Hiệu Quả Từ Mô Hình Chuyển Đổi Cây Trồng Trên Đất Lúa Thiếu Nước

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong mùa hè tình hình thời tiết nắng nóng, hạn hán đã xảy ra nhiều nơi, nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất ngày càng cạn kiệt, một số diện tích đất sản xuất lúa phải bỏ hoang, có diện tích sau khi gieo sạ một thời gian bị thiếu nước phải cắt làm thức ăn cho trâu bò, có diện tích bị cháy khô, số diện tích còn lại cho năng suất thấp, không hiệu quả trong sản xuất…
... Do vậy, vấn đề đặt ra trong sản xuất nông nghiệp là cần bố trí cây trồng phù hợp, giảm bớt lượng nước tưới trong vụ hè nhưng phải mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (TTKNKN) Quảng Ngãi, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn đã triển khai thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước sử dụng giống lạc (đậu phụng) LDH01, tại xã Bình Tân, với qui mô 3ha, 45 hộ tham gia.
Mục tiêu của mô hình, giảm áp lực về nước tưới, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây lạc, góp phần cách ly nguồn sâu bệnh trong đất, tăng độ phì cho đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phấn đấu đạt năng suất trên 20 tạ/ha.
Vừa qua, Trạm Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn đã tổ chức Hội nghị tham quan, tổng kết và đánh giá kết quả mô hình.
Báo cáo tại hội nghị, Trạm Khuyến nông huyện cho biết, trong thời kỳ đầu mới trồng (từ 29/4 - 6/5/2013) đã gặp thời tiết nắng nóng, thiếu nguồn nước tưới gây hạn trên đồng, giai đoạn đầu lạc mới mọc, đất thiếu ẩm, tỷ lệ đậu mọc đạt ≥ 80%. Sau khi gieo trồng lạc từ 7-10 ngày nông dân phun thuốc cỏ hậu nảy mầm trừ cỏ lúa gặp thời tiết nắng nóng, độ ẩm không đảm bảo nên ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng của cây lạc một thời gian đầu. Giai đoạn đâm tia tạo quả thiếu nước tưới ảnh hướng đến việc hình thành quả đậu, một số diện tích đậu bị hóp. Tuy nhiên, nhờ sự chăm sóc, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh gây hại tích cực của các hộ tham gia thực hiện mô hình nên phần diện tích lạc còn lại sớm hồi phục và sinh trưởng phát triển bình thường.
Qua kết quả triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước tại xã Bình Tân bước đầu đã đánh giá được giống lạc LDH01 thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, cho năng suất khá cao, kháng sâu bệnh, chịu hạn và chịu thâm canh, giúp nông dân nhận thức được lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng cạn ở những vùng đất lúa thiếu nước trong vụ Hè Thu, từ đó chủ động chuyển đổi cây trồng trong những vụ sau.
"Trên cùng một đơn vị sản xuất cây lạc, sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất lúa. Điều đáng nói là trong một chu kỳ trồng cây lạc nông dân chỉ tưới 3 kỳ nước, còn ruộng lúa tưới 4 - 5 kỳ nước. Mô hình bước đầu đã tiết kiệm lượng nước tưới so với sản xuất lúa và phần nào đã cách ly nguồn sâu bệnh, cải tạo đất, tăng độ phì cho đất, giảm được chi phí đầu tư nhân công, đồng thời giúp cho cây đậu sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, nhằm tăng hiệu quả kinh tế hơn so với sản xuất lúa trong cùng điều kiện sản xuất" - Ông Đồng Thanh Tấn - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Tân cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Các doanh nghiệp chế biến,xuất khẩu cá tra cạnh tranh không lành mạnh chào bán giá thấp rồi quay lại ép giá mua cá của người dân để chế biến có lời.

Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Sau đó, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện đề án này của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố ban hành chương trình hành động thực hiện. Hiện nay, ngành Nông nghiệp cũng đã có một số định hướng để tiến hành tái cơ cấu.

Tham gia tập huấn, các học viên đã được giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn quy cách hồ nuôi, mật độ số lượng lươn nuôi/m2, tiêu chuẩn đạm trong thức ăn cho lươn, thay nước sau khi cho lươn ăn, phương pháp cho lươn sinh sản đạt hiệu quả… một số dịch bệnh thường gặp ở lươn và phương pháp điều trị...

Hoa cúc có thể trồng quanh năm trên đất cát có nhiều mùn, đất pha sét, đất đỏ bazan hoặc đất thịt nhẹ nhưng tất cả đều phải tơi xốp và thoát nước tốt, độ pH từ 6 – 6,5. Đất phải có dinh dưỡng thỏa mãn nhu cầu phát triển của cây, do đó cần phải áp dụng phân bón cân đối.

Sản lượng tiêu thụ rau màu giống tăng từ 20 - 30% so với năm trước nhưng giá vẫn giữ ở mức ổn định. Sau khi trừ các khoảng chi phí, ông Sang thu lãi gần 1 triệu đồng/ngày.