Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khá Giả Nhờ Nuôi Cút

Khá Giả Nhờ Nuôi Cút
Ngày đăng: 11/02/2014

Nói đến mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở xã Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa - Phú Yên), nhiều người nhắc đến tinh thần và ý chí vượt khó của vợ chồng anh Lê Kim Thịnh. Việc mạnh dạn áp dụng kỹ thuật nuôi cút sau hơn 4 năm (2009 đến nay), không chỉ giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn vươn lên khấm khá.

Anh Thịnh tâm sự, sau khi lập gia đình, hai vợ chồng đã cố gắng xoay sở, bươn chải ngược xuôi làm đủ nghề để mưu sinh nhưng vẫn không lo đủ cái ăn, cái mặc cho các con. Năm 1992 đến năm 1994, anh nhận khoán của Hợp tác xã Hòa Hiệp Bắc chiếc máy cày để cày ruộng và vận chuyển thuê, nhưng thu nhập cũng không đủ trang trải cuộc sống. Bước ngoặt đến với anh là được Hội Làm vườn xã tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Làm vườn thôn Mỹ Hòa (Hòa Hiệp Bắc).

Vào hội, anh được tham quan và tập huấn kỹ thuật cây trồng, vật nuôi do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức. Từ đó anh tìm hiểu những cây, con thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và cuối cùng, chim cút là vật nuôi được anh lựa chọn.

Sau khi đã nắm bắt kỹ thuật về vật nuôi này, năm 2009, vợ chồng anh quyết định vay vốn Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Đông Hòa để mua con giống và xây dựng chuồng trại. Ban đầu anh chỉ nuôi thử nghiệm 4.000 con. Sau một thời gian, thấy nuôi cút cho lợi nhuận cao, vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư tăng gấp đôi số lượng nuôi.

Hiện nay số cút đang đẻ là trên 9.000 con, sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y các loại, vợ chồng anh Thịnh “bỏ túi” 50 triệu đồng/năm. Nếu tính lợi nhuận từ cả số cút bị thải loại bán thịt, 3 con heo nái giống Yorkshire (mỗi năm đẻ 2 lứa) và 3 sào ruộng, gia đình anh thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.

Theo anh Lê Kim Thịnh, kỹ thuật nuôi cút không khó. Thời gian để một con chim cút trưởng thành và đẻ trứng khoảng 40 ngày (chim bói). Sau 2 tháng chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ ổn định, số lượng chim đẻ trứng khoảng 85-90%. Ưu thế nổi trội của chim cút là liên tục đẻ trứng trong vòng 7 tháng. Sau khoảng thời gian trên thì năng suất trứng giảm dần, lứa chim này được thải loại bán cho tư thương với giá 30.000 đến 35.000 đồng/ký.

Theo chân vợ chồng anh để “mục sở thị” mới thấy anh bố trí chuồng trại một cách khoa học, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông và xa khu dân cư nhằm tránh ô nhiễm môi trường. Chuồng cao 1,5m, ngăn nhiều ô, cách mặt đất 5 đến 7cm. Hệ thống máng ăn được làm bằng tôn dọc chuồng cút; thức ăn của cút là cám hỗn hợp Con cò C34, 7790, giàu chất bột, đạm, khoáng vi lượng để cút nhanh đẻ trứng.

Bên cạnh đó, hệ thống máng uống nước bằng nhựa được lắp chạy dọc khắp chuồng cút. Anh Thịnh cho biết: “Nước uống phải sạch, chuồng cần thoáng mát để giảm dịch bệnh cho cút. Cần phải thắp điện trong chuồng để giữ nhiệt độ khoảng 30 độ C là hợp lý nhất”.

Nhờ luôn giữ sạch sẽ, thoáng mát, ấm áp nên cút của gia đình ít có nguy cơ bị bệnh dịch. Anh cho biết thêm: Nuôi chim cút đòi hỏi mật độ nuôi không quá dày (50 đến 60 con/m2). Riêng mùa đông, do thời tiết lạnh nên cần đảm bảo ánh sáng và tăng mật độ nuôi ở mức 70 đến 80 con/m2 để giữ ấm. Đợt lạnh cuối năm 2013 và đầu năm 2014 đàn cút của anh Thịnh không bị ảnh hưởng là nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật ấp ủ.

Chị Lê Thị Liện, vợ anh Thịnh phấn khởi nói: “Nhờ chính quyền các cấp, trung tâm Khuyến nông, Hội Làm vườn và Ngân hàng NN-PTNT tạo điều kiện cho chúng tôi vay vốn, tiếp cận các kỹ thuật mới về nuôi cút nên kinh tế gia đình khấm khá hơn, có điều kiện nuôi 2 con học đại học và 2 con học phổ thông”.

Ông Trần Hạnh, Phó chủ tịch UBMTTQ, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Đông Hòa, đánh giá: “Anh Lê Kim Thịnh, không chỉ giỏi về áp dụng kỹ thuật mới nuôi cút, làm giàu mà còn giúp đỡ nhiều gia đình về kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ, để bà con có điều kiện vươn lên. Mô hình nuôi cút khá hiệu quả của gia đình anh Lê Kim Thịnh đáng được nhân rộng để mọi người thực hiện theo”.


Có thể bạn quan tâm

Mỗi Ngày Có Khoảng 1.700 Tấn Vải Tươi Vào Thị Trường Trung Quốc Mỗi Ngày Có Khoảng 1.700 Tấn Vải Tươi Vào Thị Trường Trung Quốc

Theo số liệu của Bộ Công Thương, dự kiến năm 2014 tổng sản lượng vải thiều của cả nước đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 13,6% so với niên vụ 2013, với tỉ lệ tiêu thụ trong nước bình quân chiếm 60% và xuất khẩu chiếm khoảng 40% tổng sản lượng.

28/06/2014
Vụ Sắn 2014 Mất Mùa, Rớt Giá Vụ Sắn 2014 Mất Mùa, Rớt Giá

Mặc dù đã vào mùa thu hoạch nhưng gần một tháng qua, nhiều người trồng sắn ở Phú Yên vẫn chưa muốn nhổ sắn bán với lý do tiền thuê nhân công cao, trong khi giá thu mua quá thấp, chỉ 1.100- 1.200 đồng/kg sắn tươi. Với giá này, các hộ dân bán 5kg sắn vẫn chưa mua được ly càphê đá bình dân.

28/11/2014
Hoa Kỳ Duy Trì Vị Trí Nhập Khẩu Thủy Sản Hàng Đầu Của Việt Nam Hoa Kỳ Duy Trì Vị Trí Nhập Khẩu Thủy Sản Hàng Đầu Của Việt Nam

Trong 11 tháng, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản khoảng 957 triệu USD, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2013. Hai thị trường Việt Nam nhập khẩu chính là Ấn Độ (34,2%) và Đài Loan (chiếm 7,1%). Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập khẩu thủy sản lớn thứ 6, chiếm 3,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ thị trường này tính đến hết tháng 10 đã tăng đáng kể (tăng 68,9%) so với cùng kỳ năm 2013.

28/11/2014
Giá Dừa Khô Giảm Khoảng 20.000 Đ/chục Giá Dừa Khô Giảm Khoảng 20.000 Đ/chục

Trong vài tháng qua, giá dừa khô ổn định ở mức khá, nhưng hiện giá thu mua tại vườn đã giảm khoảng 20.000 đ/chục so với cách nay 1 tuần. Theo các nhà vườn ở Trà Ôn (Vĩnh Long), hiện giá dừa được bán ở mức giá 60.000 đ/chục (12 trái loại vừa và lớn, trái nhỏ 14 trái).

28/11/2014
Khánh Hòa Chuyển Giao Kỹ Thuật Trồng Rong Nho Trên Vỉ Khánh Hòa Chuyển Giao Kỹ Thuật Trồng Rong Nho Trên Vỉ

Cách đây 10 năm, một số người dân tại thôn Đông Hà, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã đưa giống rong nho từ Nhật Bản về trồng thử nghiệm tại địa phương. Từ đó đến nay giống cây này không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành sản phẩm xuất khẩu cho thu nhập cao.

30/06/2014