Hiệu quả từ mô hình sản xuất xoài bao trái
Học cách trồng xoài
Tham quan vườn xoài cát Hòa Lộc, Đài Loan xanh đang mùa cho trái, chúng tôi ghi nhận cách chuyển đổi giống cây trồng mới của gia đình ông Huỳnh Văn Long (52 tuổi), ở xã Sông Bình (Bắc Bình). Những ngày này, gia đình ông đang khẩn trương thu xoài mùa nghịch vụ theo hướng an toàn đợt cuối cùng và chăm sóc đợt trái xoài mùa tiếp theo. Qua trao đổi mới biết “cơ duyên” mà ông Long gắn với cây xoài trên vùng đất được xem là vùng “đất chết” một thời.
Năm 2009, ông Long nhận thấy một số người vùng sông nước miền Tây lên đây lập nghiệp bằng mô hình trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Từ đó ông mạnh dạn học hỏi và áp dụng ngay trên diện tích đất gần 5 ha của mình. Ban đầu vì vốn ít, kinh nghiệm trồng cây ăn trái chưa nhiều, ông chỉ đầu tư trồng 500 cây xoài cát Hòa Lộc thí điểm.
Khi chuyển đổi sang trồng xoài ông cũng khá lo lắng. Bởi điều kiện kinh tế gia đình còn khó, trong khi trồng xoài tới 3 năm mới cho thu hoạch trái đợt đầu tiên. Bằng cách làm lấy ngắn nuôi dài – tức trên diện tích trồng xoài khi cây còn nhỏ, ông tận dụng quỹ đất trống sản xuất xen canh các loại hoa màu ngắn ngày để có nguồn thu, tạm đủ trang trải cuộc sống và có vốn đầu tư chăm sóc vườn xoài.
Nhận thấy cây xoài phát triển tốt trên vùng đất nơi đây, năm 2011 ông bàn tính cùng gia đình đầu tư mở rộng diện tích trồng thêm 500 cây xoài Đài Loan xanh và một số xoài Thái Lan. Hiện vườn xoài 1.000 cây gồm xoài cát Hòa Lộc, Đài Loan xanh cho trái mùa thứ hai.
Theo ông Long, trồng xoài trên vùng đất này khá phù hợp, vốn đầu tư không nhiều, trung bình 1 ha đầu tư giống, phân và công chăm sóc khoảng 30 triệu đồng/năm, sang năm thứ hai vốn đầu tư ít hơn và đến năm thứ 3 cây bắt đầu cho trái. Trong thời gian trồng, nếu chăm sóc tốt, xoài sinh trưởng và phát triển đều, đến khi cho trái đạt chất lượng, nếu bán giá ổn định thì mùa trái năm đầu tiên có thể lấy lại chi phí đầu tư. Đến năm thứ 4, xoài cho trái nhiều và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất hoa màu.
Ưu thế xoài bao trái
Theo tính toán của ông Long, trong mùa xoài nghịch vụ mới đây thì “nhờ áp dụng biện pháp xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ, bán được giá cao. Nhưng cái khó của việc sản xuất xoài nghịch vụ là thời tiết không thuận lợi, các loại sâu hại gây bệnh khá nhiều. Nhưng nhờ mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất xoài bao trái, nên trái được chăm sóc tốt. Cách làm này tiết kiệm nhiều chi phí, công chăm sóc, chỉ tốn ít tiền mua bao ban đầu”.
Thực tế mùa xoài nghịch vụ vừa qua, ông Long áp dụng biện pháp sản xuất xoài bao trái theo hướng an toàn khá thành công. Khi xoài ra trái non bằng ly uống nước (khoảng 45 ngày tuổi), ông bắt đầu dùng bọc giấy để bao trái cho đến khi thu hoạch. Bình quân mỗi ngày ông bao vài trăm trái, ngày kế tiếp bao thêm, cứ thế bao lần lượt lượng trái trên cây. Trong quá trình bao trái, ông đánh số thứ tự theo ngày để khi thu hoạch phù hợp, không bị chậm trễ, trái dễ bị chín sớm.
“Mô hình sản xuất xoài bao trái có nhiều ưu thế, tránh sâu bệnh gây hại, côn trùng chích hút, cũng như hạn chế tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, trái được bảo vệ kỹ. Trong thời gian bao, trái xoài vẫn lớn bình thường, màu sắc tươi đẹp, đạt chất lượng, khi thu hoạch bán giá cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với xoài không bao trái”, ông Long nói.
Thời gian gần đây, các nhà vườn trồng xoài ở vùng đất xã Sông Bình đã áp dụng mô hình bao trái khá phù hợp, bước đầu đạt chất lượng. Gia đình ông La Văn Điều, thôn Đá Trắng, xã Sông Bình nói: “Nhờ học hỏi cách bao trái từ mô hình của ông Huỳnh Văn Long, mùa xoài nghịch vụ vừa rồi tôi bao thí điểm 20 cây, khi thu hoạch trái đạt chất lượng, thương lái thích mua, giá bán cao thu hơn 10 triệu đồng”.
Mô hình sản xuất xoài bao trái áp dụng rộng ở vùng chuyên trồng cây ăn trái ở vùng đất xã Sông Bình (Bắc Bình) sẽ rất thuận lợi. Cùng với trái thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thì mô hình sản xuất xoài bao trái sẽ mở ra hướng sản xuất mới an toàn, đảm bảo chất lượng trái, người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, cùng với việc ban đêm dùng lưới để xúc chình, thì người dân ở 2 xã An Thạch và An Dân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) còn sử dụng bao tải chứa cát be bờ và dùng chà bổi để chặn bắt chình giống vào ban ngày.
Tỉnh Lai Châu sẽ quy hoạch phát triển theo khu vực tập trung và phân tán cho từng loại cá hồi và cá tầm tại một số địa phương.
Sáng 11/4, Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp với huyện Năm Căn tổ chức hội thảo tập huấn nuôi tôm sạch và bền vững, không sử dụng kháng sinh, hóa chất khử trùng, diệt tạp, giáp xác. Có trên 200 hộ nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh cải tiến trên địa bàn huyện Năm Căn tham gia.
Người dân các vùng ven biển ở TX Sông Cầu (Phú Yên) đã thả ươm 7.500 lồng tôm hùm giống, tính từ đầu năm đến nay, tăng 3,4 lần so cùng kỳ năm trước. Số lượng ươm nuôi tôm hùm giống tập trung nhiều ở các xã Xuân Thịnh, Xuân Phương, phường Xuân Yên và Xuân Thành.
Những năm trở lại đây, nuôi cá lồng trên sông Đại Giang mang lại thu nhập khá cho rất nhiều hộ dân ở thôn Hòa Phong (xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).