Hiệu quả từ mô hình nuôi gia cầm an toàn sinh học
Hiện nay nuôi gia cầm theo mô hình an toàn sinh học được nhiều địa phương triển khai, không chỉ giúp người nuôi quản lý tốt môi trường, mà còn cho hiệu quả kinh tế cao; Như hộ chị Trần Thị Kim Hương ở thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã áp dụng thành công mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học hơn 2 năm nay; Chị Hương luôn duy trì đàn gà từ 3.000 – 6.000 con, nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng. Việc chăn nuôi của gia đình chị khá thuận lợi, cho lợi nhuận cao do gà ít hao hụt, mau lớn, khu vực chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, không ảnh hưởng môi trường.
Chị Hương cho biết muốn nuôi nhốt hoàn toàn thì ban đầu chi phí xây chuồng trại hơi cao. Với tổng diện tích gần 1.000 m2, chị đầu tư hơn 230 triệu đồng làm nền, mái che và vách xung quanh, đảm bảo che mưa nắng lâu dài cho đàn gia cầm, góp phần cho việc chăn nuôi đạt hiệu quả và bền vững. Mô hình này giúp quản lý tốt dịch bệnh, vật nuôi có sức tăng trưởng nhanh hơn, khoảng từ 2,5 – 3 tháng chị Hương có thể xuất bán một đợt từ 1.000 – 3.000 con, mỗi con đạt 1,5 – 2,5 kg, với giá bán khoảng 80 – 85.000 đ/kg, chị có lời khoảng 30.000 đ/kg.
Mô hình nuôi gia cầm an toàn sinh học cũng cần có kỹ thuật bài bản, đòi hỏi người nuôi có sự đầu tư tìm hiểu. Bí quyết chăn nuôi của chị Hương chính là tìm hiểu trên mạng, qua sách báo và ghi chép đầy đủ, tránh cung cấp thừa hoặc thiếu lượng thức ăn cho gà mỗi ngày, lịch tiêm ngừa làm cơ sở để quản lý sức khỏe cho đàn gà và tính toán chính xác nguồn thu chi. Chị Hương chia sẻ kinh nghiệm: “Để đàn gà phát triển tốt, ít hao hụt và bị bệnh mình phải theo dõi nhiệt độ hằng ngày để bật đèn úm gà, có sổ tay ghi chép tính toán thức ăn tùy từng giai đoạn sinh trưởng, chi tiết lịch tiêm ngừa, chuồng nuôi phải khô ráo, vệ sinh thường xuyên.”
Theo Chi cục Thú Y Sóc Trăng, tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện có trên 5,5 triệu con, đạt 87% kế hoạch năm. Trong đó đàn gà hơn 3,6 triệu con. Theo đánh giá chăn nuôi gia cầm năm nay khó khăn hơn mọi năm, thời tiết năng nóng, mưa bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe và độ tăng trưởng của đàn gia cầm, cộng thêm diễn biến dịch bệnh khó lường. Với tình hình này, mô hình nuôi gia cầm an toàn sinh học được các ngành chuyên môn khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng, tùy vào khả năng kinh tế từng hộ mà áp dụng với quy mô lớn hay nhỏ. Tuy nhiên khi bà con áp dụng cần tuân thủ một số kỹ thuật cơ bản để đạt kết quả tốt nhất.
Trước tiên, về chuồng trại phải được xây dựng cao ráo, sạch, thoáng, có nắng sáng chiếu vào, tránh mưa tạt gió lùa. Nền chuồng dễ thoát nước, chất độn chuồng là đệm lót sinh học với chất liệu trấu trộn với chế phẩm sinh học giúp làm tiêu hết phân không còn mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi, tạo môi trường sống tốt không ô nhiễm. Trước khi đem gà về nuôi cần chuẩn bị chụp sưởi ấm, máng ăn, uống. Mật độ thả nuôi hợp lý là 10 con/m2.
Về giống gà, hiện nay nhóm giống gà ta, gà lai giữa gà tàu và nòi được người tiêu dùng ưa chuộng vì mau lớn, thích nghi tốt với khí hậu nước ta; Bà con cần mua con giống ở những nơi có uy tín, đảm bảo chất lượng và lưu ý một số vấn đề sau:
- Nếu nuôi gà thịt bà con nên chọn giống gà Tàu vàng, gà Đông Tảo, gà Nòi, Tam Hoàng, Lương Phượng... Nuôi gà lấy trứng thương phẩm thì chọn những giống gà đẻ nhiều như gà Tàu Vàng, Tam Hoàng, gà BT1, gà Ri....; Về thức ăn, tuyệt đối không cho gà ăn thức ăn bị ôi mốc, nhiễm nấm. Có thể cho ăn thức ăn công nghiệp hoặc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, sao cho đảm bảo các thành phần: Năng lượng, đạm, khoáng và vitamine. Khống chế lượng thức ăn và đảm bảo chất lượng thức ăn đối với gà hậu bị để gà không bị mập mỡ làm giảm sản lượng trứng.
Công tác tiêm ngừa cho gia cầm phải được thực hiện theo đúng định kỳ.
Về việc quản lý sức tăng trưởng và sức khỏe của đàn gia cầm, ngoài chọn con giống tốt, cung cấp lượng thức ăn hợp lý thì vệ sinh chuồng trại đóng vai trò rất quan trọng. Nền chuồng phải luôn khô ráo, sạch sẽ, không để ao tù nước đọng trong khu vực nuôi. Thực tế cho thấy nền chuồng có đệm lót sinh học cho hiệu quả rất tốt trong việc xử lý chất thải, giúp người nuôi giảm chi phí điện nước và nhân công vệ sinh chuồng trại; Ông Ngô Hiền Triết – Cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Để chăn nuôi hiệu quả người nuôi nên xây dựng chuồng trại cách xa nhà, có cổng rào, hố sát trùng và áp dụng biện pháp “cùng vào cùng ra”, để trống chuồng nuôi 7 – 10 ngày, sát trùng chuồng trại và dụng cụ nuôi trước vụ nuôi mới. Đệm lót sinh học thì có thể sử dụng kéo dài suốt cả vụ nuôi, sau khi xuất bán xong bà con sát trùng nền chuồng và làm đệm lót mới, chi phí cho mô hình đệm lót xử lý chất thải chăn nuôi này không cao, nhưng rất hiệu quả.”
Bên cạnh đó, bà con cần tiêm phòng vaccine đầy đủ cho đàn gia cầm; Trong quá trình chăm sóc, cần theo dõi các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gà; Khi thấy vật nuôi có dấu hiệu bất thường nên cách ly ngay để tránh lây lan sang các con khác.
Có thể bạn quan tâm
Với cán cân sản xuất- chế biến như hiện nay, nếu không tổ chức lại sản xuất, thực chất TPP sẽ chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản, biến nước ta thành “công xưởng” chế biến thủy sản, còn người nông dân sẽ vẫn đứng ngoài cuộc.
Đó là mô hình sản xuất lươn giống của anh Nguyễn Văn Nữa ở ấp Phú Mỹ, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười. Hiện mô hình này mang lại doanh thu cho gia đình anh trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Vụ đông 2015, dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì tiếp tục triển khai mô hình trồng khoai tây và hoa lily.
Với 95,1% số hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp và các hàng hóa nhập khẩu khác vừa được dỡ bỏ thuế theo cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản nhiều khả năng sẽ trở thành đối tác xuất khẩu - đặc biệt là nông sản lớn nhất nhì của Việt Nam.
Đồng bào Chứt ở Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) truyền cho nhau những kinh nghiệm hay trong việc quan sát các hiện tượng tự nhiên để liên hệ về sự biến đổi tương ứng của thời tiết, từ đó hình thành cho mình cách ứng xử phù hợp, áp dụng vào việc canh tác nương rẫy.