Chương Trình Hỗ Trợ Trâu, Bò Cho Các Huyện Miền Núi – Nhìn Từ Thực Tế
Nghị quyết 30a của Chính phủ ra đời nhiều năm qua đã thực sự tạo ra sức bật mới cho đồng bào dân tộc các huyện nghèo trong tỉnh vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh những hợp phần quan trọng như đào tạo nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng... thì hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn được ưu tiên số 1.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang thay cho căn nhà siêu vẹo, dột nát trước đây, anh Lê Ngọc Chung, thôn Luống Đồng, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) hồ hởi cho biết: “Năm 2009, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng mua trâu sinh sản.
Cùng với số tiền trên, gia đình đã vay thêm 5 triệu đồng để đầu tư “đầu cơ nghiệp” cho phát triển kinh tế. Từ “chiếc cần câu” ấy, đến nay gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, bởi trâu mẹ đã sinh sản được 3 con nghé, bán được hơn 60 triệu đồng và hiện trâu mẹ đang tiếp tục mang thai. Số tiền bán nghé, gia đình đã đầu tư mua cây cao su, cây keo về trồng và nuôi thêm lợn, gà, đào ao thả cá... để tăng nguồn thu.
Niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt 2 vợ chồng anh Chung cũng là niềm vui chung của 153 hộ nghèo khác trên địa bàn xã Hóa Quỳ. Bác Lê Đình Phúc, thôn Quảng Hợp, cho biết: Gia đình bác là hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, qua bình xét nhà bác được xã hỗ trợ mua 1 con trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, sau 2 năm trâu mẹ đã sinh sản được 1 con nghé, trị giá khoảng 17 triệu đồng.
Không chỉ sinh sản, trâu mẹ còn dùng để lấy sức kéo làm đồng ruộng và đi cày thuê để có thêm thu nhập. Bác rất vui vì việc hỗ trợ này chính là động lực để nhiều gia đình tìm được hướng làm ăn mới, vươn lên thoát nghèo.
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Thanh Hóa, từ năm 2011 đến 2013, Nghị quyết 30a của Chính phủ đã hỗ trợ cho 7 huyện nghèo 7.831 con trâu, bò sinh sản, trị giá hơn 52 tỷ đồng.
Những con trâu, bò này là động lực giúp nhiều người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Tại huyện Như Xuân, bình quân mỗi năm có từ 7% - 8% số hộ thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ thuộc diện được hỗ trợ trâu, bò. Hay ở Lang Chánh, trong số 1.900 hộ được hưởng lợi đã có 885 hộ thoát nghèo, đạt tỷ lệ 45%.
Tương tự, tại huyện Bá Thước, thời gian qua, số trâu, bò được hỗ trợ đã sinh sản được 1.513 con, mỗi con trị giá từ 10 đến 17 triệu đồng. Số lượng trâu, bò ngày càng được nhân lên cũng đồng nghĩa với số gia đình thoát nghèo ngày càng nhiều... Ngoài thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, 5 năm qua, dự án “Ngân hàng bò” của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã hỗ trợ 668 con bò cho các hộ nghèo khu vực miền núi.
Trong đó, huyện Quan Sơn 103 con, Lang Chánh 100 con, Mường Lát 100 con... Đến nay, số bò này đã sinh sản được 184 con bê, hiện tại còn 100 con bò đang mang thai. Theo kế hoạch của dự án, số bê sinh sản sẽ tiếp tục được trao cho nhiều hộ nghèo khác.
Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập
Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ mua trâu, bò đã mở hướng thoát nghèo cho nhiều người nông dân. Tuy nhiên, không phải con trâu, bò sinh kế nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn, bởi “dây thừng trao tay” cho một số gia đình chưa được bao lâu thì trâu, bò đã bị chết hoặc người hưởng lợi tự ý bán, chuyển nhượng, phục vụ mục đích khác.
Tại huyện Như Xuân, thực hiện Nghị quyết 30a, từ năm 2010 đến 2013, huyện đã cấp 2.204 con trâu, bò cho 2.808 hộ và nhóm hộ với tổng số tiền hỗ trợ 16 tỷ 303 triệu đồng, trong đó đã giải ngân được 15 tỷ 753 triệu đồng, đạt 96,6% kế hoạch.
Thế nhưng qua khảo sát thực tế tại một số xã trên địa bàn huyện, số trâu, bò trên đã “ngót” dần với nhiều lý do khác nhau. Ví như, trong tổng số 68 con trâu, bò mà xã Cát Vân đã hỗ trợ cho các hộ và nhóm hộ, người dân đã bán và để chết 23 con.
Tương tự, tại xã Thanh Phong có 39/59 con đã bị bán và chết; xã Xuân Bình có 37/122 con được hỗ trợ nhưng chưa kịp sinh sôi, nảy nở đã “ra đi”. Tại huyện Bá Thước, tổng số trâu, bò đã hỗ trợ cho người dân từ năm 2009 đến 2013 là 3.506 con cho 5.831 hộ và nhóm hộ.
Tuy nhiên, đã có 140 con khi được trao tay cho các chủ sở hữu nhưng chưa kịp nhen nhóm chút hy vọng giảm nghèo hay thoát nghèo thì đã bị chết hoặc bị bán... Đối với dự án “Ngân hàng bò”, trong tổng số 668 con đã hỗ trợ cho 7 huyện nghèo từ 2010 đến nay đã có 62 con bị chết. Trong đó, huyện Mường Lát 35 con, Quan Sơn 18 con, Lang Chánh 8 con...
Việc hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm mục đích giảm nghèo bền vững cho người nông dân, song kết quả lại chưa đạt được như mong đợi, bởi nhiều hộ được hỗ trợ đã không chấp hành đúng cam kết khi tham gia thực hiện, vẫn tự ý bán hoặc chuyển nhượng cho người khác.
Một số khác lại có tư tưởng “Tiền của Nhà nước cho” nên sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích, hiệu quả thấp. Không chỉ ở riêng 2 địa phương trên mà các địa phương khác được hỗ trợ cũng xảy ra tình trạng tương tự như Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát...
Theo tìm hiểu được biết, giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết 30a, Nhà nước chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng một con cho một hộ gia đình, các hộ nghèo không có khả năng thực hiện được vì phải bỏ thêm số tiền khá lớn nên các địa phương phải vận dụng bằng cách nuôi theo nhóm hộ (ghép 2 hộ nuôi chung 1 con). Việc này đã nảy sinh tình trạng “cha chung không ai khóc” trong việc xác định trách nhiệm cũng như phân chia việc chăn nuôi, dẫn đến trâu, bò bị bỏ mặc hoặc bị chết vì chăm sóc kém.
Mặt khác, việc các huyện được hỗ trợ cùng một lúc đổ xô đi mua trâu, bò giống dẫn đến nguồn cung kém chất lượng, nhất là số trâu, bò mua ở các huyện miền xuôi, khả năng phòng bệnh và thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu ở miền núi kém, trong khi việc hỗ trợ tiêm phòng và hỗ trợ làm chuồng trại không kịp thời dẫn đến trâu, bò dễ bị chết. Điều đáng nói hơn là không ít người hưởng lợi vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không có ý thức bảo vệ tài sản của mình.
Do điều kiện kinh tế khó khăn nên khi có công việc lớn nhiều hộ dân đã tự ý đem bán hoặc giết thịt để phục vụ công việc gia đình, vì vậy tổng đàn trâu, bò gốc bị giảm. Với những trường hợp này theo nhiều lãnh đạo địa phương rất khó xử lý bởi họ là những hộ nghèo lấy gì để trả lại.
Cùng với những nguyên nhân trên, việc thiếu giải pháp thanh tra, kiểm tra, đánh giá thực hiện cũng khiến cho việc hỗ trợ trâu, bò trong nhiều năm qua chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo khảo sát thực tế, kết quả triển khai mới chỉ được đánh giá qua con số “giải ngân vốn” do UBND các huyện báo cáo lên.
Ông Phạm Văn Tuấn, quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Từ khi triển khai đến nay, công tác kiểm tra, đánh giá không thực hiện thường xuyên, vì thế các hộ được thụ hưởng chưa làm tròn trách nhiệm, để xảy ra sai phạm, ảnh hưởng đến kết quả của chương trình.
Để khắc phục tình trạng này, ngày 22-7-2014, UBND huyện Như Xuân đã có văn bản yêu cầu các xã tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể đến từng hộ gia đình về hiệu quả sử dụng giống vật nuôi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất; phân tích, làm rõ nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thấp, từ đó rút kinh nghiệm và hướng dẫn nhân dân lựa chọn mục tiêu hỗ trợ trong năm 2014 phù hợp, hiệu quả.
Trên thực tế, nếu không được hỗ trợ người dân sẽ phải tìm đến ngân hàng vay vốn để làm “bà đỡ” cho sự khởi nghiệp của mình. Nhưng các chương trình hỗ trợ lại chủ động đến với người nghèo, mang tư liệu sản xuất và mở lối thoát nghèo cho họ.
Vì vậy, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm quản lý, giám sát, tránh gây lãng phí các nguồn hỗ trợ để những chương trình, dự án đã triển khai mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống hộ nghèo vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này rất nhiều ngư dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tĩnh) đang được mùa sứa biển, giá thành khá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể...
Con banh lông là loại hải sản còn ít người biết đến. Nhìn bề ngoài banh lông có hình dạng tròn như trái banh loại nhỏ, sống vùi sâu dưới lớp bùn. Lâu nay hầu như ngư dân ít khai thác loại hải sản này.
Nhiều năm trở lại đây, nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển tỉnh Quảng Bình phát triển khá mạnh với diện tích tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch vùng nuôi mang tính chiến lược vẫn còn nhiều hạn chế và việc nuôi tôm trên cát phát triển manh mún, tự phát. Vì vậy, để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc tháo gỡ những khó khăn và mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm là điều cần thiết.
Trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) hiện có 27.300ha cà phê. Nhận thấy nhu cầu rất lớn về cây giống phục vụ cho Chương trình tái canh cà phê, ông Bùi Đình Thám (thôn 12, xã Lộc Thành) đã mạnh dạn dành 2.000m2 đất, trong tổng số 4.000m2 đất vườn nhà, để sản xuất cây cà phê giống cao sản, cung ứng cho thị trường.
Người nuôi cá rô đầu vuông ở ĐBSCL đang lâm vào tình cảnh của người nuôi cá tra, “chết đứng” hàng loạt. Thê thảm nhất có lẽ là người nuôi ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Đây chính là nơi gần 10 năm trước khởi nguồn phong trào nuôi cá rô đầu vuông khắp ĐBSCL.