Hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm cho nông dân

Khối lượng phân bón tín chấp tăng theo năm
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Trọng Đại – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh) cho biết:
Từ vụ mùa năm 2013, Hội Nông dân tỉnh bắt đầu thực hiện Đề án “Hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm cho nông dân”.
Theo đó, được sự ủy thác của Hội Nông dân tỉnh, trung tâm đã chủ động phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân.
Bà con nông dân sẽ được cung cấp đủ lượng phân bón theo nhu cầu nhưng chưa cần phải thanh toán tiền ngay từ đầu vụ, mà sẽ trả sau 6 tháng (sau khi thu hoạch nông sản).
Ông Nguyễn Văn Mô (phải) ở xã Việt Thống, huyện Quế Võ, Bắc Ninh là một trong nhiều nông dân Bắc Ninh thường xuyên sử dụng phân bón NPK Lâm Thao.
Để đề án đi vào thực tế và thực sự có sức lan tỏa, cùng với công tác tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, hướng dẫn cách sử dụng phân bón và cách nhận biết các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã tạo mọi điều kiện để bà con nông dân được mua phân bón trả chậm qua kênh tín chấp của Hội một cách thuận lợi, tránh thủ tục rườm rà. Bất kỳ hội viên, nông dân nào có nhu cầu mua phân bón, đăng ký với Hội Nông dân ở cơ sở thì Hội Nông dân cơ sở đó sẽ có trách nhiệm đứng ra tín chấp mua phân bón trả chậm cho họ.
Sau đó, Hội đứng ra tổ chức và thu hồi vốn khi đã hết thời hạn 6 tháng.
“Việc Hội trực tiếp đứng ra tín chấp mua phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân đã góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, đảm bảo năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình.
Đặc biệt, với việc mua phân bón trả chậm này, bà con sau khi thu hoạch nông sản mới phải trả tiền, hỗ trợ bà con khắc phục được khó khăn thiếu vốn đầu tư trước mắt, nhất là với những hộ khó khăn” - ông Đại bày tỏ.
Không chỉ hỗ trợ hội viên, nông dân mua phân bón trả chậm, những năm qua Hội Nông dân tỉnh còn tích cực phối hợp các cấp cơ sở và Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn điểm nhằm nâng cao hiểu biết và hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón hiệu quả.
Nhờ thực hiện chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng với doanh nghiệp và các cấp cơ sở, những năm qua ngày càng có nhiều hội viên, nông dân tỉnh Bắc Ninh hưởng ứng chương trình mua phân bón trả chậm của trung tâm với số lượng phân bón NPK Lâm Thao tăng lên từng năm.
Cụ thể, năm 2013 trung tâm đã cung ứng được 381 tấn phân NPK các loại, năm 2014 đã cung ứng được 712 tấn phân NPK các loại. Năm 2015, tính đến ngày 15.9, Trung tâm đã cung ứng được 1.100 tấn phân NPK các loại cho hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Ninh.
Chống chiêu trò các chủ cửa hàng “xấu bụng”
Mặc dù nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hội viên, nông dân nhưng trong quá trình thực hiện đề án, cán bộ hội các cấp cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là thay đổi nhận thức của bà con ứng phó với các chiêu trò của thương lái.
Đơn cử như ở một số xã, huyện có nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ tung ra mặt hàng phân bón rẻ chưa kiểm chứng thực tiễn và thủ thuật điều hành giá của nhà kinh doanh đã làm rối thị trường, ảnh hưởng đến việc thực hiện đề án.
"Việc Hội trực tiếp đứng ra tín chấp mua phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân đã góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, đảm bảo năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình...”.
Ông Đào Trọng Đại - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh
Thông thường, trước mỗi mùa vụ, Hội Nông dân cơ sở sẽ thông báo giá phân bón trả chậm cho hội viên nông dân để họ biết giá và đăng ký số lượng với Hội Nông dân cơ sở.
Khi biết thông tin của Hội Nông dân cơ sở thông báo giá cho hội viên, nông dân thì các cửa hàng phân bón nhỏ lẻ ở các địa phương đều giảm giá phân bón ở cửa hàng mình, chấp nhận chịu lỗ nhằm làm phá sản hoạt động “hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm”.
Nhưng sau khi vào vụ, các cửa hàng này lại viện đủ mọi lý do tăng giá phân bón để thu lợi nhuận. Lúc này những nông dân không đăng ký mua qua kênh của Hội đành cắn răng chấp nhận mua phân bón ở các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ với giá cao.
Ông Đại chia sẻ:
“Kinh nghiệm của chúng tôi là cùng với chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn điểm, thì việc nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ hội rất cần thiết.
Cán bộ hội các cấp cần trực tiếp xuống từng chi hội Nông dân tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, hướng dẫn cách sử dụng phân bón và cách nhận biết các loại phân bón giả, kém chất lượng.
Vất vả nhưng chúng tôi vẫn rất vui. Vì nhờ chương trình phân bón trả chậm này mà cán bộ và hội viên nông dân ngày càng hiểu và gắn bó hơn. Phía hội viên, nông dân thì ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội”.
Tháng 7 vừa qua, trung tâm phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức cho đoàn 90 chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân, chi hội trưởng và một số hội viên tiêu biểu ở cơ sở xuống trực tiếp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tham quan xưởng sản xuất và tìm hiểu quy trình sản xuất các loại phân bón.
Trong tháng 10 tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức cho một đoàn nữa đến tham quan công ty.
Khi được hỏi về giá cả của phân bón trả chậm so với phân bón trực tiếp có chênh lệch nhiều không, ông Nguyễn Công Thao – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định:
“Việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm” được sự quan tâm của Sở Tài chính, Sở KHĐT, Sở NNPTNT, các công ty cung ứng phân bón đề xuất với UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm cho nông dân.
Nên dù là phân bón trả chậm nhưng giá bán phân bón thường chỉ bằng hoặc thấp hơn giá thị trường. Hoàn toàn không có chuyện bà con mua phân bón trả chậm do Hội đứng ra tín chấp phải chịu giá bán cao hơn giá thị trường bên ngoài”.
Có thể bạn quan tâm

Mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index tăng ngay từ những phút đầu. Có lúc chỉ số này lên tới trên 594 điểm. Trong khi đó, sàn Hà Nội lại mở đầu bằng sắc đỏ, chỉ số HNX-Index xuống thấp nhất tới mức 86,44 điểm.

Theo bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn thợi thủy sản (KT-BVNTTS) Bình Định, vụ đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đã kết thúc vào tháng 9 âm lịch. Mọi năm, thời điểm này, do nhiệt độ nước lên cao nên cá ít xuất hiện, và nếu đánh bắt được thì chất lượng cá cũng rất thấp, nên các tàu đánh bắt đều neo bờ hoặc làm nghề khác.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục phản ánh việc bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ tại một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Đăk Lăk...

Đây là hình thức đánh bắt gần bờ, phù hợp với những ghe tàu nhỏ, đi về trong ngày. Vùng chuyên đánh bắt cá cơm tập trung tại các cửa biển thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển…, trong đó cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) là hai điểm được người dân tập trung trao đổi mua bán mặt hàng này.

Căn cứ Nghị định 67, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã xác định chỉ tiêu đóng mới, nâng cấp phương tiện phục vụ khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn.