Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Chương Trình Quản Lý Dịch Hại Tổng Hợp Trên Cây Trồng

Hiệu Quả Từ Chương Trình Quản Lý Dịch Hại Tổng Hợp Trên Cây Trồng
Ngày đăng: 26/01/2015

Với 4 nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt là trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai đã góp phần tích cực trong việc giúp nông dân bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa tại địa phương.

Trong những năm gần đây, dịch hại trên các loại cây trồng phát triển mạnh và diễn ra khá phức tạp do ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất như chuyển đổi cơ cấu giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đặc biệt là diễn biến bất thường của thời tiết do hiện tượng biến đổi khí hậu…
Trước thực trạng này, từ năm 2004 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai hiệu quả chương trình IPM trên một số loại cây trồng tại các huyện, thị xã trong tỉnh. Để chương trình nhanh chóng “phủ sóng” đến các địa phương, những năm đầu, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã “khăn gói” về tận các thôn, bon thực hiện “ba cùng” với bà con nông dân.
Với hình thức chuyển giao từ gần gũi nhất là cầm tay chỉ việc đến xây dựng giáo trình như lấy học viên làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài giảng, hướng dẫn cụ thể ngay trên vườn… đã giúp bà con nắm bắt hiệu quả nội dung bài học.
Bên cạnh đó, các lớp học còn thực hiện những thí nghiệm nhỏ đơn giản, dễ làm để người nông dân tự thực hành, tự kiểm tra kết quả áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, thông qua hoạt động này, người dân đã thấy được vai trò, lợi ích của thiên địch, tác hại của việc lạm dụng thuốc, phân bón đến hệ sinh thái đồng ruộng, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.
Ông Nguyễn Văn Phước ở thôn Nam Trung, xã Nam Đà (Krông Nô), một người tiếp cận chương trình IPM từ những năm đầu cho biết: “Tham gia chương trình IPM, tôi đã được trang bị nhiều kiến thức về quản lý dịch hại cho cây trồng một cách có hệ thống để áp dụng vào sản xuất đưa lại hiệu quả kinh tế cao”.
Theo quy định thì kết thúc khóa đào tạo, bà con nông dân cùng tham gia làm các bản tổng kết, báo cáo sinh động, phân tích trực quan tại đồng ruộng và từ đó làm thay đổi nhận thức, giúp cho người nông dân thấy được những nhược điểm trong suy nghĩ và tập quán canh tác cũ. Từ đó, họ tự nhận thức, thay đổi tư duy, cách làm theo phương pháp mới được tiếp cận.
Về căn bản, chương trình IPM là phương pháp đào tạo theo hướng mở, giúp nông dân từ chỗ thụ động làm theo cán bộ kỹ thuật một cách máy móc trở thành chủ động thực hiện và lôi cuốn người khác cùng làm. Đây là mục tiêu mà IPM muốn đạt đến nhằm giúp người nông dân trở thành chuyên gia trên đồng ruộng của mình.
Thông qua chương trình tập huấn, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất bằng các giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã giúp cho nội dung các buổi tập huấn thêm sinh động, cuốn hút người dân tham gia.
Qua thực tế triển khai trên đồng ruộng, chương trình IPM đã giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất do giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân hóa học, lượng giống gieo sạ đối với cây lúa, từ đó hạ giá thành sản phẩm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trong nông sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh lương thực, thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường và người nông dân thu được hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ năm 2004-2014, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức 87 lớp tập huấn về IPM. Trong đó, tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây cà phê được 39 lớp, cây tiêu: 27 lớp, rau: 9 lớp, lúa: 7 lớp, đậu đỗ: 3 lớp, điều: 2 lớp thu hút 2.610 lượt người tham dự, trong đó, học viên là người đồng bào dân tộc tại chỗ là 783 lượt người.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 20.610 ha được bà con nông dân áp dụng quy trình IPM vào thực tế sản xuất. Trong đó, diện tích lúa: 420 ha, cà phê: 11.700 ha, tiêu: 6.480 ha, rau: 540 ha, cây điều: 1.200 ha, đậu đỗ: 270 ha...
Có thể nói, chương trình IPM được tổ chức tập huấn và ứng dụng trong sản xuất thời gian qua đã có nhiều tác động tích cực về mặt kinh tế. Cụ thể, cứ bình quân 1 ha lúa đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả thâm canh từ 750.000 – 2.700.000 đồng, 1 ha rau bà con có lãi thêm từ 500.000 – 2.000.000 đồng/sào, đối với cà phê người nông dân có khoản thu nhập tăng thêm 2 – 3 triệu đồng/ha do tiết kiệm được phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Như vậy, tính về tổng thể hàng năm, chương trình IPM đã đóng góp vào tỷ trọng của ngành Nông nghiệp của tỉnh từ 20 – 30 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, chương trình IPM trên cây trồng góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương, giảm tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.


Có thể bạn quan tâm

Sản Xuất Vụ Đông Bảo Đảm Đúng Khung Thời Vụ Sản Xuất Vụ Đông Bảo Đảm Đúng Khung Thời Vụ

Các giống cây được đưa vào gieo trồng chủ yếu là ngô LVN4, LVN99, NK4300, NK66, NK6654, CP999, CP989, B21, B06, B9698, NH45, MB69; khoai lang Hoàng long, KL2, KL5, 143, VX- 37, các giống khoai Nhật Bản chất lượng cao; đậu tương ĐT26, ĐT84, DT2001, ĐT12, ĐVN 6, DT 2008…

21/10/2014
Ngư Dân Phú Quốc Trúng Mùa Cá Cơm Ngư Dân Phú Quốc Trúng Mùa Cá Cơm

Ông Nguyễn Văn Nam - ngụ tại khu phố 1, thị trấn An Thới - cho biết: “Năm nay cá cơm có sớm, mới chuyển bấc được hơn 10 ngày đã có cá cơm. Mỗi chuyến ra khơi khoảng 1 tuần, mỗi tàu đánh được khoảng 10 tấn. Với giá giao động từ 10.000-12.000 đồng/kg, mỗi chuyến ngư dân thu được hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng”.

21/10/2014
Giá Hạt Điều Tới Đây Sẽ Tăng Cao? Giá Hạt Điều Tới Đây Sẽ Tăng Cao?

Các chuyên gia ngành điều dự báo, tình hình vụ điều toàn cầu niên vụ 2014 – 2015 không thuận lợi, trong khi nhu cầu thu mua tiêu dùng tại các thị trường lớn như Ấn Độ, Mỹ, Châu Âu, Trung Đông... tiếp tục tăng trưởng sẽ giúp giá điều tăng cao trong vụ tới.

21/10/2014
Sinh Viên Quốc Tế Học Làm Nông Sinh Viên Quốc Tế Học Làm Nông

52 SV đã mặc quần áo của nhà nông và hăng hái tập làm nghề nông. Họ trải nghiệm với việc cầm cuốc xới đất, kéo cày, tự tay trồng rau, cấy lúa, bắt cá, chế biến các món ăn… Sinh viên Anne Bjorseth chia sẻ: “Cảm giác thật là tuyệt. Công việc làm nông mệt nhưng rất vui. Người nông dân ở đây rất thân thiện và hiếu khách. Tôi rất ấn tượng về đất nước Việt Nam”.

21/10/2014
Đối Thoại Chính Sách, Tăng Năng Lực Nông Dân Đối Thoại Chính Sách, Tăng Năng Lực Nông Dân

Sáng 20/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị Ban chỉ đạo khu vực chương trình hợp tác trung hạn giữa Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) với các tổ chức nông dân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2 (MTCP2). Dự hội nghị có 50 đại biểu đến từ các tổ chức nông dân ở 13 trong số 15 nước tham gia MTCP 2.

21/10/2014