Nông dân Đák Lắk đua nhau trồng tiêu và những hệ lụy
Nông dân đua nhau trồng tiêu
Do giá tiêu tăng cao, hiện tại đang ở mức hơn 200.000 đồng/kg, trong khi đó, giá nhiều loại nông sản khác như cà phê, cao su thiếu ổn định và giảm. Vì vậy, trong những tháng mùa mưa hiện nay, nông dân ở Đác Lắc ồ ạt chặt bỏ vườn cà phê, cao su chuyển sang trồng tiêu.
Trong những ngày này, về các huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Búc, Krông Năng… của tỉnh Đác Lắc, ở đâu chúng tôi cũng chứng kiến cảnh người dân đổ xô vào trồng tiêu.
Ông Vũ Đức Dậu, ở thôn 2, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar trồng được hai ha cà phê nhưng do vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp nên ông đã phá bỏ để trồng tiêu. “Nếu mình phá bỏ vườn cà phê để tái canh thì cũng phải ba năm sau mới cho thu hoạch, trong khi giá cà phê những năm qua khá thấp và luôn bấp bênh, lợi nhuận thu về chẳng bao nhiêu, thậm chí còn lỗ. Trong khi đó, trồng tiêu ba năm sau cũng thu hoạch, năng suất bình quân đạt ba tấn/ha và chỉ cần giá ổn định từ 150.000 - 200.000 đồng/kg thì mỗi năm, tôi cũng thu về cả tỷ đồng. Vì vậy, ngoài số vốn gia đình dành dụm được, tôi vay thêm ngân hàng 120 triệu đồng đầu tư trồng tiêu”, ông Dậu chia sẻ.
Tương tự, ông Lại Quốc Huy, ở buôn Tơng Lía, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar cũng đang chặt bỏ ba héc-ta cao su để chuyển đổi sang trồng tiêu. Theo ông Huy, ba năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp, mỗi héc-ta cao su thu về chỉ đủ trả tiền thuê nhân công cạo mủ và phân bón, tính ra không có lãi. Năm nay, giá cao su lại càng rớt thê thảm hơn, tính ra lỗ khoảng năm triệu đồng/ha. Vì vậy, ông đã chặt bỏ ngọn cao su, tận dụng các gốc làm trụ trồng tiêu giảm được chi phí mua trụ.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Cư M’gar Phạm Quang Mười cho biết, khoảng ba năm trở lại đây, diện tích cây tiêu trên địa bàn huyện tăng đột biến. Chỉ riêng cuối năm 2014, toàn huyện có khoảng hai nghìn héc-ta, đến nay đã tăng lên 2.400 ha tiêu. Giá tiêu chỉ cần ổn định ở mức 170.000 - 180.000 đồng/kg, nếu chăm sóc tốt, mỗi héc-ta tiêu đạt khoảng 3,5 tấn thì người dân cũng thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Hiện nay, tiêu được xem là loại cây trồng siêu lợi nhuận nên nông dân ồ ạt chạy đua trồng tiêu. Tình trạng này đã phá vỡ quy hoạch cây trồng của huyện, bởi chỉ tính từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã có hơn 100 ha cây trồng lâu năm bị phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu.
Sang huyện Krông Năng những ngày này, đi khắp các vườn rẫy đều chứng kiến cảnh nông dân tất bật đào hố, dựng trụ để trồng tiêu. Còn các cơ sở đúc trụ bê-tông làm việc hối hả, bởi nhu cầu trụ tiêu tăng đột biến.
Nông dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đác Lắc mua trụ xi-măng về trồng tiêu.
Bà Đặng Thị Bình, ở thôn Hồ Tiến, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng cho biết, bà đã chặt bỏ một phần trong diện tích một héc-ta cà phê vườn nhà để trồng hơn 300 trụ tiêu.
“Thấy tiêu giá cao, tôi cũng ham lắm nhưng chỉ trồng ít để thăm dò. Chứ thời gian qua, nhiều hộ dân ở địa phương có vườn tiêu bị dịch bệnh, chết cả nghìn cây tiêu nên tôi không dám mạo hiểm trồng nhiều vì sợ mất cả cà phê lẫn tiêu”, bà Bình chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Quang Thắng, ở tổ 2, thị trấn Krông Năng đã chặt bỏ hơn một héc-ta cà phê già cỗi chuyển sang trồng tiêu. Những ngày này, ông thuê người đào hố, dựng trụ bê-tông và xuống giống tiêu, đồng thời đào giếng để lấy nước tưới trong mùa khô tới. Ông Thắng cho biết: “Tôi đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để trồng hơn một héc-ta tiêu này. Nếu tiêu vẫn giữ mức giá 200.000 đồng/kg như hiện nay thì chỉ sau một mùa thu hoạch, tôi sẽ thu hồi vốn, còn những năm sau chủ yếu là thu lãi”.
Phó trưởng phòng NN và PTNT huyện Krông Năng Bùi Phước Thành cho biết, theo quy hoạch phát triển cây tiêu toàn huyện là 1.500 ha, nhưng hiện nay, diện tích thực trồng đã vượt xa. Trong những tháng đầu mùa mưa năm nay, người dân trên địa bàn ồ ạt đầu tư trồng tiêu, thậm chí nhiều nơi lâu nay chỉ trồng được cây ngắn ngày nay người dân cũng đưa tiêu vào trồng”.
Do giá trị kinh tế từ cây tiêu mang lại quá cao nên trong những năm qua, người dân ở Đác Lắc không ngừng mở rộng diện tích cây tiêu bất chấp khuyến cáo của chính quyền và các ngành chức năng.
Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đác Lắc Trang Quang Thành cho biết: “Đến nay, Đác Lắc là một trong bảy tỉnh có diện tích tiêu lớn nhất nước. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh là 15 nghìn ha, nhưng đến nay, diện tích đã tăng hơn 16 nghìn ha. Đó là con số thống kê được, còn thực tế có thể lớn hơn nhiều”.
Những hệ lụy
Với giá tiêu cao như hiện nay cùng tình trạng nhà nhà trồng tiêu đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết là phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng của tỉnh, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa, được mùa mất giá rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp không thể ngăn cấm người dân không trồng cây tiêu vì đất thuộc sở hữu của người dân, họ muốn trồng cây gì thì trồng, Nhà nước chỉ có tuyên truyền, vận động.
Không chỉ phá vỡ quy hoạch mà việc người dân ồ ạt trồng tiêu không chú trọng đến việc cải tạo đất, xử lý mầm bệnh hoặc trồng trên vùng đất không phù hợp; chưa chú trọng đến cây che bóng cho tiêu, bón phân hóa học với liều lượng cao mà ít quan tâm đến phân hữu cơ và chế phẩm sinh học cho cây tiêu… Chính vì vậy, tình hình sâu bệnh hại trên cây tiêu đang ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt là các loại nấm bệnh chết nhanh, chết chậm gây hại bộ rễ đã làm chết hàng loạt các vườn tiêu. Theo thống kê của Sở NN và PTNT Đác Lắc, trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh có hơn một nghìn héc-ta tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm và tình hình dịch bệnh trên cây tiêu ngày càng gia tăng.
Thực tế, trong những năm qua cho thấy, bên cạnh những người vươn lên khá giả nhờ cây tiêu cũng có không ít người lao đao, khốn khổ vì cây tiêu mắc bệnh. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Hồng Sơn, ở thôn 2A, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đác Lắc có vườn tiêu hơn hai nghìn trụ, hằng năm, thu khoảng 10 tấn hạt tiêu. Thế nhưng hơn một năm nay, hơn một nửa vườn tiêu của gia đình ông bỗng dưng héo lá rồi chết khô dần. Tính cả thiệt hại do giảm sản lượng, ông Sơn đã mất gần hai tỷ đồng tiền công đầu tư cứu vườn tiêu.
“Nhìn vườn tiêu chết khô mà đứt từng khúc ruột. Công sức gần 10 năm nay giờ đổ xuống sông xuống bể. Nhưng giờ không trồng tiêu thì trồng cây gì đây, trồng lại cà phê thì càng không thể”, ông Sơn than thở.
TS Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, diện tích cây tiêu ở tỉnh Đác Lắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên đang biến động tăng mạnh, rất khó nắm bắt. Thống kê của Viện trong ba năm gần đây toàn vùng đã tăng 20.000 ha tiêu. Việc người dân ồ ạt trồng tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro do tiêu được trồng trên nhiều chân đất, kể cả những nơi không phù hợp hoặc chưa được xử lý tuyến trùng hại rễ… nên chỉ sau vài năm trồng, cây tiêu mới đổ bệnh, lây lan rất nhanh, có thể chết hàng loạt.
Bên cạnh đó, hiện chính quyền các tỉnh không chỉ không quản lý được diện tích cây tiêu mà ngay cả cây giống cũng không quản lý được. Theo quy định các cơ sở sản xuất cây giống phải có điều kiện như cán bộ kỹ thuật phải là kỹ sư trồng trọt… nhưng hiện nay, các cơ sở sản xuất bán cây giống mở tràn lan và bán đủ loại cây giống nhưng không ai kiểm tra, xử lý những giống kém đất lượng. Thêm vào đó, đến nay, vẫn chưa có đề tài nghiên cứu sâu về cây tiêu, cả nước chưa có vườn ươm giống chuẩn, giống tiêu chỉ được tuyển lựa qua quá trình canh tác của các địa phương nên có hàng chục loại giống, lai tạp khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu và khó kiểm soát dịch bệnh trên cây tiêu. Trong khi đó, hiện nay, một số bệnh trên cây tiêu, nhất là bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm vẫn chưa có thuốc đặc trị…
Vì vậy, nếu ồ ạt mở rộng diện tích mà không nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… khi vườn tiêu mắc bệnh chết hàng loạt sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân, khiến cho nền nông nghiệp ở địa phương phát triển thiếu bền vững.
Mặt khác, việc ồ ạt mở rộng diện tích cây tiêu còn làm gia tăng tình trạng phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu, đồng thời việc mua bán, tranh chấp đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Đặc biệt, thời gian gần đây, tại một số địa phương ở Đác Lắc như huyện Cư Kuin, Ea H’leo còn xảy ra tình trạng cắt trộm dây tiêu mang đi bán gây thiệt hại nặng nề, lợi dụng vào đó bọn côn đồ ép người trồng tiêu phải nộp tiền bảo kê vườn tiêu, nếu không sẽ bị phá hoại… gây bức xúc trong nhân dân.
Trụ tiêu do phá rừng trái phép bị Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng thu giữ.
Có thể bạn quan tâm
Qua theo dõi, đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, chưa năm nào giá thanh long trong tỉnh lại ít biến động và đứng ở mức cao (từ 10.000 đồng đến trên 30.000 đồng/kg) như năm 2013.
Hơn 1 tháng nay, trong khu vực kè biển thuộc khu phố 5, phường Đức Long, thành phố Phan Thiết xuất hiện rất nhiều nghêu. Nhiều hộ dân sống lâu năm ở đây cho biết đây là điều khá đặc biệt, bởi khu vực biển này từ trước đến giờ chưa bao giờ xuất hiện con nghêu và chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây từ khi có kè biển bao bọc.
Những ngày giữa tháng 3, gia đình ông Trần Văn Tuất ở thôn 9, xã Nam Bình đang tưới nước đợt 3 cho 2 ha cà phê. Theo ông Tuất thì năm nay thời tiết có những biểu hiện là sẽ khô hạn hơn năm ngoái nên ông chú trọng vào những biện pháp canh tác nhằm đảm bảo an toàn cho vườn cây.
Bước sang năm 2014 là năm thứ 4, Công ty CP Cao su Hà Giang triển khai trồng, chăm sóc các giống cao su kháng lạnh. Ký ức về thiệt hại do giá rét năm 2010 vẫn chưa nguôi, nhưng đó cũng là bài học, là kinh nghiệm vô cùng quý giá để cho người trồng cao su thêm phần quyết tâm trên vùng đất khó.
Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết trong thời gian vừa qua như rét đậm, rét hại kéo dài, hạn hán... việc triển khai sản xuất vụ Xuân ở Yên Minh theo đúng khung thời vụ đang gặp rất nhiều khó khăn.