Hiệu Quả Từ Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến
Những ngày qua, nhiều nông dân ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình bước vào vụ thu hoạch tôm nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Phần lớn các hộ nuôi đều có lợi nhuận khá cao.
Cuối năm 2013, ông Quách Thành Đông ở ấp 8, xã Trí Lực được Nhà nước đầu tư nuôi tôm sú theo dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất của tỉnh. Ông được đầu tư 50% chi phí con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Sau gần 3 tháng thả nuôi đúng quy trình kỹ thuật, trên gần 3 ha, tôm đạt năng suất khá cao, ông thu hoạch được hơn 1,3 tấn, tôm có kích cỡ từ 32-40 con/kg, mang về lợi nhuận cho gia đình anh gần 200 triệu đồng.
Ông Trần Văn Hận, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư xã Trí Lực, cho biết, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trên địa bàn xã Trí Lực nằm trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Dự án triển khai thực hiện trên địa bàn xã với diện tích gần 30 ha cho 30 hộ dân; được đầu tư 100% con giống, 30% thức ăn và các chế phẩm sinh học, với tổng kinh phí hỗ trợ cho nông dân xã Trí Lực hơn 450 triệu đồng. Cũng theo ông Hận, qua 2 năm triển khai, có thể khẳng định mô hình đã thành công, nhiều hộ đạt lợi nhuận từ 40-80 triệu đồng/ha, có hộ đạt gần 200 triệu đồng/ha.
Không riêng gì xã Trí Lực, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao còn được triển khai hiệu quả ở một số xã trên địa bàn huyện. Tiêu biểu như hộ ông Tô Thanh Tòng, ấp 8, xã Tân Lộc Bắc. Ông Tòng có tổng diện tích đất hơn 1 ha, thả nuôi 36.000 con tôm giống, sau 2,5 tháng chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, tôm đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg, trừ chi phí ông còn lãi trên 50 triệu đồng.
Hiện nay, toàn huyện Thới Bình có hơn 2.500 ha đất nuôi tôm quang canh cải tiến năng suất cao, tăng gấp 4 lần so năm 2012, năng suất thu hoạch mỗi vụ bình quân gần 500 kg/ha. Với mô hình này, nhiều bà con có mức thu nhập đạt từ 50-80 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với nuôi tôm quảng canh truyền thống.
Thành công từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trên địa bàn huyện Thới Bình cho thấy, khi người nông dân biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật sẽ giảm được rất nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất, cũng như bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm tôm có chất lượng cao.
Theo đó, dần thay thế cách nuôi tôm truyền thống năng suất thấp và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, tiến tới đạt tiêu chí thu nhập trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị đã được nghe đơn vị tư vấn (Công ty TNHH Tư vấn sở hữu trí tuệ Việt) trình bày về dự án “xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận xoài Cam Lâm”.
Với kỹ thuật nuôi đơn giản, cho hiệu quả kinh tế cao, một số nông dân ở Cà Mau đang tìm tòi và nhân rộng mô hình nuôi lươn trong bể bê tông.
Ngày 7-5, tin từ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào - Anh Đào Co.op, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, vừa ký hợp đồng xuất khẩu rau sạch Đà Lạt với Tập đoàn đa lĩnh vực CJ Group của Hàn Quốc.
Mô hình với vốn đầu tư ít, nhẹ công chăm sóc, thị trường tiêu thụ ổn định, còn tận dụng được khoảng trống xung quanh nhà làm bồn nuôi… Đó là những lợi thế làm nên hiệu quả của mô hình nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp trong bể ny-lon của bà con phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên - An Giang).
Tính đến quý I/2014, Hà Nội đã tiếp tục rà soát, định vị được thêm 500 ha rau an toàn (RAT) để tập trung quản lý, chỉ đạo, nâng tổng diện tích RAT năm 2014 lên 5.000 ha.