Hưng Yên triển vọng mới từ mô hình trồng rau thủy canh
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Hưng Yên, anh Tùng chưa một lần được thử làm công việc của người nông dân. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Kinh tế kỹ thuật Tô Hiệu, anh mở cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên). Vài năm sau, nhận thấy thị trường có nhu cầu về dưa chuột bao tử xuất khẩu, anh Tùng chuyển sang việc thu mua và đóng gói dưa xuất khẩu. Anh Tùng thu mua dưa tại một số xã trên địa bàn các huyện Tiên Lữ và Phù Cừ.
Những năm đầu, cây dưa chuột bao tử cho năng suất cao và chất lượng tốt. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, năng suất cây dưa giảm rõ rệt do cây mắc nhiều bệnh. Tìm hiểu anh được biết, do đất nhiễm khuẩn nên cây dưa khó sinh trưởng và phát triển bình thường.
Từ thực tế đó, anh trăn trở suy nghĩ, muốn nâng cao năng suất cần phải thay đổi cách trồng theo kiểu truyền thống. Trong khi đang trăn trở tìm kiếm cách trồng cây mới, anh gặp một người bạn cũ học cùng trường và được bạn giới thiệu cho mô hình trồng cây thủy canh trong nhà kính.
Anh Tùng chia sẻ: “Tôi có tìm hiểu một số mô hình trồng rau thủy canh của nước ngoài nhưng được biết khi áp dụng ở Việt Nam lại không hiệu quả. Vì thế tôi bắt đầu mày mò để điều chế ra dưỡng chất thủy canh”.
Mặc dù nhiều người bảo rằng anh bị “hâm” khi đi làm công việc dở hơi ấy nhưng được sự hỗ trợ đắc lực của vợ, anh Tùng như có thêm sức mạnh để thực hiện ý tưởng của mình. Với kiến thức được học trong trường và kinh nghiệm nhiều năm bán thuốc BVTV, anh Tùng ngày đêm mày mò để điều chế dưỡng chất thủy canh.
Sau tính toán các công thức, nồng độ pha chế, anh đã hoàn thành sản phẩm dưỡng chất thủy canh. Đầu tiên, anh trồng thử rau muống, tuy nhiên, kết quả không như mong đợi, cây rau muống bị cằn cỗi, héo úa. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục nghiên cứu, thay đổi tỷ lệ pha trộn để được dưỡng chất thủy canh mới. Nhưng một lần nữa may mắn chưa mỉm cười với anh, cây trồng vẫn không sống được trên dưỡng chất thủy canh.
Thất bại không nản lòng, niềm đam mê “rau thủy canh” đã thôi thúc anh Tùng làm việc và thành công đã đến với anh. Sau nhiều lần thay đổi tỷ lệ pha chế, các loại rau đã bắt đầu sinh trưởng, phát triển trên dưỡng chất thủy canh. Nhiều lứa rau thu hoạch thành công từ trồng trên dưỡng chất thủy canh.
Anh Tùng mạnh dạn bắt tay vào làm hệ thống nhà kính và trồng cây với hệ thống thủy canh hồi lưu. Với hệ thống thủy canh hồi lưu, cây được trồng trong cốc có chứa giá thể thủy canh và đặt trong hệ thống giá đỡ. Nước được bơm từ bể chứa lên hệ thống ống nhựa, sau đó chảy xuống quay về bể chứa thành một vòng tuần hoàn kép kín, như vậy nước sẽ không bị rơi ra ngoài mà đi theo đường ống để cung cấp các chất dinh dưỡng cho rau phát triển.
Máy bơm được điều kiển bằng hệ thống mạch điện tử sẽ tự động bơm tưới, do vậy trong suốt quá trình từ khi trồng rau cho đến khi thu hoạch sẽ không phải tưới hay chăm sóc cho rau. Hiện mô hình thủy canh của anh Tùng đã cho thu hoạch. Anh cho biết, rau và cây trồng trên dưỡng chất thủy canh có năng suất cao hơn gấp 2 - 3 lần cây trồng trên đất. Hơn nữa, do được trồng trong môi trường bảo đảm nên rau thủy canh là sản phẩm sạch được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Theo ngành chuyên môn, mô hình trồng rau thủy canh mang lại nhiều lợi ích như: không phải tốn công làm đất, không cần tưới, không phải lo lắng đến việc trừ cỏ dại, trừ sâu và các côn trùng có hại trong đất, cây sẽ sinh trưởng và phát triển nhanh có thể trồng liên tục, không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình gặp phải một số khó khăn như: vốn đầu tư ban đầu cao do chi phí về trang thiết bị, làm nhà kính; người nông dân cần có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mới nắm vững được các quy trình sản xuất rau thủy canh…Để đáp ứng nhu cầu về rau sạch trên thị trường, mô hình trồng rau thủy canh có thể mở hướng đi mới cho nhiều người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
“Con gì tám cẳng hai càng; không đi mà lại bò ngang cả ngày” - câu đố dân gian về con cua nay bỗng dưng trở thành thời sự tại xứ sở Cà Mau - nơi con cua biển đang “mang họa” vì cái tên “Trung Quốc”. Cách đây hơn một năm, con cua biển Năm Căn (Cà Mau) bầm giập vì thương lái thu mua quên trả tiền, nay người nuôi cua biển mang nỗi hàm oan “cua Trung Quốc” khiến con cua có nguy cơ “gãy càng” trước khi được công nhận thương hiệu quốc gia.
Sông Vàm Cỏ Đông lâu nay bị các cơ sở sản xuất chế biến mì, cao su nằm ven bờ tận dụng để xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước. Thời gian qua, Sở Tài nguyên - Môi trường Tây Ninh đã tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm một số cơ sở có hành vi vi phạm nói trên.
Ngày 19-8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký Quyết định số 1451/QĐ-TTg cấp bổ sung kinh phí bù hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia. Theo đó, bổ sung 149 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2014 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua bù 4.040 tấn hạt giống lúa, 353 tấn hạt giống ngô và 110 tấn hạt giống rau đưa vào dự trữ quốc gia.
Đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có gần 3,1 triệu con, giảm 5,54% (tương đương 181.280 con) so với tháng 4/2014. Trong đó, đàn gà giảm 4,02% (tương đương 44.600 con); đàn vịt giảm 6,88% (giảm 140.270 con). Đàn gia cầm giảm do người chăn nuôi sợ dịch bệnh, nhất là các hộ nuôi vịt thời vụ cũng giảm mạnh do không có đồng để nuôi thả vịt chạy đàn.
Theo tin từ Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An, từ ngày 26/8/2014, Công ty NT Vegetable - Nhật Bản bắt đầu chuyến công tác trực tiếp sang Việt Nam và sẽ tiến hành khảo sát về sản phẩm gừng sản xuất trên địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn - tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những cơ hội quan trọng để củ gừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An có thể phát huy giá trị kinh tế.