Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hợp Sức Chống Hạn

Hợp Sức Chống Hạn
Ngày đăng: 18/06/2014

Mới đầu mùa khô nhưng tình trạng hạn hán đã đến mức báo động. Hàng ngàn hécta lúa đứng trước nguy cơ chết cháy, hàng nghìn người đang gấp gáp căng sức chống chọi với hạn hán.

Dưới cái nắng như thiêu đốt, chúng tôi đến thôn Phước Hạ, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ), ghi nhận tình cảnh cây trồng khô héo. Cánh đồng lúa xanh mướt ngày nào, giờ nứt nẻ, khô khốc. Thiếu nước, hơn 1 ha lúa 20 ngày tuổi tong teo như que nhang, héo queo, đỏ vàng rực vì đã lâu không được tưới giọt nước nào. Người dân chẳng buồn cắt về cho bò ăn, vì lúa còn quá nhỏ.

Cầm trên tay vài cây lúa ngắn ngủn, cháy vàng hoe, ông Huỳnh Số than vãn: “Mấy năm trước, nước non tha hồ mà tưới, nước hồ, đập tích trữ có sẵn, mà thêm cứ ba chiều lại mưa một chiều, còn năm nay chẳng có giọt nào. Nắng nóng kéo dài 5 ngày nữa thôi, thì mình chấp nhận thả tay, mất trắng hơn 2 sào lúa gia đình gieo sạ”.

Trên cánh đồng thôn Bích Chiểu, cỏ mọc cao, khỏe hơn cây lúa, dưới chân ruộng khô trắng. Quệt vội mồ hôi đang lăn trên khuôn mặt rám đen vì nắng, bà Nguyễn Thị Hoa ngụ thôn Bích Chiểu than thở: “Lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, nhưng hơn 10 ngày nay bị mất nước tưới đột ngột.

Cỏ dại lại thi nhau mọc ngập vựa lúa, tôi phun thuốc diệt cỏ 2 lần rồi, nhưng cỏ vẫn sống trơ trơ, còn lúa ngày càng tong teo. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, cứ đà này không biết trồng cây gì để kiếm ăn”.

Cánh đồng thôn Bích Chiểu có diện tích hơn 13,4 ha. Hằng năm vẫn lấy nước từ đập Sở Hầu, nhưng do nắng nóng kéo dài, mực nước xuống quá nhanh, địa phương thực hiện phương án tưới luân phiên “4 ngày khô, 5 ngày thả”, mà cũng chỉ duy trì chẳng được bao lâu. Hiện tại, đập đang ở mực “nước chết”, người dân xót xa, nhìn cây lúa rơi vào tình cảnh chết dần, chết mòn, ngóng trông nước trời từng giờ.

Trước tình hình này, địa phương đã tiến hành họp khẩn cấp, bà con nhân dân đồng lòng, hợp sức chống hạn. Phương án được nhiều người dân nhiệt tình hưởng ứng là xây dựng trạm bơm dã chiến, kéo điện hơn 400 m từ khu dân cư ra để lấy nước từ sông Cầu Bè.

Bởi thế, mà ngay sau khi họp dân, bà con tức tốc chôn trụ, kéo điện ngay ra đồng. “Nhà tôi trồng 3 sào ruộng, lại nằm ở cuối kênh mương thủy lợi, bị mất nước gần nửa tháng nay. Nắng nóng ngày càng gay gắt, nếu không gấp gáp cứu lứu thì chỉ còn nước cắt về cho bò ăn”- bà Huỳnh Thị Sáu phân trần.

Vụ hè thu này, toàn xã Phổ Nhơn xuống giống 170 ha lúa, nhưng có đến 30 ha đã cháy khô, 65,9 ha đang thiếu nước tưới trầm trọng, tập trung nhiều nhất ở 3 thôn Phước Thượng, Nhơn Tân, Nhơn Phước. Nếu 5 ngày nữa không có nước tưới, thì toàn bộ diện tích 65,9 ha ha này cũng bị mất trắng.

Hiện tại, các đập bổi ở địa phương đã xuống mực “nước chết”. Cùng với 1 trạm bơm có sẵn, xã đã trích kinh phí  32 triệu đồng, dựng thêm 2 trạm bơm để phục vụ tưới tiêu cho lúa, hoa màu, nhưng hiện tại, 2 trạm đang trong tình trạng “treo”, vì không biết hút nước ở đâu để tưới cho lúa.

Tại xã Phổ Cường, tình cảnh tương tự cũng diễn ra. 40 ha lúa đã mất trắng, còn 30 ha cũng đang đứng trước nguy cơ nếu không có mưa trong vài ngày tới.

Không chỉ cây trồng mà hàng nghìn người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang chắt chiu từng giọt nước, chịu khát do thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Ông Lê Thanh Tân- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ cho hay, nếu tình cảnh này tiếp diễn thì toàn huyện sẽ có đến 780 ha lúa, 2.300 ha mía, mì, ngô, đậu…, 500 ha diện tích rừng trồng bị chết vì hạn. Gần 500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và 1.400 gia súc thiếu nước uống tập trung ở các xã Phổ Châu, Phổ Thạnh, Phổ Khánh, Phổ Nhơn, Phổ Cường, Phổ Phong và Phổ Quang.

Tại huyện Trà Bồng, Tây Trà, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn… người dân đang phải gồng mình chống hạn. Nhiều hộ dân, đầu tư kinh phí đào hoặc khoan giếng ở những vùng trũng thấp hoặc lòng ao, hồ đã cạn trơ đáy để tìm nguồn nước.

Các sông, suối ở các huyện vùng cao lẫn đồng bằng đều đang trong tình trạng khô khốc. Tại huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn, nhiều giếng nước sinh hoạt của người dân cạn kiệt, nhiễm mặn. Dù các huyện đã chủ động lập phương án chống hạn nhưng tình trạng thiếu nguồn nước diễn ra khắp nơi, khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn.

Tình trạng hạn hán kéo dài, cả con người, cây trồng vật nuôi đều khổ sở, không phải là chuyện mới xảy ra, bởi việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ thiên nhiên, chống ô nhiễm môi trường dù đã được các cấp, ngành quan tâm song vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Ngoài hạn hán do thiên tai, một phần không nhỏ là do nguyên nhân chủ quan từ con người gây ra. Trước hết là do phá rừng bừa bãi, ngăn dòng thủy điện và phần khác do nạn đào đãi vàng trái phép đang âm thầm diễn ra khốc liệt khiến nguồn nước vốn đã ít ỏi trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Thiếu nước, không những hạn chế sự phát triển của kinh tế -xã hội, gia tăng đói nghèo mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của nhân dân.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, mỗi ngày, có 3 trẻ em Việt Nam tử vong vì các nguyên nhân liên quan tới thiếu nước sạch. Hàng năm có khoảng 200 người mắc bệnh ung thư với nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước.

Đối mặt với hiện trạng trên, việc sử dụng tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, để giải quyết vấn đề hạn hán, thiếu nước cũng như phòng chống các tác hại do nước gây ra một cách lâu dài, bền vững cần phải bắt tay ngay thực hiện đồng thời nhiều biện pháp trước khi quá muộn.


Có thể bạn quan tâm

Dây Chuyền Chế Biến Tinh Bột Sắn 120 Tấn/ngày Dây Chuyền Chế Biến Tinh Bột Sắn 120 Tấn/ngày

Cty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR) đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và khánh thành dây chuyền nâng công suất chế biến tinh bột sắn từ 60 tấn lên 120 tấn sản phẩm/ngày.

21/01/2015
Dưa Leo Vẫn Có Lãi Dưa Leo Vẫn Có Lãi

Gặp anh Lê Thanh Nam, ấp Thạnh Mỹ A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đang tất bật chuyển những bao dưa leo lên xe kịp giao cho khách hàng, anh tranh thủ chia sẻ:

21/01/2015
Thủ Tướng Phê Duyệt Chương Trình Phát Triển 5 Ngành Có Lợi Thế Thủ Tướng Phê Duyệt Chương Trình Phát Triển 5 Ngành Có Lợi Thế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thuộc 5 ngành: điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, máy nông nghiệp, du lịch và dịch vụ liên quan.

21/01/2015
Thu Tiền Triệu Mỗi Ngày Nhờ Bán Mật Ong Rừng Thu Tiền Triệu Mỗi Ngày Nhờ Bán Mật Ong Rừng

Anh Đồng Văn Vũ ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang) có nhiều năm trong nghề săn bắt ong rừng, cho biết: “Thời điểm cận tết cho đến đầu mùa mưa là khoảng thời gian khai thác mật chính vụ. Khoảng thời gian đó, chất lượng mật rất tốt, sản lượng cao hơn so với mật khai thác vào những tháng mùa mưa”.

21/01/2015
Kiểng Bắp Chơi Tết Được Ưa Chuộng Kiểng Bắp Chơi Tết Được Ưa Chuộng

Nhiều năm gắn bó với nghề sản xuất hoa kiểng bán tết, anh Nguyễn Văn Ngõ ở ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang), cho biết: “Năm nay, ngoài trồng những loại hoa kiểng bán vào dịp tết như vạn thọ, cúc mâm xôi, hướng dương tôi còn trồng thêm 200 chậu bắp để cung ứng cho nhu cầu Tết Ất Mùi này”.

21/01/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.