Nuôi Trồng Thủy Sản Chưa Tương Xứng Với Tiềm Năng
Theo thống kê của Sở nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 11.400 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, 5 huyện có diện tích nuôi trồng với quy mô trên 1.000 ha là Chư Sê 4.000 ha, Kbang 3.800 ha, Chư Pah 3.200 ha, Krông Pa 1.500 ha và Phú Thiện 1.000 ha.
Tiềm năng rất lớn nhưng hiện nay chỉ có 6.550 ha mặt nước được khai thác nuôi trồng, chủ yếu nuôi trồng trên diện tích mặt nước hồ chứa, ao, ruộng trũng và nuôi cá lồng. Trong khi đó diện tích tiềm năng này còn tăng lên rất nhiều do còn có hàng trăm dự án xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ trên địa bàn tạo nên những hồ chứa nước có thể phát triển nuôi cá theo các hình thức như thả cá, nuôi cá trong lồng...
Với diện tích được khai thác nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng cá hàng năm chỉ đạt trên 2.000 tấn, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu cá nước ngọt toàn tỉnh, trong khi thị trường tiêu thụ cá nước ngọt tỉnh ta rất lớn.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi cơ bản mà nhiều địa phương khác trong cả nước không có được là khí hậu và nguồn nước thích hợp để cá nước ngọt sinh trưởng và phát triển nhanh; chủ động được khâu sản xuất giống thủy sản nước ngọt cung cấp đủ cho nhu cầu nuôi trồng của người dân. Với 11 trang trại sản xuất cá bột giống quy mô hiện có mỗi năm cung cấp khoảng trên 800 triệu con giống cho cả khu vực.
Tình trạng kém phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản trong những năm qua là do trình độ và phương thức canh tác, nuôi trồng còn nhiều hạn chế. Người dân nuôi 1 vụ khai thác vào cuối năm, còn lại diện tích mặt nước bỏ hoang. Người nuôi thủy sản chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, việc nuôi thả còn mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ.
Cơ sở sản xuất giống, dịch vụ nghề nuôi, sản xuất thủy sản còn nghèo nàn, lạc hậu, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống quản lý và dịch vụ kỹ thuật yếu kém, công tác khuyến ngư còn hạn chế chưa được quan tâm và ít đầu tư đúng mức, đến nay chỉ có một số cơ sở sản xuất tư nhân và hợp tác xã tại huyện Phú Thiện cung ứng với quy mô nhỏ lẻ, mỗi năm chỉ cung ứng khoảng từ 3 đến 5 triệu con giống (chiếm từ 20 đến 25% nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh).
Các cơ sở nhập cá giống từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, Đak Lak, Bình Định về ươm nhân giống để bán. Nhân lực cho nghề nuôi trồng thủy sản thiếu và yếu về chuyên môn kỹ thuật. Công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển thủy sản chưa được coi trọng cả từ khâu quản lý chất lượng giống, sản xuất, tiêu thụ, chưa quy hoạch được vùng nuôi tập trung.
Từ những hạn chế trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất các cấp và ngành chức năng phê duyệt vùng nuôi trồng thủy sản tập trung mang tính khoa học tiến tới quy hoạch những vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh. Hoàn chỉnh cơ sở vật chất, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Giống nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Giáo, huyện Chư Prông nhằm cung cấp nguồn giống tốt, đảm bảo chất lượng cho người nuôi.
Hướng dẫn, tập huấn nông dân kiến thức nuôi trồng thủy sản hiệu quả, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh đảm bảo năng suất đạt từ 3 đến 5 tấn/ha mặt nước. Giải quyết những hạn chế trên chắc chắn ngành nuôi trồng thủy sản sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Có thể bạn quan tâm
Khu vực đầu nguồn biên giới An Phú (An Giang) đã xuất hiện cá linh non đầu mùa. Đây là thông tin khiến nhiều ngư dân khu vực đầu nguồn phấn khởi, do cá linh năm nay xuất hiện sớm hơn so mọi năm.
Sau hơn 9 năm thử nghiệm, giờ đây, tỉnh Sóc Trăng đã trở thành một trong những địa phương có đàn bò sữa lớn ở ĐBSCL. Kết quả này mở ra nhiều triển vọng phát triển nghề nuôi bò sữa ở Sóc Trăng…
Theo tin từ HTX Anh Đào, hiện HTX đang thu mua trái cà chua giống Vô hạn với giá ổn định 25 ngàn đồng/kg. Cà chua Vô hạn là giống mới nhập từ nước ngoài vào Việt Nam với khả năng nổi bật là trái lớn, lượng đường cao, màu đẹp.
Nhằm từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hướng đến việc canh tác theo hướng xen canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao; kỹ sư Đặng Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 3 đã thực hiện thành công mô hình trồng sắn xen đậu phộng ở huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên).
Đứng thứ 2 về sản lượng cung cấp cho thị trường thế giới nhưng cà phê Việt Nam lại đang đối mặt với nhiều vấn đề, mà đặc biệt là chất lượng và tính bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.