Hiệu Quả Từ Mô Hình Thâm Canh Keo Tai Tượng

Từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh đã triển khai thực hiện mô hình trồng thâm canh cây keo tai tượng tại xã Quảng Đức (Hải Hà), xã Điền Xá (Tiên Yên) và xã Thuỷ An (Đông Triều) với diện tích 70ha. Sau 3 năm triển khai, đến nay cây keo phát triển tốt, dự kiến sau 5 năm sẽ cho sản lượng hơn 120 m3 gỗ/ha.
Các mô hình có sự tham gia của 75 hộ dân. Tham gia mô hình, các hộ dân được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân, đến chăm sóc bảo vệ rừng cho đến khi khai thác.
Theo đó, cây giống thực hiện mô hình có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng theo quy định tiêu chuẩn giống cây trồng lâm nghiệp (cây còn nguyên bầu, chiều cao từ 25-30cm, đường kính gốc 2-3mm, cây đạt từ 3-3,5 tháng tuổi, cây không phân cành, cây không cụt ngọn và không bị sâu bệnh hại) và được trồng với mật độ 1.660 cây/ha, khoảng cách 2mx3m.
Các mô hình được chia thành 2 giai đoạn: Năm thứ nhất (2012) thực hiện trồng mới 70ha rừng và thực hiện công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho 75 hộ nông dân tham gia và đào tạo nhân rộng mô hình cho 80 hộ nông dân ngoài mô hình thuộc 2 huyện Hoành Bồ và Vân Đồn. Tiếp đó, từ năm 2013 sẽ tiếp tục thực hiện chăm sóc diện tích rừng trồng, duy trì công tác bảo vệ rừng, thực hiện sơ kết mô hình; tổ chức hội thảo đầu bờ cho 100 người tại TP Hạ Long.
Các mô hình đã cung cấp cho các hộ dân tham gia 127.820 cây giống đảm bảo đúng tiêu chuẩn và cung cấp 23.240kg phân bón NPK, trong đó, kinh phí do nhà nước hỗ trợ là 11.620kg và do người dân hưởng lợi đóng góp là 11.620kg. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình hơn 475 triệu đồng, trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ gần 360 triệu đồng.
Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, ngay trong năm đầu tiên trồng và chăm sóc, cây keo đã bắt đầu sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90%, chiều cao trung bình đạt: 2m, đường kính trung bình đạt 2cm; bước sang năm thứ 2, cây keo đã bắt đầu sinh trưởng và phát triển nhanh, chiều cao trung bình đạt: 3-5.5m; đường kính trung bình đạt 4-5cm. Dự kiến, sau 5 năm cây keo sẽ cho thu hoạch với sản lượng đạt trên 120 m3/ha.
Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Việc triển khai thực hiện các mô hình bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong vùng dự án về kỹ thuật trồng thâm canh cây keo, hướng tới kỹ thuật trồng thâm canh các cây gỗ lớn, phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ.
Cùng với đó, các hội thảo đầu bờ cũng đã góp phần giúp người dân tham gia mô hình cũng như các hộ dân ngoài mô hình chăm sóc rừng trồng cây phân tán thâm canh nói chung, keo tai tượng nói riêng năm thứ 2, giúp cho người dân rút ngắn chu kỳ kinh doanh rừng và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Các mô hình của dự án sẽ góp phần làm tăng thêm độ che phủ của rừng trong toàn tỉnh là cơ sở cho việc ứng dụng và nhân rộng sản xuất theo hướng trồng cây lâm nghiệp với mục đích trồng rừng tập trung với qui mô lớn.
Tuy nhiên, để mô hình thực sự phát huy có hiệu quả, trong những năm tới các hộ tham gia mô hình, trạm khuyến nông các huyện cần tăng cường chỉ đạo bà con nông dân trồng tập trung chủ yếu vào vụ xuân để cây trồng có điều kiện thuận lợi trong quá trình sinh trưởng, phát triển, phát huy được hết tính năng của cây trồng.
Có thể bạn quan tâm

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.

Hiện nay, người nuôi cá tra ở ĐBSCL lâm vào cảnh điêu đứng, gian nan. Đã có người treo ao, bán đất vì làm ăn thua lỗ, nợ nần bủa vây. Một số người cố gắng duy trì nuôi cá theo hình thức gia công cho DN để trả nợ ngân hàng. Họ chờ đợi, và cầm cự. Trước mắt người nuôi cá mong muốn ngân hàng sớm vào cuộc giải cứu...

Trước đây ở ấp 2 và ấp 3, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chỉ sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả thấp do thường gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 vụ lúa trong năm, nhằm tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Bộ NNPTNT vừa ban hành Quyết định số 1771/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020.

Nghề nuôi sò huyết dưới kênh xuất hiện ở Bạc Liêu cách đây hơn 20 năm. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cách nuôi này. Triệu phú, tỷ phú sò huyết xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã ven biển thuộc huyện Hòa Bình, TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải.