Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng Làm Giàu Mới Ở Cửa Biển

Hướng Làm Giàu Mới Ở Cửa Biển
Ngày đăng: 08/04/2014

Mới đi vào sản xuất hơn 1 năm, sản phẩm sứa ăn liền Cửa Việt do chị Nguyễn Thị Thiếc, thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt (Gio Linh, Quảng Trị) đã có mặt hầu khắp các tỉnh, thành phố trong nước.

Không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng, cuối năm 2013, sản phẩm sứa ăn liền của chị Thiếc vinh dự được Liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ - Cục Công tác phía Nam trao Huy chương vàng chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn.

Ở vùng cửa biển, mỗi người dân có một con đường và cách làm riêng để sống dựa vào biển. Tuy nhiên, đa phần mọi người đều chú trọng đầu tư khai thác các sản phẩm biển có giá trị kinh tế như: tôm, mực, ốc, các loài cá… chứ chẳng mấy ai chú ý đến loài sứa. Thân sứa bọt bèo, trôi nổi dạt vào bờ, người dân thấy thì nhặt về tự chế biến để ăn hoặc bán lẻ ở các chợ.

Vài năm trở lại đây, một số cơ sở chế biến sứa nguyên liệu thô (sứa ướp muối) xuất bán sang thị trường Trung Quốc mọc lên ở các xã ven biển nên người dân bắt đầu chú tâm khai thác loài hải sản này. Nhưng sứa xuất hiện theo mùa, sản phẩm xuất bán là sản phẩm thô, phụ thuộc thị trường Trung Quốc nên bị tư thương ép giá.

Lúc bấy giờ, chị Thiếc đang làm đại lý phân phối sản phẩm sứa ăn liền cho một doanh nghiệp ở Nam Định, chị nhận thấy người tiêu dùng rất chuộng món sứa ăn liền trong khi quê mình có vùng nguyên liệu sứa dồi dào nhưng chưa có ai đầu tư chế biến sâu sản phẩm này.

Vì vậy, chị Thiếc quyết định khăn gói lên đường ra Nam Định, tìm đến các cơ sở chế biến sứa lân la dò hỏi, học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh trên thương trường nên dù là bạn hàng lâu năm nhưng các chủ cơ sở chế biến sứa ở đây chỉ hướng dẫn sơ qua kỹ thuật chế biến cho chị Thiếc chứ không muốn lộ bí quyết nhà nghề. Chính vì vậy, thời gian đầu khi bắt tay vào sản xuất, chị Thiếc phải vứt bỏ hàng chục tấn sứa chỉ để làm thử nghiệm.

Theo lời của chị Thiếc, khó nhất trong việc chế biến sứa là công đoạn ướp muối. Công nghệ để “biến” mỗi con sứa có khi nặng vài chục ki lô gam vớt từ biển về trở nên trắng nõn, giòn, thơm mát, bổ dưỡng phụ thuộc nhiều vào công đoạn ướp muối.

Sứa tươi được cắt nhỏ, phân chia thân và chân riêng biệt rồi đổ vào máy quay, cán trong vòng 9 giờ đồng hồ để ép hết nước và chất nhớt ra ngoài cho sứa săn giòn. Sau đó cho vào bể ngâm muối với độ mặn phù hợp trong vòng 5 ngày để loại bỏ chất tanh giúp sứa trắng sạch hơn.

Chị Thiếc cho biết: “Sứa ngon là sau khi ướp muối xong nó phải trong, cứng, săn giòn và không còn vị tanh. Để tìm ra bí quyết chế biến sứa tôi phải làm đi làm lại nhiều lần. Sau khi có được sản phẩm sứa sạch rồi, qua sách báo và kinh nghiệm nội trợ của mình tôi tự pha trộn thêm các gia vị như tỏi, giấm, ớt, bột ngọt… và đóng gói.

Sứa là món ăn hợp khẩu vị mùa hè, vừa mát, bổ dưỡng, giá lại khá bình dân. Hiện nay các nhà hàng, tiệc cưới hỏi thường dùng sứa làm món nộm khai vị. Sản phẩm sứa ăn liền được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì nó có thể sử dụng ngay sau khi mở gói gạn ráo nước”.

Với suy nghĩ, nguồn sứa nguyên liệu địa phương khá dồi dào, nếu chỉ xuất bán dưới dạng ép khô qua thị trường Trung Quốc sẽ rất lãng phí vì nhu cầu tiêu thụ ở thị trường nội địa rất lớn, chị Thiếc trở thành người đầu tiên ở miền Trung đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sứa ăn liền và biến món sứa từ một món ăn dân dã trở thành đặc sản quê hương.

Năm 2013, chị Thiếc chế biến được 50 tấn sứa ăn liền, sứa đóng gói đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Dự kiến, để đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2014 chị Thiếc sẽ nâng sản lượng chế biến của cơ sở lên 70 tấn sứa ăn liền.

Theo kinh nghiệm của người dân cửa biển, mùa sứa xuất hiện hàng năm thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch. Để đáp ứng công suất chế biến của xưởng, ngoài thu mua sứa tươi ở các vùng biển trong tỉnh, chị Thiếc còn đưa xe đi thu mua sứa nguyên liệu ở các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Khánh Hòa.

Hiện, cơ sở chế biến sứa ăn liền của chị Thiếc giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; 10 lao động thời vụ và hàng trăm lao động biển cũng có thêm thu nhập ổn định nhờ khai thác sứa biển cung cấp nguyên liệu cho chị Thiếc.


Có thể bạn quan tâm

Giá Cà Phê Tăng Ngay Đầu Năm Giá Cà Phê Tăng Ngay Đầu Năm

Được biết, tình trạng cà phê tăng giá ngay từ những ngày đầu năm là rất ít xảy ra. Trong khi giá cà phê tăng thì giá hồ tiêu lại giảm gần 2.000 đồng/kg, chỉ còn 132 ngàn đồng/kg. Hiện các vườn tiêu trong tỉnh đang vào mùa thu hoạch.

12/02/2014
Nhân Rộng Mô Hình Nhân Rộng Mô Hình "Công Nghệ Sinh Thái" Trong Vụ Đông Xuân 2013 - 2014

Với qui trình canh tác trên, nông dân giảm được chi phí sản xuất, phòng chống sâu bệnh hiệu quả, đặc biệt là rầy nâu, đảm bảo năng suất, sản lượng và chất lượng lúa hàng hóa, do vậy, hiệu quả sản xuất nâng lên, bảo đảm được môi sinh, môi trường và sức khỏe.

12/02/2014
Bắt Đầu Trồng Bắp Biến Đổi Gen Bắt Đầu Trồng Bắp Biến Đổi Gen

Trong thời gian tới, 6 tỉnh Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đăk Lăk, Bà Rịa- Vũng Tàu và Đồng Tháp nhiều khả năng sẽ bắt đầu trồng bắp (ngô) biến đổi gen dưới dạng mô hình trình diễn.

12/02/2014
Phương Pháp Diệt Cỏ Dại Không Dùng Chất Hóa Học Phương Pháp Diệt Cỏ Dại Không Dùng Chất Hóa Học

Nhà nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ Steve Mirsky cùng với các nhà nghiên cứu khác tiến hành trồng một cánh đồng lúa mạch đen, trước khi mùa gieo hạt.

12/02/2014
Bình Tân Phát Huy Thế Mạnh Nghề Nuôi Thủy Sản Nước Ngọt Bình Tân Phát Huy Thế Mạnh Nghề Nuôi Thủy Sản Nước Ngọt

Bên cạnh, rải rác khắp các xã, bà con còn thả nuôi trong vèo được 1.795 vèo (tương đương 8.975m3 nước) và nuôi trong ao, mương vườn gia đình được 52ha. Ngoài ra, nông dân 2 xã: Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Thảnh cũng đã được ngành nông nghiệp hỗ trợ nuôi 2ha theo mô hình lúa - cá, đạt hiệu quả khá.

12/02/2014