Hiệu Quả Từ Đề Án Phát Triển Hồ Tiêu Ở Cam Lộ
Đề án phục hồi và trồng mới hồ tiêu giai đoạn 2011-2015 là cơ hội lớn để nông dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) khắc phục tình trạng xuống cấp của vườn hồ tiêu do già cỗi, nhiễm nhiều loại sâu bệnh gây hại.
Thông qua việc triển khai đề án, nông dân tại 3 xã Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Thành có giải pháp để đầu tư thâm canh cây tiêu trên diện tích đất đai sẵn có. Sau 3 năm triển khai dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan, được người dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ.
Vùng đất 3 xã tham gia thực hiện dự án có diện tích đất đỏ bazan trên 3.000 ha, trong đó có hơn 450 ha được quy hoạch trồng tiêu.
Đây là vùng đất có thế mạnh phát triển về cây công nghiệp và trên thực tế nhờ có sự đầu tư của các dự án, đầu tư từ ngân sách, người dân đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh này mang lại hiệu quả rất cao từ cây cao su, hồ tiêu…Vườn tiêu của gia đình bà Trần Thị Cúc ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính đã được đầu tư trồng mới khá đồng bộ bằng việc thay đổi cây giống và áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong việc trồng tiêu bằng trụ bê tông.
Gần 100 triệu đồng được gia đình bà đầu tư xây 200 trụ bê tông để trồng mới vườn tiêu đã được thay thế bằng choái mớc. Bà Cúc cho biết: “Hiện nay, tiêu bán được giá cao nên nhiều người trong xã đã đầu tư trồng mới hoặc chăm sóc phục hồi vườn tiêu. Gia đình tôi khi tham gia vào đề án của huyện được hỗ trợ về kinh phí, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu.
Gia đình tôi đầu tư trồng mới hoàn toàn vườn tiêu, thời gian đầu khi tiêu còn nhỏ, tôi xây trụ thấp để tiết kiệm vốn đầu tư, bây giờ tiêu lên cao tôi xây thêm trụ cao hơn cho đến khi tiêu ổn định”. Vườn tiêu của gia đình bà Cúc làmột trong số 30 gia đình ở xã Cam Chính thực hiện tham gia vào đề án phục hồi và trồng mới cây hồ tiêu của huyện.
Đề án phục hồi và trồng mới hồ tiêu giai đoạn 2011-2015 với sự phối hợp của “4 nhà” đã đề ra và triển khai thực hiện có hiệu quả những giải pháp phát triển hồ tiêu, trong đó có chính sách cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Hưởng ứng tham gia thực hiện đề án này, Công ty TNHH MTV thương mại Quảng Trị trên cơ sở thành công bước đầu xây dựng thương hiệu tiêu Cùa đã đầu tư bình quân 500 triệu đồng/năm cho xã Cam Chính để hỗ trợ người dân tham quan học tập, hội thảo đầu bờ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cải tạo giống, mua các loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật cũng như nhiều hoạt động khác nhằm nâng cao năng lực, trình độ canh tác cho người dân trồng tiêu, xây dựng vùng tiêu sinh thái, phát triển bền vững.
Các địa phương khác trong vùng triển khai đề án tùy theo mục đích phục hồi hay trồng mới cũng được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư.
Trong quá trình thực hiện đề án, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện thường xuyên về trực tiếp bám sát cơ sở, triển khai các chính sách hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn giúp cho các hộ gia đình nắm bắt rõ các quy trình kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Các xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện.
Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng cao và tích cực tham gia đề án. Đến nay, các hộ dân tham gia dự án đã thấy rõ lợi ích từ việc trồng và chăm sóc vườn tiêu đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là khâu chọn giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đối với diện tích phục hồi, người dân được tập huấn và áp dụng tốt kiến thức vào quy trình chăm sóc nên những vườn tiêu đã phục hồi nhanh chóng.
Những vườn tiêu trước đây ít chăm sóc, bị xuống sức nay được đầu tư thâm canh theo quy trình canh tác sạch, bền vững đã giảm sâu bệnh, tăng năng suất hơn trước từ 30- 50%, đạt từ 12- 15 tạ/ha. Đối với diện tích trồng mới được áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ngay từ đầu vào các quy trình trồng và chăm sóc nên sinh trưởng và phát triển nhanh.
Ngoài việc hỗ trợ kinh phí đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, Công ty TNHH MTV thương mại Quảng Trị còn cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân theo giá thị trường cũng như đảm bảo về chất lượng sản phẩm được ký gửi tại kho. Công ty tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài nước để sản phẩm tiêu Cam Lộ nói chung, tiêu vùng Cùa nói riêng có vị trí đúng tầm với chất lượng sản phẩm.
Với sự phối hợp của “4 nhà”, đề án phục hồi và trồng mới hồ tiêu giai đoạn 2011- 2015 của huyện Cam Lộ góp phần giải quyết vấn đề sản xuất gắn liền với chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiêu thụ, những vướng mắc mà lâu nay huyện và người nông dân chưa tháo gỡ được. Cây hồ tiêu vùng Cùa đã thực sự có cơ hội nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trồng tiêu.
Có thể bạn quan tâm
2 năm qua, tỉnh Bình Định liên tục đưa giống lúa thuần VN 121 vào mô hình trình diễn với diện tích lớn.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Chatchai Sirikalya vừa cho hay Thái Lan sẽ bán cho Trung Quốc 1 triệu tấn gạo nhằm giảm bớt lượng gạo khổng lồ hiện đang dự trữ trong kho.
Trong bối cảnh nhiều lô chè XK bị trả lại do không đảm bảo chất lượng thì chè Mộc Châu vẫn không đủ XK theo đơn hàng.
Cây xạ đen mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 – 4 lần so với canh tác lúa hoặc các loại hoa màu khác. Đặc biệt, người dân trồng cây xạ đen không cần phải mang đi xa mà thương lái vào tận vườn thu mua.
Hiện nay đã vào mùa thu hoạch chính vụ mắc ca ở Tây Nguyên, việc mua bán đang khá sôi động. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hạt mắc ca tươi (nguyên vỏ cứng) đang được các hộ dân bán với giá 120.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá bán bình quân tại cửa nông trại ở các nước khác.