Hiệu Quả Từ Mô Hình Kinh Tế Tổng Hợp
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, ở Gio Linh (Quảng Trị) hiện có gần 100 trang trại, gia trại ở vùng gò đồi gồm các xã như Gio An, Gio Hoà, Hải Thái, Linh Hải…Đây là những trang trại cao su, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Điều quan trọng là đã hình thành nên những vùng sản xuất hàng hoá mang tính tập trung nhằm khai thác hết tiềm năng lợi thế vùng gò đồi.
Nhờ vào lợi thế về địa hình có tầng địa chất phù hợp cho phát triển lâm nghiệp, xây dựng các mô hình vườn đồi, vườn rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm nên nhiều hộ dân đã khai thác hết tiềm năng lợi thế hình thành nên vùng kinh tế có cơ cấu cây trồng, con nuôi phù hợp.
Để nâng cao hiệu quả về chăn nuôi, huyện Gio Linh đã tích cực triển khai chương trình sind hóa đàn bò. Bắt đầu từ năm 2011 đến nay, mỗi năm trên địa bàn huyện tiến hành phối giống được từ 200-300 con, nhờ vậy tỉ lệ đàn bò lai tăng từ 11,6% năm 2010 lên 26,3% năm 2013.
Theo đó đàn bò phát triển ổn định qua hàng năm từ 9.000 con. Đến nay toàn huyện có trên 9.015 con bò lai được chăn nuôi hầu hết trên vùng gò đồi lồng ghép cùng mô hình vườn đồi, vườn rừng.
Bên cạnh việc tăng cường chất lượng đàn bò bằng giống bò lai mang lại hiệu quả kinh tế cao thì công tác thú y, phòng chống dịch bệnh đã được quản lý chặt chẽ. Nhờ tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc nói chung nên đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân ở vùng gò đồi.
Hiện nay ở các xã vùng gò đồi Tây Gio Linh như Gio Hoà, Linh Hải, Gio An, Gio Sơn, Hải Thái, Trung Sơn đã tận dụng đập thủy lợi, hồ tự nhiên nuôi thả hàng trăm héc ta cá nước ngọt. Tận dụng lợi thế đồng cỏ nhiều hộ dân đã phát triển chăn nuôi trâu bò, dê đàn cho thu nhập từ 125-350 triệu đồng/năm như ông Ngô Thành, Dương Cường (Gio Hoà), Nguyễn Tăng, Lê Truồi (Linh Hải), Trần Giao (Gio An), Nguyễn Thành Đồng, Hoàng Cương (Hải Thái).
Một trong những trang trại điển hình trên vùng đất Tây Gio Linh là trang trại cao su kết hợp chăn nuôi bò của ông Võ Viết Cương, với diện tích 8 ha cao su cho nguồn thu trên 2 tỷ đồng/năm cùng với đàn bò hơn 30 con. Chuồng trại chăn nuôi được ông dựng ngay giữa vườn cao su nên hàng ngày không phải mất công chăn dắt mà còn tận dụng được nguồn phân chuồng dồi dào để bón cho cao su.
Nhờ vào lợi thế về đất đai và đồng cỏ nên Vĩnh Trường là một trong những xã đang phát triển mạnh trồng rừng và chăn nuôi gia súc. Toàn xã hiện có 173 hộ với 673 nhân khẩu, trong đó người đồng bào Vân Kiều chiếm 92% dân số. Hiện nay cơ cấu kinh tế chủ yếu của xã là nông-lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi.
Toàn xã Vĩnh Trường hiện có 123 ha cao su, hơn 120 ha tràm và trên 150 ha cây lương thực, tổng đàn gia súc trên 500 con được chăn nuôi theo quy trình khép kín. Ngoài Vĩnh Trường, Linh Thượng thì hầu hết các xã ở vùng gò đồi Tây Gio Linh, người dân đã tận dụng lợi thế đất đai và đồng cỏ để xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp.
Anh Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Gio Linh cho biết: “Từ hiệu quả của các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, huyện Gio Linh nhận thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa các mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại.
Theo đó, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Tiếp tục phát triển đàn bò theo hướng Zebu hóa trên địa bàn huyện Gio Linh giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020” với mục tiêu đẩy mạnh công tác cải tạo đàn bò theo hướng Zebu hóa bằng thụ tinh nhân tạo.
Phấn đấu đến năm 2015, đàn bò có khoảng 1.000 con (tỉ lệ bò lai Zebu 30%) và đến năm 2020 đàn bò có khoảng 12.000 con (tỉ lệ bò lai Zebu là 50%); đưa tỉ trọng ngành chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đến năm 2020 chiếm 47% trong cơ cấu kinh tế của huyện”.
Hiện nay nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp đang chứng tỏ sự hiệu quả kinh tế vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp ở Gio Linh trên vùng gò đồi. Qua những mô hình kinh tế trang trại, gia trại kết hợp mô hình RVAC, VAC, VAR…ở các địa phương đã góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy huyện Gio Linh phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Thực tế là, trong khi chưa có quốc gia nào trên thế giới thực hiện BH thủy sản thì tại ĐBSCL, Nhà nước đã thực hiện thí điểm thành công. Tuy nhiên, việc có tiếp tục được hết thời gian thí điểm hay không, có thể triển khai ra diện rộng hơn hay không... lại là một câu chuyện khác.
Ngoài việc vươn khơi đánh bắt hải sản dài ngày trên biển, hiện nay người dân thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) mở thêm một nghề mới đó là nghề nuôi cá vược trên đoạn sông Gianh chảy qua địa phương. Nghề nuôi cá vược tuy mới mẻ nhưng kỳ vọng sẽ mở ra một hướng làm ăn mới giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống...
Gần 100 năm về trước, khi lần đầu tiên đưa cây nho về trồng thử nghiệm ở Ninh Thuận, chắc chắn người Pháp cũng không thể ngờ được rằng loại cây trồng "khó tính" lại ưa thích và sinh sôi phát triển mạnh mẻ ở vùng đất "đầy nắng lắm gió" này.
Theo Chi cục NTTS hiện bà con nuôi tôm đang tích cực xuống đồng thu hoạch tôm. Sau hai tuần toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thu hoạch được hơn 30% diện tích nuôi tôm vụ Xuân Hè.
Hơn 2.000 con nhím nuôi đã đến lứa xuất chuồng nhưng tiêu thụ quá khó khăn, các xã viên hợp tác xã (HTX) Hợp Thành (Khu phố Kim Hải, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) phải tự đi tiếp thị tìm đầu ra cho sản phẩm.