Hướng Đến Cung Ứng Giống Tôm Càng Xanh Cho Vùng Đổng Bằng Sông Cửu Long
Tôm càng xanh là một trong những đối tượng nuôi chủ lực sau cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL. Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song, nguồn tôm giống chất lượng để phục vụ yêu cầu mở rộng diện tích nuôi vẫn chưa đảm bảo. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, TP Cần Thơ đang hướng đến cung ứng các loại giống nông nghiệp cho vùng ĐBSCL, trong đó có giống tôm càng xanh.
Nhiều lợi thế song cũng lắm khó khăn
Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, hàng năm, diện tích nuôi tôm càng xanh của thành phố dao động từ 100 - 200ha và tập trung ở một số quận, huyện như Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh,… Ông Nguyễn Hữu Huynh, khu vực Hòa An B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với con tôm càng xanh hơn 10 năm nay. Với 2 ha chuyên nuôi tôm càng xanh luân canh trên nền đất lúa, mỗi vụ tôm cho thu hoạch bình quân 1,6 tấn, nếu trừ hết chi phí lợi nhuận từ 90-100 triệu đồng/năm”. Theo ông Huynh, lợi nhuận nuôi tôm càng xanh gấp đôi trồng lúa nhưng mô hình luân canh 1 lúa-1 tôm là bền vững nhất vì canh tác lúa sẽ giảm lượng phân bón sử dụng, tăng năng suất; đồng thời giảm được lượng mùn bã hữu cơ và góp phần ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi.
Hiện nay, tình hình nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, một số địa phương có xu hướng chuyển một phần diện tích sang nuôi tôm càng xanh nên nhu cầu tôm giống rất lớn. Song, nguồn cung trong nước không đảm bảo nên một số trại giống phải nhập khẩu giống từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan để cung ứng lại cho người nuôi tôm.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp thành phố, mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển nhưng vấn đề sắp xếp lại quy trình sản xuất giống tôm càng xanh ở Cần Thơ là rất cần thiết. Bởi lẽ thời gian qua, sản xuất giống tôm càng xanh của thành phố còn gặp không ít khó khăn. Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố, cho biết: “Lúc cao điểm (năm 2006-2007) TP Cần Thơ có khoảng 50 trại giống tôm càng xanh, diện tích nuôi trên ruộng lúa lên đến 500ha. Tuy nhiên, do quy trình sản xuất giống còn thủ công nên chất lượng tôm giống chưa ổn định.
Song song đó, thị trường tôm giống ở Cần Thơ có sự cạnh tranh lớn từ nguồn tôm giống giá rẻ, không rõ nguồn gốc dẫn đến số trại giống giảm đáng kể. Hiện nay, cả thành phố còn chưa đến 10 trại giống tôm càng xanh. Mặc dù vậy, TP Cần Thơ vẫn có nhiều khả năng để phát triển dịch vụ cung ứng giống tôm càng xanh phục vụ nhu cầu cho người dân trong và ngoài thành phố.
Hoàn thiện quy trình sản xuất giống
Theo ngành nông nghiệp thành phố, yêu cầu hoàn thiện quy trình sản xuất tôm giống trên cơ sở liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học với các trại giống tư nhân để chuyển giao tôm giống chất lượng cho người nuôi là vấn đề quan trọng nhất. Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố, cho biết: Nhu cầu giống tôm càng xanh ở ĐBSCL lớn, song quy trình sản xuất giống cần đầu tư chất xám tương đối nhiều nên không phải tỉnh, thành nào cũng làm được. Tuy nhiên, do quy trình sản xuất giống chưa ổn định, chính sách ưu đãi cho người nuôi chưa tương xứng nên vài năm gần đây giảm số trại giống lẫn số lượng giống cung ra thị trường.
Đối với sản xuất giống tôm càng xanh, Cần Thơ vẫn được xem là 1 trong những nơi cung cấp giống đứng đầu vùng ĐBSCL với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đến từ các viện, trường trên địa bàn. Xác định khả năng nghiên cứu, ươm tạo ra nguồn giống tôm càng xanh phục vụ cho yêu cầu mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh ở ĐBSCL, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố đang đề nghị Trường Đại học Cần Thơ cùng Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện công trình nghiên cứu khoa học hoàn thiện quy trình sản xuất giống tôm càng xanh để chuyển giao cho các hộ chuyên doanh giống tôm càng xanh.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ (Sở NN&PTNN TP Cần Thơ), cho biết: “Năm 2012, Trung tâm đã thử nghiệm quy trình ươm giống tôm càng xanh để cung cấp cho một số hộ nuôi trên địa bàn thành phố. Với thành công bước đầu về mặt kỹ thuật và chất lượng nguồn giống, Trung tâm đang tiếp tục đầu tư nâng cấp trại giống hiện có để chuyển đổi sang quy trình nuôi tuần hoàn. Việc đầu tư nâng cấp trại giống phấn đấu sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động trong năm 2013 với khả năng cung cấp giống tôm càng xanh đạt khoảng 2 triệu con post/năm”.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Để sản xuất được nguồn giống tôm càng xanh đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sống cao thì quy mô đầu tư và công nghệ sản xuất giống phải hiện đại và bài bản. Vấn đề hiện nay đòi hỏi phải phát triển thị trường đi đôi với kêu gọi đầu tư tương xứng cho sản xuất tôm nuôi lẫn tôm giống.
Ngoài đầu tư hoàn hiện cơ sở hạ tầng cho Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ, thành phố cũng đang xây dựng Trung tâm giống cấp 1 về thủy sản tại huyện Vĩnh Thạnh để nghiên cứu tạo ra nguồn tôm giống bố mẹ để chuyển giao cho các trại giống tư nhân ươm tạo giống và cung ứng lại cho nông dân”. Theo ông Quỳnh, việc đầu tư nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất giống tôm càng xanh đang được ngành nông nghiệp thành phố chú trọng thực hiện.
Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư nghiên cứu nguồn giống gốc đảm bảo chất lượng và chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển hệ thống giống tư nhân để cung ứng giống ra thị trường. Đây cũng là cơ sở để TP Cần Thơ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm cung ứng giống nông nghiệp và giống thủy sản cho vùng ĐBSCL theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp dịch vụ của thành phố.
Có thể bạn quan tâm
Trong số 7 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, của huyện giai đoạn 2010-2015 ở huyện Xuân Trường, đến nay đã có 1 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt 16 tiêu chí, còn lại đạt 11-15 tiêu chí. Để nỗ lực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, huyện Xuân Trường chỉ đạo các xã tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.
Thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê là một trong những địa phương có truyền thống sản xuất cây rau giống không chỉ để cung cấp cho các xã trong địa bàn huyện, mà còn đưa ra các địa bàn lân cận và các tỉnh phía Bắc. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên vụ đông năm nay toàn thôn có gần 7ha sản xuất cây rau giống, tập trung chủ yếu ở các khu: 1,2,3. Từ nghề này nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên làm giàu.
Hơn 3 năm qua, mô hình tổ hợp tác (THT) sản xuất nước mắm của Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã góp phần tăng thêm thu nhập, tạo việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn, đặc biệt là những phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch phải đi trước một bước. Sau gần 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong khi một số xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị cán đích thì nhiều địa phương vẫn còn loay hoay với tiêu chí quy hoạch.
Nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, những năm qua, xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) đã tập trung vận động bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất vụ đông theo hướng đa dạng trong cơ cấu sản xuất.