Hậu Giang Mất Mùa Bưởi Tết
Hiện nay, nhà vườn trồng bưởi để bán trái vào dịp Tết Nguyên đán ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đang thất vọng vì mất mùa. Sau một năm đầu tư chăm sóc, người trồng bưởi kỳ vọng cho thu nhập cao, có điều kiện chăm chút cho ngày Tết đủ đầy hơn nhưng giờ chỉ mong không bị thua lỗ...
Nhiều nhà vườn ở Châu Thành ngậm ngùi chăm sóc vườn bưởi thưa thớt trái như thế này.
Nếu như năm trước, bà con ai cũng hả hê với mùa bưởi Tết, vì trúng mùa, được giá, thì năm nay, tuy còn hơn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng xứ bưởi hồ lô có hình chữ “Tài Lộc” nổi tiếng này đang tiếc nuối vì thất mùa. Đi vào vườn bưởi thưa thớt trái ở các xã như Phú Hữu, Phú Tân... mới thấu hiểu nỗi thất vọng của các nhà vườn.
Anh Lê Văn Tấn Em ở xã Phú Hữu, kể rằng: Năm vừa rồi chỉ với 180 gốc bưởi nhưng cũng kiếm hàng trăm triệu đồng nhờ làm thêm bưởi hồ lô. Vì vậy, năm nay anh không ngại đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, thực hiện các bước theo quy trình cho bưởi ra hoa, kết trái trễ một tháng (vì năm nay nhuận hai tháng 9 âm lịch), để làm bưởi hồ lô với số lượng nhiều hơn. Nhưng không hiểu vì sao, cây bưởi ít ra hoa, rụng cũng nhiều, đến khi kết trái cũng bị rụng.
Số trái không rụng thì nhỏ, méo mó, nên việc chọn trái bưởi đúng chuẩn để làm bưởi hồ lô không được là bao nhiêu. Anh Tấn Em cho biết: “Vườn ai cũng bị rụng trái, sản lượng giảm khoảng 70%. Ngay như vườn bưởi nhà tôi chỉ chọn được khoảng một trăm trái để làm bưởi hồ lô, nhưng loại nhất chỉ 30 trái, còn lại là bưởi loại nhì thôi”.
Ở Câu lạc bộ (CLB) tạo hình bưởi hồ lô ấp Phú Trí A, xã Phú Tân (Châu Thành) cũng chung cảnh ngộ, tỷ lệ trái non đầu vụ bị rụng từ 60%-70%. Theo anh Huỳnh Phước Giòn, thành viên CLB, vụ bưởi tết năm nay, ngoài diện tích hiện hữu như mọi năm, để đón mùa bưởi Tết anh cũng cất công lặn lội đặt mua thêm hơn 500 gốc bưởi của các nhà vườn khác (bưởi lá) để chăm sóc và tạo hình hồ lô nhưng sản lượng đạt chuẩn cũng chẳng là bao.
Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB bưởi tạo hình bưởi hồ lô ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, nhìn nhận: “Việc xử lý bưởi ra hoa vẫn được các thành viên thực hiện đúng quy trình như mọi năm, đến khi ra trái non được một tháng thì trái bắt đầu rụng nhưng chưa rõ nguyên nhân”.
Theo ông Võ Trung Thành, để đảm bảo số lượng sản phẩm theo đặt hàng như mọi năm, ngoài 17 ha trong CLB, ngay đầu vụ, các thành viên của câu lạc bộ phải đến tận các vườn đặt mua bưởi thương phẩm với số lượng nhiều hơn để khấu trừ tỷ lệ hao hụt. Năm nay số lượng mà CLB chuẩn bị lên tới hơn một nghìn gốc bưởi để đầu tư chăm sóc tạo dáng hồ lô cung ra thị trường Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, năng suất năm nay giảm khoảng 60% so với năm trước, do bưởi không đậu trái và rụng trái non trong lúc tạo dáng hồ lô. Nếu như Tết năm trước, CLB cung cấp ra thị trường gần mười nhìn trái bưởi hồ lô, thì năm nay khả năng chỉ đạt sản lượng năm nghìn trái nhưng chất lượng trái cũng không bằng như mọi năm.
Tình trạng bưởi ra hoa ít và rụng trái non trong vụ bưởi Tết này, theo nhiều nhà vườn ở đây cho rằng do thời tiết thất thường, năm nhuận nên nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến muộn, mưa nhiều và kéo dài khiến cây bưởi bị úng nước sau thời gian khô hạn. Mặc khác, việc phòng trị sâu đục trái trên cây bưởi cũng chưa triệt để.
Theo ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành (Hậu Giang), huyện có khoảng 1,5 nghìn ha vườn bưởi năm roi. Những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà vườn sử dụng kỹ thuật để sản xuất bưởi hồ lô bán có giá, thu lợi nhuận cao vào dịp Tết, sản lượng không ngừng tăng lên.
Từ 20 nghìn trái lên 25 nghìn, rồi 30 nghìn trái bưởi hồ lô được cung ứng cho thị trường vào dịp Tết. Nhưng năm nay, do tình trạng ít ra hoa, rụng trái nhiều nên sản lượng giảm đáng kể, không chỉ bưởi tạo hình hồ lô mà bưởi thường cũng giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của bà con.
Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB bưởi tạo hình bưởi hồ lô ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, nhận định: Mặc dù còn hơn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hiện nay đã có rất nhiều mối buôn tìm đến câu lạc bộ để đặt hàng, trong khi sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, nhiều khả năng giá bưởi hồ lô trong dịp Tết Ất Mùi này có thể sẽ tăng từ 15 - 20% so với năm rồi, do khan hiếm hàng.
Chuyện “thất mùa, trúng giá” cũng là quy luật của thị trường. Đối với các nhà vườn bưởi ở Châu Thành năm nay được xem là thất thu. Vì thế, họ đành ngậm ngùi chăm sóc số bưởi, kể cả bưởi thường (không tạo hình hồ lô), với hy vọng giá sẽ tăng, nhằm kiếm thêm thu nhập và không phải bị thua lỗ...
Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Hau-Giang-Mat-mua-buoi-Tet-108-48780.html
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu tháng 2-2013 đến nay, các sân nghêu khu vực biển Tân Thành huyện Gò Công Đông, Tiền Giang chết hàng loạt với diện tích nghêu chết cao kỷ lục hơn 1.300 ha, ước thiệt hại gần 300 tỉ đồng. Dù chưa, xác định được chính xác tác nhân chính gây chết nghêu nhưng cả người dân và cơ quan chức năng bước đầu đều nhận định có thể do ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Hàng chục hộ dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm vừa hoàn tất vụ thu hoạch. Kết quả mang lại khả quan với 1 ha trong mô hình, thời gian nuôi 6 tháng, các hộ thu được hơn 1.800 kg tôm càng xanh thương phẩm, trị giá gần 400 triệu đồng.
Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có địa hình khá đa dạng, vừa có đặc trưng của đồng bằng châu thổ, vừa có đặc trưng của vùng bán sơn địa với núi, sông, bãi, hồ, hang động.
Khi người dân nhiều vùng nuôi tôm kêu trời không thấu vì dịch bệnh tôm chết liên miên, giá cả lên xuống thất thường, thì những con người thầm lặng thuở nào bám giữ ruộng đồng và nặng tình với con cá có thể ung dung "kê cao gối ngủ". Bởi con cá đồng sau một thời gian chìm nổi đã bắt đầu tìm lại chỗ đứng của mình như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho công khó nhọc của người nông dân.
Hiện tượng nghêu chết đang xảy ra cục bộ tại các hợp tác xã (HTX) nghêu thuộc địa bàn 3 huyện ven biển, mà chưa rõ nguyên do.