Hướng Hóa (Quảng Trị) Cấp Miễn Phí Cây Giống Cà Phê Cho Nông Dân
Mặc dù gặp nhiều khó khăn và rủi ro trong vụ mùa năm 2013, song phần lớn nông dân trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn chọn loại cây này làm cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế.
Nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho nông dân, đồng thời tiếp tục duy trì diện tích cà phê trên địa bàn, thay vì cung cấp cây giống theo hình thức vốn đối ứng 50/50 như mọi năm, vụ mùa năm 2014, huyện Hướng Hóa sẽ cấp phát cây giống cà phê miễn phí cho nông dân.
Hướng Tân là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất của huyện Hướng Hóa. Toàn xã có 220 ha cà phê, trong đó có trên 10 ha cà phê già cỗi cần tái canh trồng mới. Anh Hồ Ta Vinh, cán bộ khuyến nông xã Hướng Tân cho biết, hiện tại giá phân bón tăng cao, nhiều nông dân trên địa bàn xã không đủ điều kiện để đầu tư cây giống, người dân rất mong nhận được sự hỗ trợ để tiếp tục duy trì diện tích cà phê.
Cũng như nhiều hộ nông dân khác, những ngày này, chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Hướng Tân đã bắt đầu triển khai làm đất, chuẩn bị trồng mới cà phê. Gia đình chị Thủy có gần 2 ha cà phê thì hơn một nửa diện tích đã già cỗi cần tái canh với số cây giống cần trồng mới khoảng 1.500 cây.
Tuy nhiên, vụ mùa năm 2013, cà phê đem lại thu nhập quá thấp khiến việc đầu tư trồng mới đối với gia đình chị Thủy gặp không ít khó khăn.
Chị Thủy cho biết: “Vụ mùa cà phê năm ngoái gia đình phải chịu lỗ. Năm nay, gia đình trồng mới nhiều nên phải đầu tư vốn khá nhiều cho việc bón phân, công làm đất. Chỉ mong được nhà nước đầu tư giống hoặc phân bón cho nông dân trồng cà phê chúng tôi đỡ đi một phần chi phí và tiếp tục duy trì cây cà phê”.
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn mà nông dân trồng cà phê đang gặp phải, năm 2014, huyện Hướng Hóa trích 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách của huyện để đầu tư 15 vạn cây giống hỗ trợ cho nông dân. Ngoài ra, người trồng cà phê tại Hướng Hóa cũng sẽ nhận sự hỗ trợ về giống cây từ Trung tâm giống cây trồng vật nuôi, từ chương trình hỗ trợ của Đoàn KT- QP 337 và tổ chức Tầm nhìn Thế giới. Tổng số cây giống từ nguồn ngân sách của huyện và các đơn vị hỗ trợ cho việc trồng mới cà phê năm 2014 là 22 vạn cây.
Nói thêm về chính sách hỗ trợ cây giống cho nông dân, ông Hồ Quốc Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho biết: “Đến hiện tại, đã có 5 xã đăng ký hỗ trợ giống cây cà phê. Phòng Nông nghiệp huyện sẽ căn cứ vào tỷ lệ, nhu cầu của từng địa phương để cấp giống.
Thực hiện chủ trương của huyện năm nay chúng tôi cấp giống hỗ trợ 100%, không thu một đồng nào của dân. So với những năm trước có sự đối ứng, sự quản lý còn lơi lỏng, năm nay với việc hỗ trợ 100%, việc kiểm tra, giám sát sẽ đảm bảo chặt chẽ để người dân được hưởng lợi từ chính sách của nhà nước. Việc đầu tư hỗ trợ cây giống sẽ góp phần tích cực nhằm duy trì diện tích cà phê trên địa bàn”.
Với những chính sách hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền cũng như các đơn vị, hy vọng nông dân huyện Hướng Hóa sẽ giảm bớt khó khăn, tiếp tục đưa cà phê trở thành loại cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Các vùng biển nước ta có nhiều san hô như Hải Vân - Sơn Trà (Đà Nẵng), quần đảo Trường Sa, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hà Tiên, Cù Lao Chàm, vịnh Nha Trang, Ninh Hải, Cà Ná…
Lễ hội Khai hạ là một lễ hội độc đáo mới được huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) phục dựng trong vài năm trở lại đây. Nó được diễn ra vào mùa xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan.
Gần Tết Giáp Ngọ, một niềm vui mới đến với người dân vùng Cùa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), khi tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố sản phẩm cao lá vằng nằm trong Danh sách 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Từ đê tả Hồng, men theo con đường đất dài khoảng 2km là đến vùng đất bãi bồi sông Hồng thuộc xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Trong tiết trời xuân, nhiều loại cây trồng bên 2 ven đường bắt đầu bật những chồi non, xa xa là cánh đồng chuối trải dài tít tắp, xanh biếc cả một vùng trời.
Chúng tôi có cuộc hành trình đến những trang trại của các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ bàn tay trắng, với nghị lực vượt khó, họ đã thành tỷ phú trên vùng cao.