Hiệu Quả Từ Trồng Mít Thái Siêu Sớm

Những năm gần đây, nhiều gia đình ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mít Thái siêu sớm là giống ăn quả dễ trồng, ít công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch nhanh, năng suất cao, đặc biệt hiện nay rất được thị trường ưa chuộng.
Theo bà con nông dân, nhờ mít Thái siêu sớm có được nhiều ưu điểm so với mít thường nên giá cả cũng cao và ổn định hơn mít thường. Hiện tại, mít Thái tại vườn được thương lái mua ở mức khá cao, dao động 15 - 16 ngàn đồng/kg, tùy vào chất lượng của mít. Với mức giá ổn định như hiện nay, trung bình mỗi năm nhà vườn có thể lãi trên 50 triệu đồng/công.
Là một nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mít Thái siêu sớm của địa phương, anh Nguyễn Quang Hiền, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Phú Trung bộc bạch: “Trước đây, 6 công nhãn của tôi hằng năm cũng cho thu nhập ổn định, nhưng từ khi dịch chổi rồng tấn công, gia đình tôi thất thu mấy năm liền.
Nhận thấy mít Thái siêu sớm có giá trị kinh tế cao nên tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng mít. Hiện nay, trung bình mỗi năm doanh thu từ vườn mít nhà tôi ước đạt gần 300 triệu đồng. Nếu so với nhãn và một số cây ăn quả khác thì trồng mít hiệu quả kinh tế hơn, lại nhẹ công chăm sóc và thu hoạch”.
Cũng theo anh Hiền, so với các loại cây ăn trái khác, mít siêu sớm có nhiều ưu điểm, cây mít 2 năm tuổi trở lên cho thu hoạch bình quân mỗi năm khoảng 100kg trái. Tuy nhiên, để cây cho năng suất cao, cần chú trọng bón phân chuồng kết hợp phân hóa học, liều lượng hợp lý, nhằm hạn chế xơ đen, trái nứt.
Tuổi thọ của mít không quá 10 năm tuổi, do đó muốn cây phát triển tốt nên tỉa bớt trái non và không để rong xanh bám vào cây, phải thường xuyên cắt cành hư và chà rửa những vết rong bám vào thân cây. Trung bình 10 ngày phun thuốc 1 lần, nhằm phòng trừ sâu đục cuống và tăng cường thuốc dưỡng để trái non phát triển tốt.
Toàn huyện Châu Thành hiện có trên 43ha trồng mít Thái siêu sớm, tập trung nhiều ở xã Tân Phú Trung, An Phú Thuận và rải rác ở một số địa bàn khác. Bước đầu nhận thấy, mít siêu sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn, nhưng khâu sản xuất còn chịu nhiều ảnh hưởng của thị trường và dịch bệnh.
Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Trạm Bảo Vệ Thực vật huyện Châu Thành cho biết: “Mít Thái giống siêu sớm mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều bà con vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, loại trái cây này bị nhiều dịch bệnh như xì mủ, xơ đen làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng mà ngành chuyên môn vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
Hiện tại, ngành đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn theo dõi dịch bệnh để giúp người dân phòng trị. Trong tương lai, muốn phát triển bền vững loại mít này, đòi hỏi sự liên kết giữa các ngành có liên quan chặt chẽ hơn, nhất là kiểm soát được dịch bệnh và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, ở Bạc Liêu, mô hình luân canh tôm - lúa được nông dân các vùng chuyển đổi của tỉnh như Phước Long, Hồng Dân... áp dụng rất thành công. Mô hình này được khẳng định là hướng sản xuất bền vững, góp phần làm ổn định sinh thái đồng ruộng, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Hiện rải rác ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... cá tai tượng nuôi đang gặp phải dịch bệnh chết hàng loạt. Quan sát thực tế cho thấy đa số cá trước khi chết thường bơi lờ đờ trên mặt nước, có những đốm loét ở miệng, mang và đuôi, bụng trướng nước, mật sưng to

Trong những năm qua, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Vân Đồn (Quảng Ninh) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn cũng như các hộ dân. Việc nuôi trồng này huyện đang tập trung vào những đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ nuôi an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, gắn nuôi trồng với phát triển du lịch sinh thái biển đảo.

Trước tình trạng hàng loạt mặt hàng nông sản, thủy sản đồng loạt rớt giá, ngành nông nghiệp đang cùng với các bộ, ngành và các địa phương tập trung lo giải quyết vấn đề thị trường

Trong những năm gần đây, Tân Thắng (Bình Thuận) được biết đến là địa bàn nuôi dông với quy mô và số lượng trại lớn nhất huyện Hàm Tân. Bên cạnh mô hình nuôi dông, hiện nay, tại Tân Thắng đang xuất hiện một mô hình mới nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã do anh Đinh Hoàng Tâm ở thôn Phò Trì làm chủ.