, mỗi con gà giống giá 22.000 đồng, thức ăn nuôi trong 3 tháng/con là 4,5kg x 19.000/kg = 85.000 đồng tiền thức ăn; trừ chi phí thuốc tiêm phòng, công chăm sóc... gà thương phẩm đạt từ 3 - 3,2kg/con, giá bán trên thị trường hiện nay 90.000 đồng/kg; theo đó người nuôi sẽ thu về từ 70.000 - 90.000 đồng tiền lãi/con. Nuôi theo hình thức thả vườn, gà vận động nhiều thịt chắc, chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/h%C6%B0%E1%BB%9Bng-n%C3%B4ng-d%C3%A2n-thay-%C4%91%E1%BB%95i-n%E1%BA%BFp-ngh%C4%A9-c%C3%A1ch-l%C3%A0m
Có thể bạn quan tâm
Ông Lê Văn Dũng ngụ ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình đã thành công trong việc nuôi cá chép giòn, thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm.
Những nông dân “chân đất” vội vã thức giấc từ lúc gà gáy để cào trứng nước. Gần đây, mô hình nuôi trứng nước đã giúp bà con tăng thêm thu nhập
Nuôi hàu Thái Bình Dương đã giúp nhiều hộ dân trên sông Chà Và giàu lên nhanh chóng…
Từ vỏ cà phê, anh Nguyễn Song Vũ (38 tuổi, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chế biến thành trà cascara có giá trị kinh tế cao.
Nhà vườn Thanh Sơn ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre lai tạo thành công giống xoài mới thơm ngon, đẹp mắt.