Chuyển Đổi Cơ Cấu Giống Cây Trồng Ở Khâu Piai

Theo chân anh Dũng - cán bộ xã Mậu Duệ (yên Minh), chúng tôi vượt qua gần 5km đường núi quanh co với độ dốc lớn từ trung tâm xã đến Khâu Piai, một thôn vùng cao của xã Mậu Duệ. Những năm gần đây, nhờ sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, năng suất lúa, ngô đã tăng đáng kể; sản lượng lương thực ngày một cao, đời sống của người dân cũng đỡ vất vả hơn.
Ngay giữa tổ 1, khu trung tâm của thôn ta có thể thấy những đồi ngô xanh mướt đang trổ cờ và những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa đổ nước, làm đất chuẩn bị cho vụ Mùa.
Thấy chúng tôi đến hỏi chuyện, chị Vàng Thị Lèn dù đang cùng các con lùa đàn trâu quần ruộng, làm đất chuẩn bị cấy lúa Mùa vẫn tười cười nói: “May mắn khu này có mạch nước nguồn nên bà con trong thôn mới gieo mạ, làm đất để cấy lúa sớm đấy các chú ạ. Nhờ Nhà nước khuyến khích chuyển đổi trồng các giống lúa mới nên cũng bớt được cái đói, cái nghèo.
Các chú xem, gia đình tôi chỉ có mấy thửa ruộng quanh khu này nhưng cũng đủ thóc cho 5 miệng ăn, giống mới tốt lắm”.
Thôn Khâu Piai có 75 hộ dân, nhưng có đến 32 hộ nghèo. Tuy nhiên, Bí thư chi bộ Mua Mí Sình cho biết: “Số hộ nghèo trong thôn đã giảm đáng kể so với năm 2011 rồi đấy các anh ạ, khi trước cả thôn chỉ có hơn 70 hộ, nhưng có đến 52 hộ nghèo.
Hiện tại, ở Khâu Piai không có hộ giàu hay khá giảnhưng đời sống của bà con đã từng bước được nâng lên, bớt được cái đói nhờ có sự chuyển đổi các loại giống mới cho năng suất cao hơn”.
Theo đó, từ năm 2011 trở về trước, 100% các hộ trong thôn đều trồng giống ngô địa phương, theo thời gian, cây ngô bị thoái hóa, năng suất giảm dần. Từ những mùa vụ 2012 đến nay, cây ngô địa phương dần được thay thế bởi giống ngô lai Biosit 9698, Nk54, Nk66 và đến bây giờ là giống ngô lai NK430, giống ngô chịu lạnh, chịu hạn tốt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Khâu Piai nên cho năng suất cao, trung bình đều đạt trên 30 tạ/ha.
Cho đến nay, hầu hết hơn 20 ha đồi nương gieo trồng ngô của bà con trong thôn đều trồng giống ngô này, chỉ còn số ít diện tích bà con vẫn gieo thêm ngô Biosit 9698.
Nói về gieo cấy lúa, anh Quy - cán bộ Khuyến nông xã cho biết: Những năm gần đây, tất cả giống lúa gieo trồng ở Khâu Piai đã được chuyển đổi sang giống lúa lai Kim ưu 725 và Shan ưu cho năng suất cao hơn; trung bình đều đạt gần 50 tạ/ha. Với sản lượng, năng suất lương thực ngày càng cao đã giúp người dân Khâu Piai bớt đi những tháng ngày thiếu đói giáp hạt.
Nhìn những nóc nhà mái ngói đã nhuốm màu thời gian bên sườn đồi, chúng tôi có thể cảm nhận được người dân nơi đây vẫn còn lắm gian nan trong việc tìm hướng đi thoát nghèo. Việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu các loại giống cây trồng mới, đã phần nào giúp người dân bớt đi gánh nặng thiếu đói.
Để công cuộc XĐGN ở Khâu Piai có bước chuyển mình lớn hơn, người dân trong thôn mong muốn cấp ủy, chính quyền huyện, xã bê - tông hóa con đường liên thôn từ Kéo Hẻn đến Khâu Piai và hỗ trợ xây dựng hơn 2km kênh mương thủy lợi để điều tiết nước về đồng ruộng hiệu quả hơn, bởi Khâu Piai có nguồn nước ngầm từ khe núi chảy quanh năm, đủ cung cấp nước cho cả 2 mùa vụ; nếu được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền xây dựng hệ thống kênh mương kiên cố, có thể giúp nhân dân chủ động được nước, từ đó thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất và sản lượng lương thực trên diện tích đất hàng năm vẫn bỏ không không điều tiết được nguồn nước.
Khi đó, những diện tích ruộng đất ở Khâu Piai sẽ luôn được phủ xanh màu xanh của ngô, lúa, chắc chắn người dân Khâu Piai sẽ không còn đói và đuổi được cái nghèo vẫn đang đeo bám họ.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, vụ hoa Tết Ất Mùi 2015 toàn tỉnh có khoảng 50ha với các loại hoa chủ yếu là cúc, cát tường, thược dược, vạn thọ... So với mọi năm, vụ hoa này gặp thời tiết bất lợi nên phát sinh nhiều sâu bệnh, xảy ra hiện tượng nở sớm. Mặt khác, chi phí nhân công, phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng từ 10-15% so với năm ngoái.

Ngày 22-1, Ban chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã họp trực tuyến với các địa phương về kết quả xây dựng NTM năm 2014 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2015. Phía đầu cầu BR-VT có ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện cơ quan liên quan tham dự hội nghị.

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN cho biết, đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt thí điểm 3 tổ chức đủ điều kiện đóng mới tàu cá vỏ thép làm dịch vụ hậu cần thủy sản và 1 cá nhân đóng mới tàu khai thác thủy sản, với tổng kinh phí khoảng 143 tỷ đồng.

Được biết, tại xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) đã đầu tư thực hiện Dự án trồng rau an toàn trong nhà lưới. Mô hình này hiện đang được nhân rộng vì đạt năng suất, lợi nhuận cao. So với kiểu trồng rau thông thường, ưu điểm của việc trồng rau trong nhà lưới là ngăn ngừa được côn trùng, sâu bệnh, sản lượng rau tăng từ 3-5%, chi phí sản xuất giảm một nửa do không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, có thể trồng quanh năm, ngay cả vào mùa mưa mà không sợ bị ngập úng hay bị dập lá.

Kiên trì giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng và áp dụng quy trình sản xuất an toàn cho người tiêu dùng, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã hình thành một vùng sản xuất dưa lưới cho hiệu quả cao. Hiện nay, ngoài số dưa lưới được người trồng tiêu thụ tại chỗ theo hình thức bán lẻ cho khách du lịch, các ruộng dưa lưới tại Xuyên Mộc đều được thương lái bao tiêu sản phẩm.