Trồng Cao Su Kết Hợp Nuôi Gà, Một Hướng Đi An Toàn
Đó là mô hình của anh Bùi Nhật Tân ở thôn Cát, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đã hơn 2 năm nay, kể từ khi vườn cây cao su hơn 1ha của gia đình anh cũng như nhiều gia đình trong xã bị bão tàn phá, trong khi nhiều gia đình đang boăn khoăn không biết phải kiếm kế mưu sinh như thế nào thì anh Tân đã quyết tâm tìm một hướng đi mới, không thể dựa dẫm mãi vào nguồn lợi từ cây cao su, hai vợ chồng anh tìm tòi học hỏi và quyết định mở mô hình kết hợp trang trại trên đồi cây cao su.
Để thành lập trang trại, anh Tân bỏ công việc cắt tóc đang có thu nhập khá ở chợ. Ban đầu, với số vốn vay gần trăm triệu đồng, anh Tân đã đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm để xây dựng trang trại cũng như tìm mua con giống có chất lượng để nuôi. Anh kể: “Khi mới thành lập trang trại ai cũng cho rằng sẽ không thành công vì dưới tán cây cao su độ ẩm lớn, không có ánh nắng mặt trời, gà sẽ dễ sinh bệnh, nhưng hai vợ chồng mình đã quyết là làm”.
Năm đầu do bắt đầu nuôi vào mùa đông, lại chưa có kinh nghiệm nên gà bị dịch đậu chết gần hết, anh bị lỗ gần 20 triệu đồng. Trong lúc cao su chưa phục hồi sau bão, gà chết, lâm vào tình trạng khó khăn, anh phải bán mảnh đất nhỏ của mình ở chợ để có vốn tiếp tục đầu tư. Rút kinh nghiệm, năm sau anh cẩn thận hơn, mua số lượng con giống phù hợp với diện tích trang trại, bên cạnh đó anh mua thêm sách vở, học tập kinh nghiệm những người đi trước. Nhờ áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh và chế độ cho ăn hợp lý, năm thứ hai gia đình anh bán được hai lứa gà, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 25 triệu đồng mỗi lứa.
Anh cho biết: “Chỉ cần chịu khó là thành công, vì ở rừng cao su sẵn chất đốt nên nhà mình không mua bột tăng trọng mà xay gạo lứt và nấu cho gà ăn, trong khi nấu lại cho thêm vài tép tỏi sẽ phòng được bệnh cho gà, gà không ăn bột tăng trọng, lại ở rừng cao su sẵn mồi nên thịt chắc và ngon, không cần mang ra chợ bán mà thương lái đến tận nơi để đặt mua, chủ động được đầu ra cho sản phẩm”.
Thành công từ những lứa nuôi đầu tiên, anh Tân quyết định đầu tư thêm tiền để mở mang trang trại, hiện nay với diện tích mặt bằng chuồng trại hơn 500 m2 anh quy hoạch nuôi gần 2.000 con gà. Có nguồn lợi chắc chắn từ nuôi gà, anh mua thêm bò, chim bồ câu và ngỗng, xây trại và chuyển cả gia đình lên vườn cao su sinh sống. Tổng hợp các nguồn thu từ trang trại mỗi năm ước tính cho lãi gần 100 triệu đồng, mô hình của anh được nhiều người đến tìm hiểu và học hỏi.
Ông Nguyễn Thế Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Tân hồ hởi: “Mô hình nuôi gà kết hợp trên vườn cây cao su là một hướng đi mới, an toàn, được nhiều hộ gia đình trong xã học hỏi và phát huy vì mang lại lợi ích kinh tế cao, xã cũng tạo điều kiện và khuyến khích người dân nhân rộng và phát triển mô hình này”.
Cơn bão số 10 và 11 vừa qua mặc dù một phần cao su của gia đình anh Tân bị gãy đổ, trong khi nhiều gia đình còn đang điêu đứng vì kế sinh nhai, anh Tân vẫn an tâm mở rộng sản xuất vì đối với anh, “trời không phụ lòng người, chỉ cần mình chịu khó, quyết tâm tìm hiểu, học hỏi thì sẽ thành công”, anh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Bài học từ những lần thất bại “tối mắt, tối mũi” đã giúp anh Phùng Hoàng Giang (36 tuổi, xã Long Thạnh, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) thành công với nghề nuôi ba ba giống.
Tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) có gần 18.500 con. Bà con nông hộ thường chọn nuôi các giống bò ngoại như: Bradman, RedShinhi, Sahiwal, Lymousine và bò lai tạo từ bò địa phương với các giống bò ngoại, phân bố tập trung tại các xã An Thạnh, Thành Thới A, Đa Phước Hội và Tân Trung.
Nhắc đến gà sạch thơm ngon Bắc Giang mọi người nghĩ ngay đến gà đồi Yên Thế. Thế nhưng đối với gà đồi của huyện Sơn Động cũng có chất lượng rất ngon được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm mua.
Từ vị thế một sản phẩm độc quyền của VN, chỉ sau vài năm mặt hàng cá tra xuất khẩu đã rớt giá thê thảm. Đáng buồn hơn, ngành này còn để lại một ấn tượng xấu cho khách hàng nước ngoài về kiểu làm ăn chụp giật, bát nháo, tự phá giá lẫn nhau của doanh nghiệp Việt…
Nhiều nông dân đã mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới từ việc nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học trong việc chăn nuôi, sản xuất của mình. Nhờ những ứng dụng này, không chỉ hiệu quả sản xuất tăng cao mà còn mở ra những hướng mới cho người nông dân trong công việc.